Nữ giáo viên vùng biên lo bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh

Cô giáo Hàn Thị Giang, quê ở xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa), là một người tận tâm với sự nghiệp giáo dục của huyện vùng biên Mường Lát. Hơn 20 năm rời quê hương, gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi đây, cô không ngừng nỗ lực đổi mới trong giảng dạy và quản lý, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ giáo viên trẻ khác.

Cô giáo Hàn Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Chung, xã Tam Chung (Mường Lát) cùng các em học sinh. Ảnh: Đình Giang

Cô giáo Hàn Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Chung, xã Tam Chung (Mường Lát) cùng các em học sinh. Ảnh: Đình Giang

Cô Giang nhớ rất rõ những ngày đầu đến với huyện vùng biên Mường Lát để dạy học. Hồi đó, cô phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ. Từ việc phải tập thích nghi với cuộc sống thiếu thốn về vật chất, cho đến phải nỗ lực học ăn, học nói và tiếp cận với văn hóa của bà con bản địa. Nhiều lúc cô rất nhớ nhà, muốn xin chuyển công tác về xuôi. Nhưng rồi nhìn những đứa trẻ nghèo ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, vẫn nỗ lực đến lớp, khiến cô quên đi những suy nghĩ cho bản thân và thầm hứa phải cố gắng thật nhiều hơn nữa.

Trải qua nhiều vị trí công tác, từ tháng 1/2020 đến nay, cô Giang giữ chức Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Chung, xã Tam Chung. Đây là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, có 8 bản với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm: Thái, Mường, Mông, Kinh. Trường Mầm non Tam Chung có 7 điểm trường, một điểm chính đặt tại trung tâm xã và 6 điểm lẻ đặt tại các bản cách xa. Địa hình phức tạp, có những điểm trường lẻ cách trung tâm xã lên đến 20km nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Bằng sự nỗ lực của mình, cô Giang đã tập hợp được sự đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất. Nhiều năm qua, nhà trường luôn hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ năm học. Huy động trẻ đến lớp đạt kế hoạch giao, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ không ngừng được nâng lên. Cụ thể, tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 71,4%; chất lượng chuyển giao trẻ 5 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.

Cô Giang chia sẻ, một trong những niềm tự hào nhất mà cô làm được chính là việc huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng và các nhà hảo tâm để tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Trước đây, việc thiếu dịch vụ bán trú khiến phụ huynh phải đưa đón con nhiều lần trong ngày. Nhằm cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức và cá nhân để tài trợ cung cấp đồ dùng ăn, ngủ bán trú. “Sự hỗ trợ này đã giúp nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú, tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm lao động và cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em vùng biên” - cô Giang vui mừng nói.

Đến nay nhà trường đã tổ chức ăn bán trú 5/7 điểm trường lẻ. Đây là trường đầu tiên của bậc học mầm non ở huyện Mường Lát có nhiều điểm trường lẻ tổ chức ăn bán trú. Không chỉ vậy, nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trong năm học 2020-2021, cô Giang đã có sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác xã hội hóa giáo dục tại Trường Mầm non Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa” đạt loại A do Hội đồng khoa học huyện Mường Lát đánh giá, xếp loại.

Từ một giáo viên bám bản ở những điểm trường khó khăn nhất, cô Giang đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, dù ở vị trí nào cô cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là người truyền cảm hứng, sự nhiệt huyết cho các thầy, cô giáo trẻ lên huyện vùng biên Mường Lát công tác.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết: "Cô Giang không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn là tấm gương sáng trong công tác xã hội, đi đầu trong việc kêu gọi xây dựng bữa ăn bán trú cho trẻ. Với những tháng năm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện Mường Lát, cô đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của ngành, UBND tỉnh, huyện. Đặc biệt, năm học 2022-2023, cô được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa".

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nu-giao-vien-vung-bien-lo-bua-an-nbsp-giac-ngu-cho-hoc-sinh-240182.htm
Zalo