Nóng trong tuần: Tổng kết thi tốt nghiệp THPT; định hướng giải pháp tiếp tục đổi mới GD-ĐT
Tổng kết thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024; chuyên gia bàn định hướng giải pháp đổi mới GD-ĐT là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024
Ngày 31/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và yêu cầu đề ra. Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực triển khai chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2025-2030 theo phương án đã được công bố với tinh thần từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng.
Cùng với công tác tổ chức thi, giai đoạn 2020-2024 công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT cũng đã có những đổi mới về nội dung, mô hình, góp phần vào thành công chung trong công tác tổ chức Kỳ thi.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2020-2024, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT có những giải pháp điều chỉnh, tăng cường chỉ đạo góp phần bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Kết thúc thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã rà soát, ban hành các kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra các khâu Kỳ thi theo quy định.
“Thực tế mô hình công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 đã được điều chỉnh tổ chức thực hiện sau mỗi năm một cách phù hợp, hiệu quả góp phần giúp Kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được xã hội ghi nhận”, ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ, đồng thời đề xuất các phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT từ Kỳ thi năm 2025.
Tại hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT, các đơn vị phối hợp tổ chức Kỳ thi như Bộ Công an, các cơ sở giáo dục đại học đã có các tham luận, trao đổi về kết quả, kinh nghiệm, bài học trong tổ chức, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024. Những thuận lợi, ưu điểm, khó khăn và hạn chế cũng đã được nhìn nhận, từ đó đề xuất các giải pháp chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo định hướng đổi mới từ năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Năm nay cả xã hội quan tâm hơn rất nhiều tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT vì là năm đầu thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị: Mọi năm đã chu đáo rồi năm nay phải chu đáo hơn, mọi năm đã chuẩn bị kỹ lưỡng rồi năm nay phải kỹ lưỡng hơn. Tất cả các công tác phải nâng cấp độ lên, từ chỉ đạo, chuyên môn đến kiểm tra, thanh tra trước, trong, sau Kỳ thi.
Đặt ra yêu cầu cụ thể cho từng đơn vị của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng cũng mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức Kỳ thi, các địa phương tiếp tục vào cuộc hiệu quả, trách nhiệm. Các Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức hoạt động chuyên môn ở các nhà trường bám sát yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời quan tâm lựa chọn cử giáo viên có trình độ, năng lực tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề không chỉ đề thi mà cả đề kiểm tra, đánh giá.
Nhân dịp này, 48 tập thể, 128 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024.
Định hướng giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Chiều 2/11, tại trụ sở Chính phủ diễn ra phiên họp của Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban chủ trì phiên họp.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; lãnh đạo các bộ, ngành và thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT.
Phiên họp nhằm cho ý kiến về “Định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XII ”.
Báo cáo về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới GD-ĐT theo Kết luận 91, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ GD&ĐT đã gửi xin ý kiến góp ý và tiếp thu ý kiến góp ý của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 55 tỉnh, thành phố.
Đến nay, dự thảo Chương trình hành động về cơ bản đã bảo đảm yêu cầu bám sát Kết luận số 91, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai để tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29, Kết luận 91 và cụ thể hóa phân công đến từng bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương. Trong đó, đã tập trung cụ thể hóa 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng đã báo cáo các nội dung cần xin ý kiến Ủy ban quốc gia về “Định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XII ”.
Thảo luận về các nội dung được xin ý kiến, các thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT cơ bản nhất trí với định hướng giải pháp thực hiện đổi mới GD-ĐT theo Kết luận số 91-KL/TW được nêu trong dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng. Các vấn đề được Bộ GD&ĐT xin ý kiến đã được các thành viên Ủy ban trao đổi, thảo luận.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, luôn đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu. Khi đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, làm động lực, nguồn lực, mục tiêu cho sự phát triển. Không gì quý bằng con người. Chúng ta không hy sinh công bằng xã hội, an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng.
Cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã có nội hàm, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 5 phương châm: Thời gian - Trí tuệ - Khát vọng - Tự lực - Hội nhập. Trong đó, thời gian là các chính sách ban hành liên quan tới giáo dục phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả. Trí tuệ là dựa vào giáo dục, dựa vào đổi mới sáng tạo.
Cùng với 5 phương châm, Thủ tướng đề cập tới 3 yếu tố quan trọng cần quan tâm để chỉ đạo cho sát.
Đó là phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của các địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo để phát huy không gian sáng tạo, với quan điểm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Đó là nâng cao chất lượng học và dạy; tạo cảm hứng, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực; giáo viên nâng cao chất lượng. Đối với học sinh, chất lượng học là phù hợp với lứa tuổi, tạo cảm hứng, động lực cho học sinh.
Và thứ ba là xây dựng cơ chế để đẩy mạnh xã hội học tập và học tập suốt đời.
Chỉ đạo cụ thể về 6 vấn đề Bộ GD&ĐT xin ý kiến thành viên Ủy ban tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định, thống nhất quản lý nhà nước về GD-ĐT là cần thiết và giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại xem thế nào là thuận lợi, vì lợi ích chung. Theo Thủ tướng, mỗi cách quản lý đều có mặt tích cực và chưa tích cực; tích cực thì làm và đã làm phải nhanh, kịp thời, khả thi và hiệu quả.
Đối với vấn đề quản lý đội ngũ giáo viên, Thủ tướng lưu ý, biên chế, trường lớp phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam; trong đó tinh thần là giảm điểm trường, tăng quy mô trường và chú ý liên cấp. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí và sửa đổi quy định sao cho phù hợp.
Về huy động nguồn lực cho GD-ĐT, từ thực tế nhiều địa phương có cách huy động nguồn lực tốt, Thủ tướng đề nghị cần tổng kết các mô hình huy động nguồn lực, nghiên cứu chính sách tổng thể huy động nguồn lực.
Đối với các thiết chế xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn. Học tập kiến thức không có giới hạn tuổi tác, giới tính, tôn giáo, tất cả mọi người được tiếp cận bình đẳng. Học càng nhiều kiến thức càng lớn, xây dựng đất nước càng phát triển.
Từ các ý kiến của thành viên Ủy ban tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị, Bộ GD&ĐT với vai trò chủ trì xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ tiếp thu tối đa hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ để ban hành Nghị quyết thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị ngay trong tháng 11.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và ý kiến trao đổi của các thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến trước ngày 20/11/2024.
Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Ngày 30/10/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.
Thông tư này thay thế Thông tư số 34/2021/TT-BGD&ĐT ngày 30/11/2021 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư có một số điểm quy định mới và điều chỉnh so với Thông tư số 34/2021/TT-BGD&ĐT. Cụ thể, Thông mới không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
Thông tư mới quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học.
Theo yêu cầu của Chính phủ, để bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, ngoài tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT quy định bổ sung một số tiêu chuẩn, điều kiện.
Về tiêu chuẩn xếp loại chất lượng trong thời gian công tác, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và tương đương, có 2 năm (đối với mầm non) và 3 năm (đối với phổ thông, dự bị đại học) công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và tương đương, có 5 năm trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thông tư mới quy định danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng trong tiêu chuẩn, điều kiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đăng ký dự xét hạng I là các danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng đạt được trong thời gian giữ hạng II. Quy định này để bảo đảm 1 danh hiệu thi đua và thành tích không được sử dụng đồng thời ở hai lần dự thăng hạng từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I; đồng thời, để bảo đảm giáo viên có sự nỗ lực, phấn đấu tiếp tục trong suốt thời gian giữ hạng.
Thông tư mới cũng quy định cụ thể việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương đương tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tính thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Chiều 29/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo. Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các Sở GD&ĐT.
Đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã có những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo; trong đó đặc biệt quan tâm đến một số nội dung chính sách lớn như tuyển dụng, sử dụng, điều động, thu hút nhà giáo; chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo…
Tại Hội nghị, quan điểm xây dựng Luật để phát triển lực lượng nhà giáo một lần nữa được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.