NSND Thái Bảo vừa ôm nhạc sĩ Trần Tiến vừa khóc trên sóng VTV
Nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ, dù vừa là nhạc sĩ, vừa từng là ca sĩ du ca nhưng có 3 bài hát nếu có trả cát-sê hàng tỷ đồng, ông cũng không bao giờ cầm mic.
Trong Cuộc hẹn cuối tuần phát sóng tối 18/5, khán giả được chứng kiến cuộc hội ngộ giữa hai thế hệ nhạc sĩ tài năng và cá tính: nhạc sĩ "du ca" Trần Tiến và nhạc sĩ "hit maker" Đức Trí.

Nhạc sĩ Trần Tiến và Đức Trí tại cuộc hẹn cuối tuần.
Nhạc sĩ Trần Tiến và Đức Trí có mối lương duyên ít ai biết. Đó là năm 1987, nhạc sĩ Trần Tiến thành lập ban nhạc rock Đen Trắng và lưu diễn khắp cả nước. Sau khi ông rời nhóm, Đức Trí gia nhập ban nhạc này. Sau này, với bài hát Sắc màu, nhạc sĩ Trần Tiến cũng gửi cho Đức Trí làm intro. Cả hai nhạc sĩ đều thừa nhận sự khắt khe của mình trong âm nhạc, trước tiên giai điệu phải đẹp rồi mới đến ca từ.
Là nhạc sĩ trải qua mưa bom bão đạn, nhạc sĩ Trần Tiến thấy trân trọng những ngày được sống, yêu quý những điều xung quanh mình. Vì thế, ông viết ra các tác phẩm ca ngợi người lính, quê hương đất nước như Vết chân tròn trên cát, Quê nhà tôi ơi, Chị tôi, Mẹ tôi...



NSND Thái Bảo dành cái ôm thật chặt cho người nhạc sĩ đáng kính.
Tại chương trình, Trần Tiến bùi ngùi nhớ lại cảm hứng viết ca khúc Vết chân tròn trên cát. Nhạc sĩ sáng tác ca khúc khoảng năm 1981, sau vài năm tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Trong một chuyến thực tế về Tiền Hải (Thái Bình), khi lang thang ven biển, nhạc sĩ chợt thấy các vết nạng tròn trên cát, bên cạnh là những vệt dài của chiếc chân còn lại. Hỏi thăm mọi người, ông biết được đó là dấu chân của một người lính bị thương tật do chiến tranh, hàng ngày đều đến trường dạy nhạc cho trẻ em miễn phí. Ông đã đưa hình ảnh này vào câu hát: "Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương".
Ca khúc sau này gắn bó với tên tuổi của NSND Thái Bảo. Và bất ngờ tại Cuộc hẹn cuối tuần, NSND Thái Bảo đã ôm đàn guitar thể hiện lại ca khúc này.
NSND Thái Bảo vừa khóc vừa bày tỏ sự biết ơn nhạc sĩ Trần Tiến nhưng ông lại đáp: "Không! Anh phải biết ơn em và cảm ơn em mới đúng! Bởi em đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho ca khúc này đến tận bây giờ….". Không kìm nén được sự xúc động, cả hai đã dành cho nhau cái ôm thật chặt.

Nhắc về mẹ, nhạc sĩ Trần Tiến rất buồn vì ông "quá yêu mẹ".
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ, vì yêu mẹ, yêu chị, yêu tất cả những người phụ nữ đã chăm sóc ông nên thường có sáng tác về họ.
Ông kể, năm 1984 khi đang ở An Giang thì biết tin mẹ mất. Ông tìm đủ phương tiện để về với mẹ, nhìn bà lần cuối.
"Bài hát nào của tôi cũng có bóng dáng của mẹ. Bố mất năm 42 tuổi, nhà tôi 8 anh em, một mình mẹ chăm lo hết. Mẹ đi làm công nhân, rửa bát cho hàng phở kiếm thêm nuôi các con. Có 3 bài không bao giờ tôi hát, trả cát-sê hàng tỷ đồng cũng không hát là Chị tôi, Mẹ tôi và Quê nhà vì không hát nổi, vài câu là phải dừng".
Nhạc sĩ Đức Trí rất đồng cảm với Trần Tiến bởi anh ấn tượng rất mạnh với ca từ và giai điệu của bài Mẹ tôi.
"Tôi cũng mất bố mẹ từ sớm. Bố mất khi tôi đang học lớp 12 nên cảm giác cô đơn lắm. Một lần, khi chứng kiến ca sĩ Vũ Thắng Lợi tập bài này, cậu ấy hát được đúng 2 câu rồi khóc òa như một đứa trẻ trong khi dàn nhạc cứ chơi. Tôi ám ảnh mãi", nhạc sĩ Đức Trí kể.
Clip: VTV
Ảnh: Tư liệu