NSND Trà Giang: Nhớ vĩ tuyến 17 và những ngày đã xa...

LTS: Phi Nga và Trà Giang là hai trong số các diễn viên thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Khi Phi Nga xuất hiện rực rỡ trong bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam sau 1954 ('Chung một dòng sông', 1959), thì Trà Giang từ Trường Học sinh Miền Nam ở Hải Phòng lên Hà Nội học khóa I của Trường Điện ảnh Việt Nam (thành lập năm 1959) và ngay lập tức được phát hiện như một gương mặt điện ảnh trẻ nổi bật về tài, sắc.

Sau vai nữ chính trong phim Chị Tư Hậu (1963), Trà Giang còn là diễn viên chính của nhiều bộ phim truyện nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm (1972, Hải Ninh đạo diễn, giải thưởng của Hội đồng Hòa bình Thế giới và giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Moscow 1973). Cùng là người miền Nam tập kết ra Bắc, cùng sống chung dưới mái nhà điện ảnh, Trà Giang có mối quan hệ thân thiết với gia đình nữ diễn viên Phi Nga và đạo diễn, nhà thơ Phan Vũ - tác giả của bài thơ nổi tiếng Hà Nội - Phố. Cũng vì mối thâm tình đó, chúng tôi đã mời nhà báo Phan Việt Nga, con gái của cặp đôi nghệ sĩ Phi Nga - Phan Vũ thực hiện cuộc trò chuyện với NSND Trà Giang trong tuyến bài về Quảng Trị - mảnh đất lịch sử, bối cảnh câu chuyện phim Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm.

* * *

Nếu bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông về đề tài chia cắt Bắc - Nam chỉ dừng lại ở chuyện ngăn cách tình yêu trai gái thì Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm đã đi xa hơn khi nói về cuộc đấu lý khốc liệt giữa những người lính ở hai đầu cầu Hiền Lương. Trong các phim truyện chủ đề về cuộc đối đầu ở giới tuyến sau năm 1954, Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm được đánh giá là có chiều sâu nhất về nội dung và hoành tráng nhất về dàn dựng, diễn xuất.

“Những ngày quay Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm ở Vĩnh Linh, đoàn phim đã chứng kiến những trận pháo kích đầu tiên của tàu chiến Mỹ vào bờ Bắc, những trận ném bom và bắn rocket đầu tiên của không quân Mỹ vào Vĩnh Linh. Ngày đó nghệ sĩ đi làm phim cũng gian khó như người lính ở chiến trường. Song, chỉ cần một phim truyện ra đời được công chúng chào đón với tình yêu mãnh liệt thì mọi gian khó xem như đều được bù đắp” - NSND Trà Giang nhớ lại khi giờ đây tuổi bà đã bước qua ngưỡng 80 và từ rất lâu bà không còn đóng phim nữa.

Nhà báo Phan Việt Nga trò chuyện cùng NSND Trà Giang tại tư gia. Ảnh: Trung Dũng

Nhà báo Phan Việt Nga trò chuyện cùng NSND Trà Giang tại tư gia. Ảnh: Trung Dũng

Thưa NSND Trà Giang, khán giả đặc biệt ngưỡng mộ và yêu quý các nhân vật do cô thủ vai chính: chị Tư Hậu trong phim Chị Tư Hậu và Dịu trong Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm. Những hình ảnh thật đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh đã để lại ấn tượng sâu đậm và sự rung động mãnh liệt trong lòng khán giả qua diễn xuất của cô. Khi vào vai hai người phụ nữ này, cô thấy họ có gì khác biệt?

Khác nhiều chứ. Chị Tư Hậu là một người phụ nữ bình dị, một bà mụ trong làng, thương chồng, một lòng chung thủy để chồng tham gia cách mạng. Chị Tư Hậu là một vai gọn gàng đi vào lòng người bởi sự giản dị. Còn vai Dịu trong Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm gánh cả một trọng trách. Dịu là một đảng viên kiên trung hoạt động bí mật ở bờ Nam Hiền Lương, khi bí thư chi bộ hy sinh, Dịu trở thành người lãnh đạo lực lượng yêu nước của một làng, đứng ở đầu sóng ngọn gió, đối đầu trực diện với kẻ thù. Dịu mang một sứ mệnh, tầm vóc khác nhiều so với Tư Hậu.

Khi vào vai Dịu, cô chưa đầy 30 tuổi, ở miền Bắc từ năm 12 tuổi, chưa từng tham gia chiến đấu ở miền Nam. Vậy làm thế nào cô có thể vào vai một phụ nữ ở bờ Nam sông Bến Hải một cách tròn trịa, chân thật đến độ người xem có cảm giác Dịu không phải là một vai diễn mà chính là người thật, việc thật từ cuộc chiến đấu bước lên màn ảnh...

