Nữ chủ tịch đầu tiên của Đại học Y trải lòng về 30 năm phòng chống bệnh thế kỷ

Sau hơn 30 năm, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cùng các đồng nghiệp đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thành tựu ấn tượng trong phòng, chống HIV/AIDS. Bà vừa nhận nhiệm vụ mới, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương - nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa được Bộ trưởng Y tế quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội nhiệm kỳ 2020 -2025. PGS.TS Phan Thị Thu Hương trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này ở ngôi trường đại học lâu đời nhất Việt Nam.

Từng là Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, với 30 năm gắn bó với ngành y, PGS.TS Thu Hương đã có nhiều đóng góp quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một trong các nước có chất lượng điều trị ARV tốt nhất thế giới và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong phòng, chống HIV/AIDS trên trường quốc tế.

PGS.TS Thu Hương trong ngày nhậm chức vụ mới. Ảnh: Trường ĐH Y Hà Nội

PGS.TS Thu Hương trong ngày nhậm chức vụ mới. Ảnh: Trường ĐH Y Hà Nội

Trước khi chia tay các đồng nghiệp, PGS.TS Thu Hương đã trải lòng về mối duyên với lĩnh vực HIV/AIDS. Báo VietNamNet xin trích đăng chia sẻ này:

Nỗi sợ về căn bệnh chưa có thuốc chữa

Vào buổi trưa hè hơn 30 năm trước tại hành lang Bệnh viện Bạch Mai, nhóm sinh viên y túm lại, rì rầm trao đổi, tò mò và ái ngại hướng về ô cửa kính nhỏ - nơi bên trong có một bệnh nhân AIDS.

Ở đó, một người đàn ông da bọc xương, ánh mắt mờ đục, thất thần. Cơ thể ông phủ đầy những vết lở loét, đôi tay yếu ớt cố bám vào thành giường như để níu lấy chút sự sống mong manh.

Bệnh nhân không có người nhà, không có ai bên cạnh, chỉ có tiếng thở dốc nặng nề và những ánh mắt e dè từ bên ngoài.

Bên ngoài, các sinh viên dù được học về bệnh nhưng trong họ vẫn có nỗi sợ về một căn bệnh không thuốc chữa, cái chết đến chậm và bị xã hội kỳ thị, ruồng bỏ.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), giáo viên hướng dẫn, gõ nhẹ lên ô cửa kính, giọng trầm xuống: "Các em, đây không chỉ là một bệnh nhân. Đây là một con người, cũng như bao người khác. Chúng ta đến đây để hiểu, để chữa trị - không phải để phán xét hay sợ hãi…".

Khi bước chân vào trường y, tôi cũng mơ ước làm bác sĩ ở các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Xanh Pôn, Phụ Sản, Nhi Trung ương… Nhưng khi đẩy cửa bước chân vào phòng điều trị người bệnh AIDS đầu tiên đó đã là bước đầu tiên trong hành trình dài hơn 3 thập kỷ gắn bó với công cuộc phòng chống HIV/AIDS.

Trong hành trình ấy, tôi chứng kiến vô vàn số phận đau thương bị HIV/AIDS cướp đi tất cả: Tương lai, nhân phẩm, gia đình. Những bệnh nhân bị xa lánh, ghẻ lạnh, tự chăm sóc lẫn nhau trong những căn phòng nhớp nhúa. Nhiều đứa trẻ khóc vì tủi thân và oan ức trước sự ghẻ lạnh, hắt hủi khi chúng sinh ra mang mầm bệnh HIV.

Dịch Covid-19 bùng nổ, chúng ta chứng kiến những hình ảnh đau lòng với bệnh nhân không có người thân bên cạnh. Nhưng ít ai biết rằng, đã có một thời, nhiều bệnh nhân AIDS cũng ra đi như vậy.

Covid-19 xảy ra chưa đầy 2 năm thế giới đã tìm ra vắc xin nhưng HIV/AIDS đã tồn tại 45 năm bất chấp mọi nguồn lực khổng lồ dồn vào nhưng chưa thể tìm được vắc xin.

Những bàn tay chìa ra trong hố đen đại dịch

Trong “hố đen” đó, luôn có những bàn tay chìa ra lau từng vết thương, thì thầm những lời động viên người bệnh trong tận cùng cô đơn, tuyệt vọng và chiến đấu với họ tới giây phút cuối. Đó là những bác sĩ, y tá, cán bộ y tế, tình nguyện viên…

Đặc biệt, những bệnh nhân đồng đẳng đứng dậy từ vực thẳm để trở thành ngọn đèn soi đường cho người khác. Họ đi đến từng xóm nghèo, từng mái hiên đầy bóng tối, mang theo nỗi đau từ bi kịch của đời mình để thắp lên niềm tin và hy vọng.

Có những năm tháng, chúng tôi phải vận động từng đồng tài trợ, phải đấu tranh giành lấy từng viên thuốc, từng cơ hội sống cho bệnh nhân. Hành trình phòng chống HIV/AIDS không chỉ là một cuộc chiến y tế, mà còn là một cuộc chiến xã hội. Chúng tôi đã đấu tranh với những thành kiến dai dẳng, ác cảm cực đoan, nỗi sợ hãi vô hình để đưa bệnh nhân HIV/AIDS từ bóng tối và kỳ thị, trở về với ánh sáng.

HIV/AIDS, từ chỗ là án tử treo lơ lửng trên đầu bệnh nhân dần kiểm soát và có thuốc điều trị. Người bệnh được sống, yêu thương, có gia đình, sinh con và hòa nhập xã hội.

Sau hơn 3 thập kỷ nỗ lực không ngừng cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức đa phương - song phương, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong phòng, chống HIV/AIDS. Số ca nhiễm mới giảm 60% so với năm 2005-2010, vượt xa mức giảm trung bình của khu vực và thế giới. Hơn 97% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, giúp ngăn chặn tiếp tục lây truyền. Mở rộng và đa dạng trong công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hiệu quả giúp Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Methadone giúp hàng chục nghìn người cai nghiện và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác.

Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm từ 30% xuống dưới 1,9%. Công tác phòng chống HIV/AIDS giúp ngăn chặn bệnh lây truyền cho 1,2 triệu người, giúp giảm tử vong cho 200.000 người.

Nhờ sự hỗ trợ to lớn của quốc tế, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia có mô hình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả nhất thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế chọn làm mô hình để các quốc gia khác học hỏi và áp dụng.

Điều tôi tự hào nhất, không hẳn là những thành quả của ngành mà là ngọn lửa trong mỗi con người trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS.

Khi rời cương vị này, tôi tin tưởng rằng, tinh thần ấy, ngọn lửa ấy vẫn sẽ được giữ gìn, tiếp nối và theo chúng tôi đi tới bất kỳ nơi đâu.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-chu-tich-dau-tien-cua-dai-hoc-y-trai-long-ve-30-nam-phong-chong-benh-the-ky-2387977.html
Zalo