Nữ Giám đốc HTX tâm huyết 'nâng tầm' hạt gạo quê hương

Ngoài mang lại nguồn thu nhập khá, HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) còn tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường.

Nhận thấy nhu cầu thu mua gạo Khang dân tại Hà Tĩnh lớn nên vào năm 2015, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1974, trú thôn Xóm Mới, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) đã quyết định cùng một số hộ kinh doanh nông sản khác trên địa bàn thành lập HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (gọi tắt là HTX Hạnh Cường) chuyên sản xuất gạo làm bún, bánh. Sau khi thành lập, HTX có 13 thành viên, bà Hạnh đảm nhận vai trò giám đốc.

Thời gian đầu khi mới thành lập, HTX Hạnh Cường đã liên kết với hàng trăm hộ dân tại các địa phương như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh… để thu mua gạo Khang Dân. Theo bà Hạnh, loại gạo này có đặc điểm là hạt đều, tỷ lệ gãy vỡ thấp và có vị ngọt tự nhiên nên rất thích hợp để sử dụng để làm bún, bánh. Đặc biệt, theo chia sẻ của các cơ sở làm bún, sử dụng gạo Khang Dân sẽ giúp sản phẩm có độ khô, nở vừa phải và không bị mất nước khi để nguội.

Với quy mô ngày càng phát triển nên vào năm 2018, HTX Hạnh Cường đã mở rộng xưởng sản xuất với diện tích hơn 1.000m2 và đầu tư hệ thống lò sấy hiện đại, dây chuyền khép kín, liên hoàn với công suất 160 tấn/ngày.

 Dây chuyền, máy móc sản xuất gạo được HTX Hạnh Cường đầu tư hiện đại.

Dây chuyền, máy móc sản xuất gạo được HTX Hạnh Cường đầu tư hiện đại.

Đến nay, sau gần 10 năm thành lập, HTX Hạnh Cường ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, bình quân mỗi năm, HTX thu mua khoảng 16 nghìn tấn lúa cho bà con nông dân và xuất bán ra thị trường khoảng 10 nghìn tấn gạo. Bà Hạnh cho biết: “Sản phẩm gạo của HTX được đón nhận ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước; trong đó, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX luôn ổn định”.

Để tăng nguồn thu cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, đầu năm 2023, bà Hạnh cùng các thành viên trong HTX tiếp tục đầu tư thêm 7 tỷ đồng để nâng cấp máy móc hiện đại và công suất lớn hơn. Song song với đó, bà cũng đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP và được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 7/2024.

Sản phẩm gạo Hạnh Cường được công nhận đạt OCOP 3 sao vào tháng 7/2024.

Sản phẩm gạo Hạnh Cường được công nhận đạt OCOP 3 sao vào tháng 7/2024.

Việc được công nhận đạt OCOP đã tạo thêm một bước tiến mới, khẳng định chất lượng và độ uy tín cho thương hiệu gạo Hạnh Cường. “Bình quân mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng từ 12 - 13 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ hết các chi phí đạt khoảng từ 15 - 20%. Ngoài mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 10 nhân công chính với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ” - bà Hạnh chia sẻ.

Được biết, trong thời gian tới, khi hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn, HTX Hạnh Cường sẽ đầu tư thêm vốn để mở rộng xưởng, khu vực sản xuất và xây dựng kho chứa thành phẩm. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng gạo, mở rộng thị trường với mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường được thành lập đã góp phần tiêu thụ lúa cho bà con các địa phương trên địa bàn tỉnh với mức giá ổn định, giúp người nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, HTX còn tích cực trong các hoạt động, phong trào của địa phương. Tin rằng, với kinh nghiệm sản xuất kinh doanh lâu năm, HTX sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới”, ông Trần Huy Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết.

Video: Quy trình sản xuất gạo của HTX Hạnh Cường (video do cơ sở cung cấp).

Đức Quân

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nu-giam-doc-htx-tam-huyet-nang-tam-hat-gao-que-huong-post274457.html
Zalo