Nông thôn mới, diện mạo mới, sức sống mới

Những con đường sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang, cánh đồng lúa trĩu hạt, những nụ cười rạng rỡ... cho thấy diện mạo, sức sống, sự phát triển, đổi thay ở khắp các địa phương trong tỉnh. Bằng việc huy động tốt mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã và đang phát huy lợi thế, khai thác tốt những tiềm năng, tạo đột phá trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Một góc xã nông thôn mới kiểu mẫu Sơn Vi, huyện Lâm Thao.

Một góc xã nông thôn mới kiểu mẫu Sơn Vi, huyện Lâm Thao.

Đồng thuận vì mục tiêu chung

Xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới năm 2012, với 5/19 tiêu chí, sau 10 năm, dưới sự chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân địa phương và sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm, tổng nguồn vốn huy động toàn xã đạt trên 22,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia đạt trên 3,6 tỷ đồng; vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác đạt trên 14,8 tỷ đồng, nguồn vốn huy động trong Nhân dân và các nguồn vốn khác đạt trên 4 tỷ đồng. Từ phong trào, diện mạo nông thôn ở Thọ Văn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện Tam Nông triển khai từ năm 2011, thông qua Phong trào thi đua “Tam Nông quyết tâm, chung sức xây dựng huyện nông thôn mới” cùng các nghị quyết, chương trình, đề án được xây dựng, phát động đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân, huyện Tam Nông đã huy động cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia đóng góp nguồn lực, xây dựng nông thôn mới. Hơn 12 năm qua, toàn huyện đã huy động gần 2.200 tỷ đồng vốn đầu tư cho chương trình nông thôn mới, đến nay, toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã nông thôn mới nâng cao; thị trấn Hưng Hóa đạt chuẩn đô thị văn minh; 19 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Tam Nông được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023.

Tương tự, huyện Thanh Ba xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục, lâu dài. Triển khai thực hiện với Phong trào thi đua “Thanh Ba chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới”, đến năm 2023, huyện Thanh Ba có 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã nông thôn mới nâng cao; thị trấn Thanh Ba đạt chuẩn đô thị văn minh; 22 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Từ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, phát triển đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Thanh Ba dần trở thành huyện có công nghiệp, dịch vụ phát triển hài hòa, bền vững, cùng diện mạo nông thôn được đổi mới theo hướng hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp.

Với niềm vui là công dân của huyện Nông thôn mới Thanh Ba, chị Vi Thị Hà Phương - xã Đông Thành phấn khởi cho biết: Được hưởng thụ những thành quả nông thôn mới hôm nay, chúng tôi rất phấn khởi, đặc biệt trong việc người dân được làm chủ thể, được nắm bắt, được tham gia các công việc, nhiệm vụ của địa phương. Dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi người dân tham gia đóng góp tiền, hiến đất, người bỏ công lao động... để cùng nhau hưởng thành quả xứng đáng. Nhiều người cao tuổi trong xóm, trong xã đều nói vui rằng giá như chương trình có sớm hơn, để người dân được hưởng thụ nhiều hơn, lâu dài hơn.

Người dân xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao tự nguyện dịch rào, tháo dỡ công trình để hiến đất mở rộng đường.

Người dân xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao tự nguyện dịch rào, tháo dỡ công trình để hiến đất mở rộng đường.

Không nghỉ, không ngừng, không có điểm dừng

Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã huy động trên 4.820 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cùng với các nguồn vốn của Trung ương về đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp thì nguồn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép và huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chiếm con số không nhỏ. Có thể thấy, bằng nhiều cách làm sáng tạo, riêng có, mang đặc trưng riêng của từng địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ cũng như của vùng Trung du miền núi phía Bắc, là huyện thứ 13 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Không dừng lại ở đó, huyện tiếp tục xây dựng “miền quê đáng sống” với 5/10 xã được công nhận đạt chuẩn thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 48,9% số khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới tại các khu dân cư, các xã trên địa bàn huyện tiếp tục được triển khai, nhân rộng, tạo không khí thi đua sôi nổi, tinh thần phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân.

Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân Bản Nguyên, đặc biệt trong công tác hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng nông thôn mới là yếu tố quan trọng để toàn xã tiếp tục “tăng tốc”. Được biết, toàn xã có trên 200 hộ dân chủ động hiến đất thổ cư, phá dỡ công trình nhà ở, tường rào để mở rộng đường giao thông, với tổng diện tích trên 2.500m2, ước tính trị giá trên 10 tỷ đồng. Đất đai vốn là tài sản giá trị lớn, việc hiến đất, cắt đi một phần đất đai cha ông để lại, một phần tài sản của gia đình là điều trăn trở của không ít người. Thế nhưng, ý thức được hiến đất phục vụ xây dựng nông thôn mới là xây dựng cho cộng đồng và cho chính bản thân, gia đình nên nhiều người dân đã sẵn sàng gạt bỏ tâm tư cá nhân để vì mục tiêu chung.

Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 137/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân chỉ tiêu toàn tỉnh đạt 17,2 tiêu chí/xã. Đồng thời có 1.655 khu dân cư nông thôn mới; 140 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu...

Đồng chí Nguyễn Nam Cường- Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, góp phần từng bước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các địa phương cần tiếp tục đặt ra những mục tiêu tổng quát, cụ thể, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để tận dụng các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng suất lao động, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt được, xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, toàn diện và bền vững...

Hành trình xây dựng nông thôn mới “không nghỉ, không ngừng, không có điểm dừng” đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, tạo nên “vóc dáng” mới, sức sống mới, mang đậm những hồn cốt, đặc trưng của mỗi vùng miền trên quê hương Phú Thọ.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nong-thon-moi-dien-mao-moi-suc-song-moi-221329.htm
Zalo