NSND Nguyễn Hà Bắc: Phim hoạt hình là cuộc đời tôi

Thoạt gặp chẳng ai nghĩ cái ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, quê gốc Huế, tuổi Đinh Dậu (1957), dáng to cao, trên đầu luôn 'thường trực' chiếc mũ 'cao bồi miền Tây', một khi đã lên 'diễn đàn' thì 'sôi nổi' ấy lại là một đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng.

Nhớ cũng lần đầu mới gặp ông, tôi đã bảo: “Phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con”. Tức thì ông “sôi nổi” mà nói rằng: “Suy nghĩ đó là thiếu chuẩn xác, bởi phim hoạt hình là một hình thức sử dụng ảo ảnh quang học về sự chuyển động do nhiều hình ảnh tĩnh được chiếu tiếp diễn liên tục. Trong phim và trong kỹ nghệ dàn dựng, hoạt họa ám chỉ đến kỹ thuật trong đó từng khung hình của phim (frame) được chế tác riêng rẽ”.

NSND Nguyễn Hà Bắc.

NSND Nguyễn Hà Bắc.

Rồi họa sĩ, đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc giảng giải tiếp: “Phim hoạt hình là cô đọng, triết lý giống như thơ vậy, do đó phim hoạt hình rất sâu sắc”. Bấy giờ tôi mới vỡ ra vì trước nay cứ nghĩ phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ em. Đạo diễn Nguyễn Hà Bắc an ủi: “Đây cũng là cái lỗi của các nhà làm phim hoạt hình vì ở ta loại phim này bị hạn chế bởi “đơn đặt hàng”, các “đơn đặt hàng” đó chỉ đặt nhà làm phim hoạt hình làm phim cho thiếu nhi. Nói thật nhé: Đó cũng là nhận thức sai lệch về phim hoạt hình hiện nay”.

Tôi chợt nhớ lại, nhiều năm trước, chính tôi cũng chăm chú, xúc động thật sự khi xem bộ phim hoạt hình “Lion King” (Vua sư tử) do Hãng Walt Disney sản xuất năm 1994. Thực sự là một bộ phim có nội dung cốt truyện giàu tính triết lý và âm nhạc. Một bộ phim hoạt hình thu hút cả người lớn lẫn trẻ em bởi “Bộ phim đã xây dựng nên cả một xã hội có tổ chức của thế giới loài vật. Trong xã hội ấy cũng có những mâu thuẫn, tranh chấp và có cả tình yêu như thế giới loài người”.

Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc nghe tôi nhắc lại bộ phim ấy thì tâm sự: “Ở ta, hiện chỉ có Nhà nước mới đầu tư cho phim hoạt hình và số này cũng rất hạn hẹp. Nói chung là ta còn thiếu tầm suy nghĩ làm những phim hoạt hình có chất lượng nghệ thuật vừa đáp ứng nhu cầu khán giả (cả người lớn và trẻ em) vừa có thể tham dự Liên hoan Phim hoạt hình quốc tế”.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm lên 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Hà Bắc được vào học vẽ ở Trường năng khiếu Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Lớp vẽ này hồi đó chỉ có 2 học sinh là Vương Duy Biên và Nguyễn Hà Bắc, cả hai sau đều trở thành NSND.

Đến năm 1971, khi 14 tuổi, thì cậu Nguyễn Hà Bắc vào học trung cấp tại Trường Mỹ thuật Việt Nam (1971-1976). Sau 5 năm theo học, chàng trai trẻ mới 19 tuổi ra trường và “về thẳng” Xưởng Phim hoạt hình công tác. Nguyễn Hà Bắc “gắn bó” với phim hoạt hình cũng từ dạo đó. Ông tâm sự: “Tôi đến với phim hoạt hình bắt đầu từ duyên phận, ông ạ”.

Làm việc ở Xưởng Phim hoạt hình được 7 năm thì họa sĩ Nguyễn Hà Bắc được học tiếp lên đại học ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nhưng, mới học được 2 năm thì được chọn cử sang CHDC Đức để tham gia hợp tác làm phim hoạt hình “Tiếng sáo Trương Chi”. Bộ phim hoạt hình này được trình chiếu tại Liên hoan Phim Leipzig, CHDC Đức năm 1985.

Vẫn nói chuyện “sôi nổi” và vẫn thường trực “chiếc mũ cao bồi miền Tây” khi nói chuyện với mọi người, họa sĩ Nguyễn Hà Bắc cho biết: “Tôi có may mắn được học hỏi nhiều ở các chuyên gia Liên Xô sang giúp Xưởng làm phim hoạt hình và truyền dạy chuyên môn. Chính Nghệ sĩ công huân Liên Xô Raman Davưdov đã trực tiếp hướng dẫn tôi một năm về họa sĩ diễn xuất”.

Tôi vừa nghe đến thế đã thấy lạ, liền hỏi cho rõ: “Họa sĩ diễn xuất là như thế nào? Trước nay tôi chỉ nghe đến diễn viên diễn xuất thôi”. Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc giảng giải: “Đây là môn học khó nhất trong phim hoạt hình. Vì ở đó người họa sĩ không chỉ vẽ giỏi mà còn phải hiểu được về việc “diễn xuất” cho từng hình của phim. Họa sĩ có thể hiện được đầy đủ về diễn xuất thì hình ảnh cũng như nội dung của bộ phim hoạt hình ấy mới thành công. Nhất là thu hút được khán giả khi họ xem phim hoạt hình. Diễn xuất thể hiện của họa sĩ còn yếu thì nghệ thuật của bộ phim cũng bị hạn chế. Đây là công việc quan trọng nhất nếu không muốn nói là quyết định cho một bộ phim hoạt hình”.

Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc đã tham gia làm diễn xuất cho các đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng nước ta như: Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân; đạo diễn Hồ Quảng và đạo diễn Trương Qua. Ở lĩnh vực “diễn xuất” này, Nguyễn Hà Bắc đã được nhận 2 giải thưởng về diễn xuất cho các phim hoạt hình “Giai điệu” tại Liên hoan Phim toàn quốc năm 1987 và “Võ sĩ vô địch” tại Liên hoan Phim toàn quốc năm 1993.

Một cảnh trong phim hoạt hình 3D “Quyết định lịch sử”.

Một cảnh trong phim hoạt hình 3D “Quyết định lịch sử”.

Sau 13 năm làm họa sĩ diễn xuất thì Nguyễn Hà Bắc “nâng” lên làm đạo diễn phim hoạt hình, đồng thời cũng là họa sĩ tạo hình chính cho phim hoạt hình, lĩnh vực này được gọi là “Tác giả của phim”. Nhưng, trước tiên vẫn là phải học nghề cái đã. Năm 1993, họa sĩ Nguyễn Hà Bắc được cử sang Cộng hòa Pháp để học đạo diễn phim hoạt hình. Ông theo học tại Trường National de Bordeaux, đây là trường nghệ thuật dành cho các nước thuộc Khối Pháp ngữ. Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc theo học khóa 6 tháng. Ông cho hay: “Tuy thời gian học có ngắn nhưng bù lại tôi được các thầy và các chuyên gia quốc tế trực tiếp giảng dạy nên tiếp thu kiến thức về làm đạo diễn phim hoạt hình khá khá. Quan trọng là được học hỏi về làm phim hoạt hình hiện đại.

Về nước, hăm hở bắt tay vào làm phim hoạt hình, nhưng như ông có lần đã tâm sự là: “Hiện nay nói chung là xã hội ít quan tâm đến phim hoạt hình. Nhất là việc đầu tư kinh phí để sản xuất phim hoạt hình. Có lẽ thiếu sót vẫn là khâu nhận thức như tôi đã nói”.

Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc cho biết: “Tôi thường trực tiếp viết kịch bản cho những phim hoạt hình mà tôi đã làm”. Được biết, hầu hết các kịch bản do ông viết và làm đạo diễn thì phim hoạt hình đó đều nhận được giải thưởng qua các kỳ Liên hoan Phim toàn quốc như: “Sự tích con muỗi”, Giải Khuyến khích Liên hoan Phim toàn quốc năm 1990 tại Nha Trang, Khánh Hòa; “Quả bầu tiên” hay còn biết đến cái tên “Lọ nước thần”, giải của Ban Giám khảo Liên hoan Phim toàn quốc năm 1993 tại Huế; “Quạ và công”, giải Bông sen bạc, Liên hoan Phim toàn quốc năm 1999, tại Huế; “Sự tích cái nhà sàn”, giải Bông sen vàng và giải Họa sĩ xuất sắc Liên hoan Phim toàn quốc năm 2001; “Cuộc sống”, giải Bông sen bạc Liên hoan Phim toàn quốc năm 2004.

Cũng được biết thêm rằng, những bộ phim hoạt hình được giải thưởng tại các Liên hoan Phim toàn quốc còn đồng thời nhận được Giải Cánh diều vàng và Cánh diều bạc do Hội Điện ảnh Việt Nam trao cùng năm đó.

Từ những năm 1990, họa sĩ Nguyễn Hà Bắc đã “bén” với công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp với thời đại @, cụ thể là ông rất quan tâm và say sưa với công nghệ làm phim 3D. Tôi cũng đã hơn một lần được nghe ông thuyết giảng về công nghệ 3D trong làm phim, nhất là với phim hoạt hình. Lần nào thuyết giảng với các hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội đều thấy ông rất “sôi nổi” và nhiệt tâm. Dường như, công nghệ 3D với ông là cả “khoảng trời mới” rất hứa hẹn trong việc làm phim.

Chính họa sĩ Nguyễn Hà Bắc là người đầu tiên của Việt Nam vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn qua bộ phim 3D “Giấc mơ của ếch xanh”. Bộ phim này được nhận giải Bông sen bạc tại Liên hoan Phim toàn quốc năm 2007.

Được đà thắng lợi, họa sĩ Nguyễn Hà Bắc liền bắt tay vào làm bộ phim hoạt hình 3D về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lấy tên là “Quyết định lịch sử”. Bộ phim nói về thời khắc mà Đại tướng đã quyết định thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ. Bộ phim “Quyết định lịch sử” được trình chiếu vào ngày quốc tang vị Đại tướng huyền thoại của quân đội và dân tộc Việt Nam. Phim chiếu liên tục trong 3 ngày và còn được giới thiệu trên mạng. Bộ phim được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao về nghệ thuật và nội dung.

Trước lúc chia tay, họa sĩ, đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc đã mời chúng tôi xem bộ phim mới của ông về mẹ có tên là “Nhớ mẹ”. Một bộ phim với những tìm tòi và thử nghiệm mới. Tôi chúc mừng ông và hy vọng sớm được xem những bộ phim hoạt hình tiếp theo của ông, những bộ phim mà người lớn xem cũng say mê.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nsnd-nguyen-ha-bac-phim-hoat-hinh-la-cuoc-doi-toi-i755298/
Zalo