NSƯT Võ Minh Lâm thành công khi làm mới vở 'Giai nhân và anh hùng'

So với những bản dựng trước đây, 'Giai nhân và anh hùng' của Võ Minh Lâm mạch lạc, chi tiết

Diễn viên Hòa Thuận vai Trần Cảnh và Tạ Lâm vai Lý Chiêu Hoàng trong vở "Giai nhân và anh hùng"

Diễn viên Hòa Thuận vai Trần Cảnh và Tạ Lâm vai Lý Chiêu Hoàng trong vở "Giai nhân và anh hùng"

Tối 13-4, vở diễn "Giai nhân và anh hùng" (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSƯT Võ Minh Lâm) do dàn dựng là một trong các vở của đạo diễn trẻ sân khấu mà khán giả TP HCM mong chờ. Dù chưa được Võ Minh Lâm chọn là vở tốt nghiệp đại học đạo diễn, anh chỉ xem tác phẩm này là vở đầu tay để tự rèn giũa mình nhưng suất diễn tối 13-4 đã nhận được lời khen ngợi của khán giả, giới chuyên môn.

Một cảnh trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Một cảnh trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Trước hết, phải ghi nhận sự hỗ trợ đắc lực của Công ty trách nhiệm hữu hạn tổ chức biểu diễn Song Việt- Sân khấu mới Đại Việt đã tạo mọi điều kiện để NSƯT Võ Minh Lâm thực hiện vở sử Việt này. Kế đó là nỗ lực của chính anh trong cách kể câu chuyện lịch sử về giai đoạn nhân vật Trần Thủ Độ sắp xếp sự chuyển giao quyền lực, để các nhân vật: Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Thuận Thiên có vai trò riêng trong kế hoạch của Thái sư.

Chỉnh lý kịch bản Joseph Hiếu Trung cũng đã tạo được sự thiện cảm khi bố cục câu chuyện dễ hiểu hơn, mạch lạc. Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu, vở kịch đã chiếm được thiện cảm của công chúng. Vở kịch được kể giàu cảm xúc trên nền cảnh trí do nhà thiết kế sân khấu Trần Hồng Vân thực hiện rất đẹp.

NS Cao Thúy Vy (phải) yểm trợ cho các bạn diễn viên trẻ trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

NS Cao Thúy Vy (phải) yểm trợ cho các bạn diễn viên trẻ trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Đây là kịch bản được tác giả Chu Thơm sáng tác năm 2008. Khi đó Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật hưởng ứng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông đã viết về nhân vật Lý Chiêu Hoàng, phản ánh giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, đó là thời điểm chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần.

NSƯT Võ Minh Lâm tâm sự rằng đã từng có không ít tác phẩm sân khấu nói về giai đoạn này. Nhân vật Lý Chiêu Hoàng cũng đã từng là nhân vật chính trong vở "Rừng trúc" của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Hai nhân vật Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ cũng đã được đề cập trong nhiều tác phẩm, nhưng anh đã tìm được sự đồng cảm và miệt mài lao động nghệ thuật để có một bảng dựng không "đụng hàng" với bất kỳ đạo diễn nào, đồng thời vẫn thuyết phục được khán giả.

Một cảnh trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Một cảnh trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Dù chỉ là những lát cắt về cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng nhưng khán giả đã xúc động khi câu chuyện vở diễn đưa họ đến với cuộc đời đầy bi kịch và nước mắt của nhân vật, từ năm 9 tuổi tới 60 tuổi. Diễn viên Tạ Lâm diễn vai Lý Chiêu Hoàng thật nhiều cảm xúc. Là một diễn viên trẻ nhưng cô có nội lực rất mạnh, thể hiện rõ nỗi niềm trong các mối quan hệ với mẹ, với chị, và với Trần Cảnh.

