Nóng trong tuần: Nhiệm vụ trọng tâm năm học; dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT
Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025; dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025
Tuần qua, nhiều văn bản, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học mới được Bộ GD&ĐT ban hành. Trong đó, đáng chú ý nhất là Quyết định số 2236/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục.
Theo Kế hoạch này, cùng với việc xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, ngành Giáo dục đồng thời xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Ban hành kèm Kế hoạch này, Bộ GD&ĐT đưa ra một số chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo chung của cả nước phấn đấu đạt được trong năm học 2024-2025
Cùng Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục, trong tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Trong đó có: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024-2025; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.
Trong tuần, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học; hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” trong các cơ sở đào tạo năm học 2024-2025; công văn về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên năm học 2024-2025; công văn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học.
Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ ngày 29/8/2024 đến 29/10/2024. Quy chế khi được ban hành sẽ áp dụng từ Kỳ thi năm 2025.
Dự thảo đưa quy định chung; tổ chức thi và quản lý kỳ thi; đăng ký dự thi và chuẩn bị tổ chức thi; công tác in sao đề thi; coi thi; chấm thi; xét công nhận tốt nghiệp THPT; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.
Theo dự thảo, có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Theo đó, điểm mới thứ nhất là rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi thi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi.
Thứ hai là thay đổi liên quan đến môn thi, đề thi như đã công bố trong Phương án thi TN THPT từ năm 2025, cụ thể:
Bổ sung thêm môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp). Đây là những môn lần đầu tiên được tổ chức thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 1 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm).
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi, nổi bật như:
Tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (giai đoạn trước đây, thí sinh tự do phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp), xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm Kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số.
Truyền tải đề thi (số hóa) có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Thứ tư là tổ chức điểm thi, phòng thi. Theo đó, sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi. Cụ thể, cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh. Thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt Kỳ thi. Ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn.
Thứ năm là điểm mới về xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cụ thể, tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của Kỳ thi như đã công bố.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay.
Thứ sáu, bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình như đã công bố trong Phương án thi. Thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.
Hà Nội công bố đề minh họa thi vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018
Ngày 29/8, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018, gồm: Toán; Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tin học, Giáo dục công dân.
Cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội theo chương trình GDPT 2018.
Với môn Toán, đề có cấu trúc khá tương đồng so với đề thi các năm trước đó theo Chương trình GDPT 2006. Đề vẫn gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, thời gian làm bài thi là 120 phút. Nội dung có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến các ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực.
Môn Ngữ văn, đề gồm các câu hỏi theo hình thức tự luận bám sát các mục tiêu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn lớp 9; tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, cụ thể là năng lực đọc và viết.
Phần đọc (4 điểm) gồm các câu hỏi xoay quanh 1 văn bản thuộc một trong ba loại: Văn bản văn học, Văn bản thông tin, Văn bản nghị luận mà học sinh đã được làm quen từ lớp 6. Đáng chú ý, trong nhóm các văn bản văn học không có thể loại kịch (được học ở lớp 9) nhưng bổ sung thể Kí (học ở các lớp dưới).
Phần viết (6 điểm), yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học (200 chữ) và bài văn nghị luận xã hội (400 chữ). Như vậy không có dạng bài tự sự, thuyết minh và biểu cảm (được học ở lớp 9).
Môn Tiếng Anh, đề gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và trắc nghiệm dạng ghép nối trong thời gian làm bài 60 phút. Trong đó có 18 câu hỏi đơn và 5 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh/tình huống đi kèm các câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp, diễn đạt trong văn bản viết, đọc hiểu văn bản.
Đề có điểm đặc biệt so với đề thi các năm trước như sau: vẫn kiểm tra các năng lực như ngữ âm; từ vựng; ngữ pháp; giao tiếp; viết và đọc hiểu nhưng không quá nặng nề về lý thuyết; mang tính thực tiễn cao và dưới hình thức của các dạng bài mới, tăng tính tư duy của thí sinh.
Đề thi bổ sung thêm kiểu câu hỏi ghép nối hoàn thành đoạn văn; nhận diện biển báo/thông báo; điền từ vào bảng thông báo; sắp xếp thành đoạn văn hoàn chỉnh.
Một số dạng bài quen thuộc của các năm trước như tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa; tìm lỗi sai không còn xuất hiện.
Môn Khoa học tự nhiên, đề gồm 22 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 40 ý hỏi, thời gian làm bài là 60 phút. Cụ thể, phần I gồm 16 câu hỏi dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án, chọn 1 đáp án đúng. Phần II gồm 3 câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm Đúng/Sai. Phần III gồm 3 câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Nội dung kiến thức trong đề thi gồm: nhận thức khoa học tự nhiên chung; năng lượng và sự biến đổi năng lượng; chất và sự biến đổi của chất; vật sống.
Đề thi minh họa môn Lịch sử - Địa lí có 40 lệnh hỏi ứng với 34 câu hỏi và chia làm 2 phần tương ứng với hai dạng câu hỏi: trắc nghiệm nhiều lựa chọn và trắc nghiệm đúng/sai. Nội dung kiến thức trong đề thi gồm ba mạch kiến thức thể hiện rất rõ ràng. Phần chủ đề chung của Lịch sử và Địa lí gồm 4 câu hỏi được sắp xếp ở phần đầu tiên; phần Lịch sử và phần Địa lí, mỗi phần 15 câu.
Đề Giáo dục công dân gồm 3 kiểu câu hỏi. Trong đó, câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn đã quen thuộc với học sinh. Kiểu câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn dựa vào một đoạn thông tin cho sẵn, yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu và phân tích tốt, đồng thời kết hợp với kiến thức đã học để lựa chọn đáp án đúng. Kiểu câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, học sinh căn cứ vào đoạn tư liệu cho sẵn, kết hợp với kiến thức đã học để lựa chọn phương án
Nội dung kiến thức trong đề thi gồm bốn phần ứng với các chủ đề: Giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục kinh tế và giáo dục pháp luật.