Nóng trong tuần: Sôi động Ngày Khuyến học Việt Nam; đề xuất phương án tuyển sinh lớp 10
Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Khuyến học Việt Nam, đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 10 là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Khuyến học Việt Nam
Ngày 2/10, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt nhân ngày khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2024), sơ kết 5 năm thực hiện kết luận 49-KL/TW và phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2025.
Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành trung ương và Hội Khuyến học địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Kể từ khi có Quyết định 1271/QĐ-TTg ngày 16/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam, đến nay Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trưởng thành và đang vững bước phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục nước nhà, tạo cơ hội cho người dân tham gia học tập, học tập suốt đời bằng nhiều chương trình khuyến khích, thúc đẩy sự học của toàn dân, nhất là trẻ em nghèo, cần có cơ hội được học tập, học tập suốt đời để phát triển bền vững.
Nhắc tới nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Chúng ta đang dần xây dựng hệ thống giáo dục mở, giáo dục ngoài nhà trường; do đó rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, góp sức của các hội, tổ chức, đơn vị, người dân.
Đề cập tới yêu cầu, nhu cầu ngày càng lớn của việc xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời nhằm xây dựng con người đáp ứng sự phát triển của tri thức mới, Bộ trưởng đồng thời cho biết về những việc Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục đã và đang triển khai nhiều việc để đáp ứng được yêu cầu này. Đó là việc củng cố, hoàn thiện các quy định, thể chế; trong đó dự kiến năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ bắt tay nghiên cứu, xây dựng Luật Học tập suốt đời…
Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, cũng như yêu cầu tăng cường hơn nữa sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Giáo dục và Hội Khuyến học, Bộ trưởng mong mỏi sự hô ứng giữa Hội Khuyến học với Bộ GD&ĐT đã tốt, cần tiếp tục đi vào chiều sâu hơn nữa, để làm sao khuyến khích học tập nhưng góp phần hạn chế bệnh thành tích. Khuyến học nhưng không khuyến bệnh thành tích, khuyến tài nhưng không thúc đẩy sự háo danh; chỉ số sự phát triển cộng đồng, gia đình học tập không chỉ dừng lại ở bao nhiêu bằng cấp.
Cùng với đó, Hội Khuyến học sẽ tiếp tục hô ứng với ngành Giáo dục trong kiên trì triết lý dạy kiến thức căn bản, dạy khả năng thích ứng, tự tích lũy… cho người học. Cùng với việc đề cao tự học, trân trọng con người tự học, tự thành tài, cần “khuyến” giúp nhau học, chia sẻ để không ai cô độc trên con đường học.
Cũng theo Bộ trưởng, cộng đồng học tập cùng giúp nhau cập nhật kiến thức đã là vô cùng quý; nhưng cần hơn nữa là học tập để làm người; đơn giản nhất là sống một cách lương thiện, biết chia sẻ.
Ngành Giáo dục cũng nhìn thấy trước những thách thức rất lớn đối với con người, nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo, khi đất nước ngày càng đi sâu vào kinh tế thị trường. Để thăng bằng, củng cố lại trước những thách thức lớn đối với giáo dục, vẫn phải quay về câu chuyện giản dị, tưởng như rất đơn sơ là giáo dục giá trị người. Đó là câu chuyện của cả gia đình, dòng tộc, cộng đồng, xã hội…; nhà trường không thể đơn độc làm nổi chuyện này.
Một vấn đề khác, Bộ trưởng mong muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Khuyến học đó là công tác “phụ huynh vận”. Nếu phụ huynh không thấu hiểu, đồng hành thì rất khó thực hiện đổi mới giáo dục.
Trong tuần, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp đề xuất khung Luật Học tập suốt đời. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời chủ trì phiên họp.
Phiên họp tập trung thống nhất một số nội dung quan trọng. Trong đó nêu bật được tính cấp thiết của việc xây dựng Luật học tập suốt đời. Tính cấp thiết phải được xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng xã hội học tập, luật học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, phiên họp cần đề cập được những chính sách trọng yếu trong Luật học tập suốt đời để thúc đẩy học tập suốt đời. Từ đó, thấy được trách nhiệm của nhà nước, của các các tổ chức, của từng công dân.