Bộ phim quay trong hai năm. Đạo diễn Hải Ninh và biên kịch Hoàng Tích Chỉ đạp xe từ Hà Nội vào Vinh đi thực tế để hình thành kịch bản, rồi quay trở lại đọc kịch bản cho dân nghe. Khi nhận vai, tôi và nghệ sĩ Đoàn Dũng cũng có một chuyến đi thực tế vào Quảng Trị - vùng chiến sự giáp ranh của hai chiến tuyến. Tôi được gặp o Thảo là một nữ du kích, hình mẫu cho nhân vật Dịu trong phim. O thật đẹp, mắt nâu, da trắng ngần.

Trong câu chuyện o kể cho tôi nghe năm ấy có hình ảnh o khóc vùi bên xác mẹ vừa bị Tây bắn chết, có nỗi đau của o khi anh trai hy sinh, có sự tàn khốc của cuộc chiến đấu với địch... Tôi đã rất xúc động khi nghe những câu chuyện của o Thảo. Nếu mình không gặp những con người thật như vậy làm sao có sự rung động trong từng cảnh quay, từng lời thoại, từng hành động hay ánh mắt của o Dịu trong phim.

NSND Trà Giang và NSND Hải Ninh khi quay phim Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm từ 53 năm trước. Ảnh tư liệu

Những năm đó miền Bắc đang chiến tranh, anh em lực lượng vũ trang đưa bọn tôi xuống địa đạo, gặp gỡ dân quân bờ Nam, bờ Bắc. Tôi còn được gặp Anh hùng lực lượng vũ trang Tạ Thị Kiều ở chiến trường ra, nghe chị kể nhiều về cuộc sống gian nan mà anh dũng của đồng bào miền Nam, nhờ đó mà tôi trưởng thành lên rất nhiều trong nhận thức. Trong phim có cảnh tôi bồng em bé bị trúng bom dẫn đầu đoàn biểu tình chặn trước xe bọc thép là cảnh vốn không có trong kịch bản trước khi quay.

Nhớ đến câu chuyện chị Tạ Thị Kiều kể một anh lính phía bên kia có con gái bị pháo kích chết, anh bồng con đi đấu tranh, tôi bàn với đạo diễn Hải Ninh xem có thể đưa nội dung này vào cảnh quay không. Anh Hải Ninh đồng ý. Và quả nhiên, cảnh phim ấy thực sự thuyết phục, giúp người xem hình dung được sự phức tạp của quá trình chuyển hóa nhận thức trong cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa để đi tới mục tiêu cuối cùng là hòa bình, thống nhất đất nước.

Khi phim chưa xong thì tôi có thai, vất vả lắm. Cảnh quay dài và đông diễn viên quần chúng, nhất là cảnh Dịu dẫn đầu đoàn biểu tình vượt qua cồn cát. Lúc đó tôi có thai bé Trà được 4 tháng. Về Hà Nội, khi phim đang được làm hòa âm cho những cảnh quay cuối cùng thì cũng là lúc máy bay B.52 của Mỹ tiến hành cuộc ném bom rải thảm ở Khâm Thiên. Tôi còn nhớ khi phải rời Hà Nội đi sơ tán, anh Ngọc (GS-TS. Nguyễn Bích Ngọc, chồng NSND Trà Giang - PVN) chở tôi bằng xe đạp, trước xe buộc hai túi đồ, tôi ngồi sau ôm hộp đàn violon của anh được bọc cẩn thận nhất trong các gói hành trang của chúng tôi. Vừa đi vừa phập phồng đợi tiếng loa báo động “Đồng bào chú ý, máy bay địch đang cách…”. Đó là những ngày tháng không thể nào quên.

Năm 1973 đi dự Liên hoan phim quốc tế Moscow, phim được giải Hòa bình và cô được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất, điều gì khiến cô nhớ nhất?

Buổi chiếu xúc động lắm. Ngay sau đó có một bà nhà báo Mỹ nắm chặt tay tôi và nói: “Tôi thay mặt nhân dân Mỹ xin lỗi nhân dân Việt Nam”. Bà cũng hỏi luôn: “Trên phim tôi thấy vai trò của phụ nữ rất lớn, vậy ngoài đời vai trò người phụ nữ như thế nào?”. Tôi nói ngoài đời rất nhiều phụ nữ gánh trọng trách trong xã hội, có mặt cả trong Quốc hội. Đang chiến tranh, trên thế giới các nước chỉ làm phim tài liệu, không ai làm phim truyện, vậy mà Việt Nam làm được cả phim truyện và đây cũng là phim truyện hai tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.

NSND Trà Giang (4.2025) và bức ảnh chụp bà thăm lại cầu Hiền Lương nhân kỷ niệm 40 năm phim Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm (2012). Ảnh: Nguyễn Á

Thời đó phim truyện ra được hai tập là một kỳ công, phim hoành tráng tựa như một phim sử thi thể hiện được sức mạnh của lòng dân và để lại ấn tượng thật sâu sắc. Sau ngày hòa bình thống nhất, cô và đoàn phim có về lại Quảng Trị gặp o Thảo không?

