Nộp bổ sung 8,5 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thuế VIB đã đóng năm 2023 lên 3.102 tỷ đồng.
Phía Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã ck: VIB) cho biết, đã hoàn tất nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước 8,5 tỷ đồng tiền thuế cho các năm 2022 và năm 2023, nâng tổng tiền thuế đã nộp cho năm 2023 lên 3.102 tỷ đồng.
Theo văn bản của Cục thuế Doanh nghiệp lớn ngày 11/11/2024, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã hoàn tất nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước 8,5 tỷ đồng tiền thuế cho các năm 2022 và 2023. Việc hoàn tất nộp bổ sung nâng tổng tiền thuế đã nộp cho năm 2023 của VIB lên 3.102 tỷ đồng.
Được biết, VIB là một trong những doanh nghiệp có thành tích đóng góp thuế rất lớn cho ngân sách quốc gia, VIB nhiều năm liên tục nhận bằng khen về “Thành tích cao trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh”.
Trong năm 2024, VIB được vinh danh là 1 trong 4 ngân hàng tư nhân đóng góp ngân sách lớn nhất và đứng thứ 11 trong danh sách toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Kể từ khi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ năm 2017, chỉ trong 7 năm, tổng đóng góp vào ngân sách nhà nước của VIB đạt hơn 11.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình gần 40%/năm.
Về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính quý III/2024 của VIB cho thấy, doanh thu 9 tháng năm 2024 đạt 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, VIB đạt tổng doanh thu 15.300 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 9% so với cùng kỳ. NIM duy trì ở mức 4%.
Thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm của VIB đạt 3.500 tỷ, tăng 5% và đóng góp vào 23% tổng doanh thu của ngân hàng. Trong đó, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ; hoạt động ngoại hối hơn 450 tỷ đồng, tăng 49%. Thu nhập từ phí đạt 2.100 tỷ đồng với 2 sản phẩm chính là thẻ tín dụng và bảo hiểm.
Chi phí hoạt động của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ. Hệ số hiệu quả chi phí (CIR) của ngân hàng tăng lên mức 36%.
Trong 9 tháng năm 2024, VIB trích lập dự phòng khoảng 3.230 tỷ đồng, tăng 2%. Bên cạnh đó, dự phòng trong quý III đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ. Nợ nhóm 2 của VIB giảm hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương giảm 27%, và bộ đệm dự phòng tăng 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9/2024 của VIB là 2,67%.