Xin ý kiến về đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 10
Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; trong đó có phương thức tuyển sinh THPT và tổ chức thi tuyển.
Cụ thể, 2 phương thức tuyển sinh THPT được đưa ra xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển.
Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bắt thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.
Thành phần tổ chức bắt thăm gồm: Lãnh đạo sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở GD&ĐT, thanh tra sở GD&ĐT và thành phần có liên quan khác do sở GD&ĐT mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bắt thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.
Thời lượng dành cho các môn thi: Môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút. Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9. Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Đưa ý kiến góp ý, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đồng tình với việc Bộ GD&ĐT quy định cụ thể chỉ thi 3 môn với phương thức tuyển sinh vào THPT bằng thi tuyển. Điều này giúp kỳ thi nhẹ nhàng, không gây áp lực và đỡ tốn kém. Cách thức lựa chọn môn thi thứ 3 bằng bắt thăm cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Chia sẻ về nội dung này, thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết: Trước đây, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, tỉnh Thái Bình cũng áp dụng hình thức bắt thăm môn thi thứ 3 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Một số năm gần đây chú trọng tiếng Anh nên môn học này được chọn làm môn thứ 3. “Thực hiện bắt thăm môn thi thứ 3 bảo đảm được yếu tố khách quan, tránh học lệch, học tủ, chỉ tập trung vào một môn thi nào đó mà coi nhẹ các môn khác”, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Nhiều nhà giáo cũng đồng tình với quan điểm này và cho biết thêm: Theo Chương trình GDPT 2018, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, lên THPT mới là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Lựa chọn môn thi thứ 3 trong tuyển sinh vào lớp 10 một cách khách quan, không có tính định hướng, học sinh sẽ phải học nghiêm túc các môn. Sử dụng hình thức bắt thăm thể hiện tinh thần không thiên vị môn học nào. Đây cũng là một trong những giải pháp để học sinh THCS không học lệch, chỉ tập trung vào môn thi vào lớp 10.
Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo và phấn đấu trở thành công dân tốt, cán bộ tốt
Chiều 30/9, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan, Bộ ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực hưởng ứng phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể và mọi người dân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn để không ngừng phấn đấu trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới của đất nước.
Thông qua hội thảo hôm nay, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công dân tốt, cán bộ tốt để vận dụng vào việc không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, hội viên khuyến học và việc giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức công dân cho học sinh, sinh viên, phấn đấu trở thành “công dân học tập“, góp phần hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, “vừa hồng, vừa chuyên“ cho đất nước.
Trao đổi tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Để phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, trong Chương trình GDPT mới đang triển khai, Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh “đến con người tốt”, trên nền tảng con người thật tốt - đó là con người lương thiện, sống trách nhiệm, hạnh phúc mới có có công dân tốt, nhân lực tốt.
Chương trình GDPT 2018 hướng đến hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo… Những năng lực, phẩm chất này kế thừa tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển con người, đồng thời đáp ứng yêu cầu thời đại về năng lực, phẩm chất, kỹ năng.
Bên cạnh triển khai Chương trình GDPT 2018 là công việc mang tầm vĩ mô, Bộ trưởng cũng chia sẻ những “việc nhỏ” mà ngành Giáo dục đang thực hiện để hình thành “con người tốt”.
Đó là từ nhiều chục năm qua ngành Giáo dục đã giáo dục học sinh học tập và thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy và gần đây việc này được nhắc lại. Trong hướng dẫn sinh hoạt chính trị, sinh hoạt dưới cờ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương, nhà trường tổ chức thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy - đây chính là sự kế thừa giản dị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là việc yêu cầu các em học sinh chào cờ hát quốc ca. Đối với trẻ em, khi hát quốc ca là khi tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước trở nên sống động. “Như vậy, yêu cầu học sinh phải làm từ chuyện nhỏ đến cái lớn, từ việc làm cụ thể để đi đến mục tiêu chung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.