Có chứ. Chúng tôi mang phim về chiếu ở Quảng Trị, bà con rất vui và gọi tôi là công dân Quảng Trị. Khi tham gia Liên hoan phim ở Huế, tôi xin anh em một chuyến xe về Gio Hà, Gio Linh tìm o Thảo. Tôi cứ cầm tấm ảnh mà đi tìm, hỏi nhiều người đều không biết. Nhưng rồi cuối cùng cũng có người nhận ra, thật buồn là o đã hy sinh. O hy sinh năm 1971 khi phim vẫn chưa xong...

Chuyến trở về Quảng Trị năm 2012 ấy với tôi thật nhiều xúc động. Bốn mươi năm sau khi Vĩ tuyến 17 Ngày và Đêm ra đời, trở lại Quảng Trị, đến thăm Thành cổ nơi diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt suốt 81 ngày đêm năm 1972 giữa quân Giải phóng và lính Việt Nam Cộng hòa, thương vong mỗi bên tới khoảng bốn, năm ngàn người, tôi đã rơi nước mắt khi nghe đọc tại đây đoạn thơ thấu tận tim gan: Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm… Có đến đây mới biết trận Thành cổ Quảng Trị là khốc liệt nhất, tổn thất nhiều nhất trong các trận đánh của toàn bộ cuộc chiến tranh, mới thấy cái giá của hòa bình đắt đến nhường nào.

Cô là một diễn viên thành công trong vai diễn của mình, đó là những người phụ nữ, những bà mẹ trung kiên trong chiến tranh, nhân hậu trong cuộc đời. Hình ảnh của cô thật thẳm sâu trong các phim Một ngày đầu thu, Huyền thoại mẹ, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu... Từ phim cô bước ra cuộc đời cũng thật dịu dàng ấm áp. Chỉ cần nhìn vào quyết định của cô cho em Bích Trà - đứa con duy nhất đi học xa từ nhỏ là biết cô yêu con, nén lòng vì tương lai của con như thế nào...

Bích Trà đi du học năm 14 tuổi khi tôi mới làm xong phim Huyền thoại mẹ. Tôi chỉ có một đứa con mà cho đi học xa, nhớ lắm chứ. Bích Trà theo nghề nhạc của bố, có năng khiếu và đam mê, học giỏi, tốt nghiệp và trở thành một pianist ở Anh. Tôi chấp nhận cho con theo đuổi đam mê nghệ thuật dù cho hai mẹ con luôn phải sống xa nhau. Xa con, 26 năm qua tôi còn phải sống vắng anh Ngọc - người bạn đời và cũng là người tri âm tri kỷ mà tôi không thể tìm lại được nữa.

Trong nỗi nhớ chồng, nhớ con da diết và cả nỗi nhớ việc đóng phim mà từ lâu tôi đã rời xa, tôi tìm đến niềm vui cầm cọ. Hội họa đã kéo tôi trở lại sự thăng bằng trong cuộc sống. Hóa ra, diễn xuất trong phim và việc pha màu, căng toan, rửa cọ để vẽ đều có sức mê hoặc của sự sáng tạo.

Gia đình NSND Trà Giang. Ảnh tư liệu gia đình

Gia đình NSND Trà Giang. Ảnh tư liệu gia đình

Thấm thoát đã 20 năm tôi bất đắc dĩ trở thành một họa sĩ, có triển lãm và bán được tranh, tuy không nhiều. Thú thật là từ lâu tôi đã chấp nhận sự bất tiện khi tuổi đời ngày càng chồng chất, sức khỏe kém và những căn bệnh của tuổi tác. Nhưng tôi luôn muốn là một người cao tuổi có ích và yêu đời. Còn cầm cọ vẽ tranh được thì cầm. Còn đi gặp được bạn bè thì đi. Còn nhớ thương mãi người chồng tri âm tri kỷ thì cứ nhớ thương.

Con gái Bích Trà yêu quý của tôi giờ đây cũng làm việc ở nơi gần mẹ hơn, con thường nói: “Mẹ không phải lo gì nữa, con sẽ lo cho mẹ”. Tôi thương con, nghe lời nó sống an nhiên tự tại và thấy hài lòng. Thế là đủ. Dù vậy, trong cuộc sống an nhiên hôm nay, tôi vẫn luôn nhớ các vai diễn của mình trong cuộc đời diễn viên điện ảnh, trong đó có vai Dịu, nhớ những ngày tháng 1972 ấy, khi chiến tranh gầm lên những tiếng ghê rợn cuối cùng trước lúc hòa bình lặng lẽ tới...

Phan Việt Nga

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nsnd-tra-giang-nho-vi-tuyen-17-va-nhung-ngay-da-xa-47984.html
Zalo