NSƯT Vũ Thắng Lợi: 'Hát với dàn nhạc giao hưởng, lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé'
'Khi hát với dàn nhạc giao hưởng, lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé, thậm chí là nhỏ bé so với một số đồng nghiệp. Bởi đây là một sân chơi có tính hàn lâm cao và dành cho những người có trình độ học thuật vững vàng', NSƯT Vũ Thắng Lợi chia sẻ.
"Giao hưởng không phải là thế mạnh của tôi"
- Được mời tham gia Hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2024”, anh đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Năm nay tôi sẽ hát 2 bài đều về mảnh đất vô cùng gắn bó và nhiều kỷ niệm: Sẽ về Thủ đô và Tiến về Hà Nội. Tôi tham gia với tinh thần cống hiến hết mình, hát bằng cả trái tim, bằng toàn bộ cảm xúc với mong muốn đem đến cho khán giả những tiết mục chất lượng nhất.
- "Điều còn mãi 2024" sẽ có nhạc trưởng người nước ngoài, anh thấy sao về sự thay đổi này?
Thực ra tôi đã theo dõi Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời từ lâu, xem nhiều chương trình của nhạc trưởng Olivier Ochanine nhưng chưa làm việc cùng anh bao giờ. Tôi cũng tham gia biểu diễn với nhiều dàn nhạc giao hưởng và nhận thấy rằng dù nhạc trưởng là người nước nào cũng không quan trọng miễn là mình hát chuẩn. Hơn nữa, âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung, không biên giới nên chắc chắn không có sự khác biệt nào đáng kể.
- Hòa nhạc “Điều còn mãi” có điểm gì khác với các show diễn anh từng tham gia?
Chương trình Điều còn mãi tuân thủ ý tưởng, kịch bản của ê-kíp sản xuất và phải chỉn chu hơn rất nhiều. Bản thân nhạc giao hưởng cũng là dòng nhạc khó, không phải thế mạnh của tôi. Khi hát với dàn nhạc giao hưởng, lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé bởi đây là một sân chơi mang tính hàn lâm cao và dành cho những người có trình độ học thuật vững vàng.
- Vừa là nghệ sĩ hoạt động trong quân đội, vừa tham gia giảng dạy tại khoa Thanh nhạc, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, thiếu tá Vũ Thắng Lợi có quỹ thời gian rất eo hẹp nhưng lại theo học thạc sĩ. Anh muốn theo đuổi con đường học thuật mang tính chuyên môn hay vì một ý định nào khác?
Đối với các ngành khác, học vị thạc sĩ đã trở nên bình thường, kể cả Tiến sĩ có rất nhiều - trong nghệ thuật cũng vậy. Tôi học vì muốn được nâng cao trình độ và tự thấy được rất nhiều sự thay đổi sau mỗi khóa học. Lý do thứ hai hơi ngoài lề là ngày xưa khi đi học, anh em vẫn hay nói vui với nhau nếu chưa có bằng thạc sĩ thì chỉ là thợ chứ chưa là thầy được.
- Nhiều người nhận xét Vũ Thắng Lợi “chảnh”, anh phản biện gì?
Thực ra không phải là chảnh mà tính tôi không thích xô bồ, ồn ào. Tôi không phải là kiểu người gặp ai cũng hồ hởi, xởi lởi mà chỉ khi anh em chơi với nhau lâu năm mới hiểu rõ tính nết. Vẫn biết có nhiều ý kiến đánh giá như thế nhưng tôi không thay đổi được góc nhìn của tất cả mọi người.
- Anh có vẻ kỹ tính khi lựa chọn những sự kiện tham gia? Anh có hay từ chối các show diễn mà mình thấy không phù hợp?
Đúng là tôi từng hơn một lần từ chối một số chương trình vì cảm thấy không phù hợp với tiêu chí hoạt động nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, cũng có những sự kiện mà mức cát-sê không cao nhưng tôi vẫn đi vì cảm thấy ý nghĩa, có giá trị với cộng đồng. Tôi khá chú trọng đến cách thức tổ chức và trình độ chuyên môn của các chương trình biểu diễn mà mình góp mặt.
Đi đâu cũng mang theo chất "lính" trong mình
- Cơ duyên nào khiến anh trở thành một người lính?
Tôi vào quân đội đã được 20 năm rồi - đó là cả một chặng hành trình dài với nhiều thử thách và thời điểm ấy nếu không trở thành một người lính, tôi không biết mình sẽ đi tới bến bờ nào. Được sống trong môi trường quân đội là ước mơ thời trai trẻ và cũng rất phù hợp với hoàn cảnh gia đình khó khăn của tôi.
- Là một người nghệ sĩ mặc áo lính, anh có bao giờ cảm thấy bị gò bó trong hoạt động nghệ thuật?
Khi đi diễn các chương trình ở ngoài, tôi vẫn phải báo cáo lãnh đạo và thường được mọi người tạo điều kiện thuận lợi. Trên thực tế, chính màu áo lính mang lại cho tôi sự chỉn chu hơn chứ không hề phải kìm chế điều gì. Khi phát ngôn trên mạng xã hội hay nhận lời mời biểu diễn ở bất kỳ chương trình nào, tôi đều xác định ngay từ đầu liệu nó có ảnh hưởng đến mình hay đơn vị đang công tác hay không.
Đặc biệt, tôi luôn phải có ý thức xây dựng và giữ gìn hình ảnh cá nhân. Môi trường quân đội đã rèn cho tôi sự bản lĩnh, lối sống theo kỷ cương. Tôi tự hào là người lính của quân đội Việt Nam, đi đâu cũng mang theo chất lính trong mình. Đó có thể là độ "lì" trước mỗi biến cố hay tinh thần kỷ luật mà không phải ai cũng có được.
