NSND Như Quỳnh và NSƯT Vũ Tự Lẫm hội ngộ sau hơn 5 thập kỷ
Trong số phát sóng đầu tiên của chương trình 'Cine7 - Ký ức phim Việt', NSND Như Quỳnh và NSƯT Vũ Tự Lẫm - 2 diễn viên chính của tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt 'Đến hẹn lại lên' đã có cuộc hội ngộ lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ.

Theo lý giải từ êkip sản xuất thì "Cine" (cinema) có nghĩa là phim, "7" mang hàm ý điện ảnh là nghệ thuật thứ 7 và chương trình cũng phát sóng vào tối thứ Bảy hàng tuần trên VTV3. "Cine7 - Ký ức phim Việt" với ý nghĩa này sẽ cùng khán giả tua ngược thời gian, trở về những năm tháng lịch sử không thể nào quên của đất nước, chìm đắm vào những câu chuyện đầy xúc cảm được thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh.
Bên cạnh việc trình chiếu những tác phẩm điện ảnh kinh điển, song hành với lịch sử Cách mạng Việt Nam, chương trình còn mang đến những câu chuyện ý nghĩa, từ khách mời là những nhà làm phim gạo cội, những diễn viên tên tuổi, đã ghi dấu ấn đậm nét, trở thành những "tượng đài" của điện ảnh Việt. Với sự dẫn dắt của MC Thái Trang, mỗi câu chuyện sẽ được chuyển tới khán giả một cách gần gũi để mọi thế hệ khi lắng nghe đều có thể hiểu và đồng cảm cùng khách mời. Không chỉ vậy, chương trình còn là nơi mà những bạn trẻ yêu thích điện ảnh - nghệ thuật thể hiện tình yêu của mình với các tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam.
Các phim điện ảnh lần lượt được phát sóng trong chương trình gồm: Đến hẹn lại lên, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mẹ vắng nhà, Ngày lễ thánh, Mùi cỏ cháy, Đừng đốt, Bao giờ cho đến tháng mười, Biệt động Sài Gòn….

Trong số đầu tiên được phát sóng, khán giả đã có dịp xem, nghe và hiểu hơn về bộ phim điện ảnh "Đến hẹn lại lên" của đạo diễn Trần Vũ. Những thước phim xoay quanh mối tình trắc trở của các nhân vật chính được đặt trên nền bối cảnh nước nhà trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khiến cho ý nghĩa của câu chuyện được mở rộng và đầy sức nặng.
"Đến hẹn lại lên" là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, được công chiếu vào năm 1974. Bộ phim được đạo diễn bởi NSND Trần Vũ với bối cảnh chính của phim là làng quan họ ở Bắc Ninh trước năm 1945. "Đến hẹn lại lên" khai thác đề tài lịch sử cách mạng thông qua mối tình dang dở, éo le của 2 nhân vật chính - liền chị Nết và liền anh Hai Chi. Vì cái nghèo và những chèn ép trong xã hội mà cả hai không thể đến được với nhau.
Tại LHP Việt Nam lần thứ 3 năm 1975, "Đến hẹn lại lên" đã giành được Bông Sen Vàng cho Phim truyện nhựa xuất sắc nhất. Diễn viên Như Quỳnh nhận Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Bộ phim còn giành thêm 2 giải Bông Sen Vàng khác cho Đạo diễn và Quay phim xuất sắc nhất. Một năm sau, "Đến hẹn lại lên" nhận giải thưởng chính tại LHP Quốc tế Karlovy năm 1976. Sau hơn 50 năm kể từ những thành công vang dội mà "Đến hẹn lại lên" nhận được, tại chương trình "Cine 7 - Ký ức phim Việt" , khán giả đã được gặp lại 2 diễn viên chính của phim là NSND Như Quỳnh (thể hiện vai Nết) và NSƯT Vũ Tự Lẫm (người thể hiện vai anh Hai Chi).