Những lớp diễn cô lên án Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho mình, khi mới tròn 9 tuổi. Rồi sau đó một năm, Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng, lên ngôi hoàng hậu. Bà chung sống với Trần Cảnh 10 năm, sinh được một người con nhưng không may chết yểu. Và để có người nối dõi, Trần Thủ Độ lại ép Trần Cảnh buộc phải lấy công chúa Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu anh trai Trần Cảnh. Bi kịch hơn chính Trần Cảnh sau 20 năm lại là người gả chồng cho vợ mình – buộc Lý Chiêu Hoàng tái giá với Lê Phụ Trần.

NSƯT Bảo Trí và Phúc Zelo vai hai nhà chép sử trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

NSƯT Bảo Trí và Phúc Zelo vai hai nhà chép sử trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Cùng một số phận đau khổ như vậy, cách dàn dựng của NSƯT Võ Minh Lâm đã xây dựng một chân dung Lý Chiêu Hoàng rất khác. "Nhân vật là một giai nhân, đã hy sinh cuộc đời mình để giang sơn xã tắc trong cuộc chuyển giao được bình yên không phải đổ máu. Tôi tìm được sự đồng cảm với tác giả Chu Thơm khi nhìn mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh như một huyền sử.

Trên hết, cả hai đã vun vén cho Đại Việt bằng cái tâm trong sáng, lấy trí tuệ siêu phàm và sự thức thời để tô điểm cho non sông. Công và tội của Trần Thủ Độ đã có nhiều nhà sử học phân tích, còn ở tác phẩm này, tôi nhấn mạnh cái cũ dẫu có mất đi, cái mới sẽ đến và sự quy luật tất yếu không thể cưỡng lại chính là người trong cuộc nhìn thấy, vững tay chèo để non sông lạc nghiệp âu ca.

Cuộc đời Lý Chiêu Hoàng đều do bàn tay sắp đặt của Trần Thủ Độ, bà như một con rối, nhưng bà vẫn coi ông là một anh hùng. Nhân vật hiểu rằng, Trần Thủ Độ đưa dòng họ lên trên đất nước nhưng suy cho cùng cũng là vì Đại Việt" – NSƯT Võ Minh Lâm nói.

Diễn viên Tạ Lâm (vai Lý Chiêu Hoàng) và Công Hậu (vai Lê Phụ Trần) trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Diễn viên Tạ Lâm (vai Lý Chiêu Hoàng) và Công Hậu (vai Lê Phụ Trần) trong vở "Giai nhân và anh hùng" của NSƯT Võ Minh Lâm

Vở diễn còn có hai nhân vật hư cấu đó là nhà chép sử già và trẻ. Họ bình luận về những điều mình nhìn thấy và ghi chép rất đời vào những trang sử như chính tiếng nói của nhân dân. Gần ba tháng đúc kết, dàn dựng, tất cả đều dồn hết tâm sức để NSƯT Võ Minh Lâm làm nên một sân khấu đơn giản nhưng giàu biểu cảm.

Lần đầu tiên cảnh trí được thể hiện rất sang trọng trong một vở kịch sử. Từ động lực này, NSƯT Võ Minh Lâm tự tin làm tiếp những vở diễn mới bằng kinh nghiệm của anh và đáp lại sự ngưỡng mộ mà công chúng đã dành cho anh.

Vở có sự tham gia của các diễn viên:

Tạ Lâm trong vai Lý Chiêu Hoàng

Hòa Thuận: Trần Cảnh

Huỳnh Lâm Khôi: Trần Thủ Độ

Cao Thúy Vy: Trần Thị Dung

Ngọc Phương Châm: Thuận Thiên

Phúc zelo: Quan Chép sử trẻ

Công Hậu: Lê Phụ Trần

Thanh Huy: Gian thần

Phạm Bảo Khang: Trần Cảnh lúc nhỏ

Huỳnh Chi Hân: Lý Chiêu Hoàng lúc nhỏ

Với sự góp mặt đặc biệt của NSUT Bảo Trí trong vai Quan chép sử già

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nsut-vo-minh-lam-thanh-cong-khi-lam-moi-vo-giai-nhan-va-anh-hung-196250414111631703.htm
Zalo