Tôi thấy rằng trong quá trình phát triển sự nghiệp, tất cả các nghệ sĩ đều thuận lợi như nhau nếu có niềm đam mê và sự quyết tâm. Bởi vì trong quân đội hay ở đâu thì mỗi người đều hướng đến mục đích tốt nhất cho bản thân. Mỗi cá nhân mạnh thì tập thể sẽ mạnh. Nếu một người không theo đơn vị nào, sự thành công là tốt cho cá nhân họ. Còn đơn vị quân đội hay nhà hát đều muốn cơ quan mình có một hoặc nhiều ngôi sao càng tốt, khi ấy tập thể sẽ mạnh lên rất nhiều. Do đó, tôi cho rằng bản thân người nghệ sĩ mới mang tính quyết định chứ không phải môi trường hoạt động.
- Trong nghề anh có thần tượng ai hay coi ai là động lực để phát triển?
Hồi mới vào nghề, tôi thần tượng hết tất cả những nghệ sĩ thành công. Ngày xưa tôi học thầy Gia Khánh nhưng bây giờ thầy mất rồi. Thầy cũng để lại nhiều dấu ấn trong tôi.
- Có người bảo Vũ Thắng Lợi chịu chi để làm liveshow và album là do lấy được vợ giàu? Anh nghĩ sao?
Hai vợ chồng đều đi lên từ hai bàn tay trắng và năm nay có nhiều việc không thuận lợi. Nhiều người thấy tôi ra các sản phẩm âm nhạc khá đều nên cho rằng tôi cưới vợ giàu nhưng không phải thế.
Mỗi người có một quan điểm làm nghề khác nhau. Nếu nói tôi không yêu tiền thì hơi quá, nhưng tất cả những gì làm ra được tôi đều dành cho âm nhạc. Tôi thấy không ít người nghệ sĩ đã qua thời huy hoàng và thứ họ để lại chỉ là chút tiếng tăm còn sản phẩm âm nhạc thực sự thì chẳng có mấy. Hoặc thời điểm đó họ có làm nhưng chất lượng về sau phải xem lại. Điều đó thật phí hoài!
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi đều đi theo một kiểu tư duy thống nhất. Ví dụ như khi mua đồ sẽ chọn mua những sản phẩm chất lượng tốt, chỉ cần mua một lần. Trong âm nhạc cũng vậy, đã làm thì làm thật đàng hoàng, cho xứng đáng với công sức bỏ ra. Tôi cũng là một người có cách nghe nhạc chuẩn chỉ, tập trung vào chiều sâu của tác phẩm nên rất muốn những sản phẩm nghệ thuật mình làm ra phải được khán giả đánh giá cao.
Đừng có trở thành "vũng nước tù đọng"
- Khi nhận danh hiệu NSƯT anh có thấy áp lực gì?
Thú thực là tôi chưa quen lắm. Có nhiều người đi đâu cũng phải yêu cầu giới thiệu danh hiệu NSƯT, tôi thì không. Ai biết thì người ta nói thôi. Nhận danh hiệu NSƯT, tôi cũng trăn trở phải làm thế nào để mang tới cho công chúng nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng, phục vụ đời sống tinh thần tốt hơn.
- Là người miệt mài lan tỏa dòng nhạc truyền thống, nhạc cách mạng, anh có bao giờ cảm thấy nản lòng hay nghĩ mình đang đi ngược lại dòng chảy của thời cuộc?
Theo tôi, cuộc đời của mỗi người đều là một dòng chảy riêng, có dòng chảy to, có dòng chảy nhỏ. Miễn sao mình vẫn chảy là được, đừng có như vũng nước tù đọng. Tôi hạnh phúc vì vẫn có lượng khán giả riêng của mình. Giữa thời đại showbiz được lan tỏa bằng công nghệ và nhiều công cụ hỗ trợ khác, tôi nhận thấy có không ít mặt trái. Cũng có thể do tôi không hợp với những thứ chạy theo “trend” hay số đông, bởi vì số đông đôi khi chưa chắc đã đúng.
- Vũ Thắng Lợi thời gian gần đây đắt show làm giám khảo các cuộc thi? Với dòng nhạc mà anh đang theo đuổi, các thí sinh trẻ có chất lượng như thế nào?
Tôi làm giám khảo cho một số cuộc thi như Giọng hát hay Hà Nội, Tiếng hát Hà Nội. Ngoài ra, tôi là ca sĩ chính thuộc Đoàn Văn công Quân khu 2, đơn vị quản lý 9 tỉnh Tây Bắc nên cũng hay được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ chấm thi ở các chương trình.
Tôi thấy các bạn hát rất tốt, tuy nhiên cũng có đôi chút thiệt thòi vì đây là dòng nhạc truyền thống. Nhiều thí sinh đạt giải cao sau cuộc thi nhưng nếu không có nhà đầu tư hay đơn vị tài trợ thì không thể phát huy tài năng. Cho đến hôm nay, nỗi trăn trở về bài toán phát triển thế hệ kế cận của tôi chưa có lời giải thỏa đáng.
May mắn thay, tôi vẫn có chút gì đấy tạo được cảm hứng cho các bạn trẻ. Nói thần tượng thì hơi quá nhưng tôi có thể là một mục tiêu để các bạn nhìn vào mà phấn đấu. Tôi vẫn luôn động viên học viên của mình rằng phải xác định không phải ai cũng có thể bước chân vào showbiz. Nhưng hãy luôn nỗ lực với lựa chọn và sống thỏa đam mê của mình.
NSƯT Vũ Thắng Lợi hát ca khúc "Hà Nội ngày trở về" trong "Điều còn mãi 2022":
Ảnh, clip: NVCC