Chia sẻ tại chương trình, NSƯT Vũ Tự Lẫm tâm sự, ông rất hạnh phúc khi có cơ hội gặp lại NSND Như Quỳnh sau hơn 5 thập kỷ kể từ thời điểm cả hai hợp tác trong "Đến hẹn lại lên". Nam diễn viên cho biết, từ khi phim làm xong đến nay, cả hai chưa gặp lại nhau. Còn NSND Như Quỳnh xúc động bày tỏ, sau khi đóng xong bộ phim này thì, NSƯT Vũ Tự Lẫm làm quan họ ở Bắc Ninh, còn bà thì vẫn theo đuổi dòng phim điện ảnh và bây giờ tham gia thêm phim truyền hình.
"Lúc đầu nhìn hơi khó nhận ra đấy. Thời đấy anh Lẫm rất là nhẹ nhàng, rất là ít nói, không hóm hỉnh như bây giờ đâu. Chắc bây giờ vợ con đuề huề, gia đình viên mãn rồi đâm ra mới hóm hỉnh đấy.Đóng phim ấy chắc hơi giữ kẽ một chút phải không anh Lẫm." - NSND Như Quỳnh hài hước chia sẻ.
Đáp lại, NSƯT Vũ Tự Lâm kể, ngày đó quay phim quả thật tâm trạng của ông rất lo lắng vì không hiểu gì về diễn xuất mặc dù trước đó có được học cơ bản ở trưởng Tỉnh trong thời gian 6 tháng nhưng lại không nghĩ mình phải đảm nhận một trọng trách lớn hơn là đóng một nhân vật chính trong bộ phim này. Vai diễn liền anh Hai Chi cũng là vai diễn đánh dấu lần đầu tiên nghệ sĩ Tự Lẫm đến với điện ảnh. Ông nói khi ấy mình chỉ làm công việc trong một đoàn nghệ thuật biểu diễn và được giao phối hợp làm phim về quan họ.

Trong cuộc trò chuyện tại Cine 7, NSƯT Tự Lẫm cho biết "Đến hẹn lại lên" có giá trị quan trọng trong sự nghiệp của ông: "Bản thân tôi, nói thật với Như Quỳnh, tôi rất biết ơn bộ phim này và tôi được như hôm nay cũng nhờ bộ phim này". Nam nghệ sĩ kể, có người hỏi vui nhưng cũng là thật rằng: "Là diễn viên điện ảnh mà đóng mỗi một phim à?", ông bèn trả lời: "Ừ thì tôi có phải diễn viên điện ảnh đâu, tôi là diễn viên sân khấu. Bộ phim này đã mang được hồn cốt dân tộc dù lúc đầu nó mới chỉ đại diện cho một vùng. Nhưng văn hóa dân tộc khi được khơi dậy lên trong lòng công chúng thì người ta mới hiểu hết, thấy hết được giá trị của sự truyền cảm, giá trị của văn hóa đó".
Sau hơn nửa thế kỷ, "Đến hẹn lại lên" vẫn là tác phẩm kinh điển được người yêu điện ảnh yêu mến. Từ câu chuyện của một làng quê quan họ với những câu hát ngọt ngào trữ tình, say đắm lòng người... "Đến hẹn lại lên" đã đưa khán giả vào một không gian cổ kính của làng quê Kinh Bắc xưa.
Theo lý giải của NSND Tự Long - con trai của NSƯT Tự Lẫm thì có lý do để bộ phim này duy trì và giữ được sự yêu mến lâu đến như vậy trong lòng công chúng trong suốt những năm tháng dài như vậy. Đó là bởi đây là một bộ phim điện ảnh lại mang hơi thở của sân khấu, mang hơi thở của những nét độc đáo dân gian và mỗi lần xem cảm thấy rất xúc động, câu chuyện kể của phim giống như cách kể của người Việt xưa, có hơi thở của cuộc sống, cũng có những nét đặc biệt vì nó đưa quan họ vào đó. Và theo anh, có lẽ kịch bản và đạo diễn là những người rất yêu quan họ nên mới đưa quan họ vào phim.