Nông thôn mới – diện mạo mới ở Yên Bái
Với 80% số xã về đích nông thôn mới; 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Yên Bái đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tây Bắc.
Về Yên Bái những ngày cuối năm này, có thể thấy diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, từ những con đường bê tông “vượt chuẩn”; những xóm thôn, làng bản nhà cửa khang trang san sát; những vùng chuyên canh cây trồng xanh tốt ngút ngàn sau lũ dữ… Đó thực sự là những miền quê đáng sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Một trong những thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái thời gian qua là người dân đã chủ động tiếp cận, đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật vào canh tác, đồng thời áp dụng các quy trình sản xuất an toàn để thực hiện mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững; qua đó, từng bước nâng cao thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hà, ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết, mỗi năm gia đình chị cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn con cá giống, đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
"Làm cá giống vốn bỏ ra không quá nhiều như cá thịt, mình làm cá giống có thể bán từ lúc 2 tháng, 5 tháng, 7 tháng hoặc 1 - 2 tuần nếu khách thích mình giao luôn để lấy vốn" - chị Hà chia sẻ.
Ông Trần Bá Đức, ở thôn 8, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ cũng phấn khởi chia sẻ, để có thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm, gia đình ông trồng đa dạng các loại cây như: thanh long, nhãn, vú sữa, bưởi, mận theo từng khu vực để thuận tiện trong quá trình chăm sóc và thu hoạch.
Theo ông Đức: "Lợi thế ở đây là đồng đất chúng tôi đang ở rất là ít mưa nên hoa quả rất ngon. Nước tưới thì dẫn nước ở khe suối xuống, có những thuận lợi nhất định như thế".
Ngay tại những huyện vùng cao như Trạm Tấu và Mù Cang Chải, bài toán nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới cũng đã có lời giải khi người dân đã thay đổi tập quán canh tác lâu năm.
Ông Lý A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân trên địa bàn đã đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, gấp gần 3 lần so với đầu nhiệm kỳ.
"Từ năm 2019 trở lại đây thì xã chuyển đổi 105 ha sang trồng hoa hồng và hoa màu khác như: cà chua, khoai tây, ớt, nấm... Thực tế cho thấy nếu trồng lúa một vụ một năm thì lượng thu nhập chưa đảm bảo, khi mà chuyển đổi cây trồng thì cả doanh nghiệp và người dân đều được" - ông Sử cho biết.
Yếu tố làm thay đổi nhiều nhất, mang tới bộ mặt tươi sáng nhất trong các vùng nông thôn mới ở Yên Bái là những con đường bê tông phẳng lì, rộng khắp, trải dài các thôn xóm. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 445km đường giao thông nông thôn, đạt hơn 111% kế hoạch. Đặc biệt, nhiều nơi bà con nhân dân đã tự nguyện hiến đất, hiến tài sản và góp công, góp của mở rộng đường bê tông “vượt chuẩn”, từ 3m lên 6-7m, đảm bảo việc đi lại và giao thương hàng hóa.
Bà Hoàng Thị Chinh, ở xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi cho biết, những con đường có sự chung tay của những cán bộ, đảng viên về góp sức cùng bà con.
"Mọi người rất là hào hứng, ngay cả đường vào nhà mình cũng được các cán bộ đến làm cùng, giúp đỡ. Giữa bà con nhân dân và những người cán bộ được xích lại gần nhau hơn" - bà Chinh cho biết
Để giữ những con đường sạch đẹp, người dân Yên Bái đã tổ chức quản lí, sửa chữa thường xuyên và trồng hoa trên các tuyến đường. Đặc biệt, ở nhiều xã, bà con đồng lòng thực hiện phân loại rác thải quy củ, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường. Nếu như trước đây, việc xử lí rác thải sinh hoạt nông thôn là tiêu chí khó thực hiện do tập quán và thói quen của người dân miền núi, thì nay đã được giải quyết khá tốt.
Bà Phạm Thị Phương, thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình cho biết, nếu như trước đây các loại chai lọ, rác thải được đổ ra vườn thì nay bà đã chia thành 3 thùng để phân loại và được các tổ thu gom rác chở đi xử lý tại lò đốt rác. Cũng nhờ phân loại rác này mà gia đình bà có thêm nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng, nhờ phương pháp tự ủ phân bón vi sinh từ rác thải hữu cơ.
"Thu gom rác thải xong tôi phân loại, đem ủ để tưới cho rau, cây cảnh. Tôi thấy rất tiện ích, thứ nhất là nó không có mùi, thứ hai là không mất tiền mua phân ngoài thị trường. Tôi dùng tôi thấy rất là hiệu quả" - bà Phương cho biết thêm.
Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hiện nay, nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái đang chuyển sang giai đoạn củng cố, nâng cao các tiêu chí để hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay toàn tỉnh Yên Bái có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nói về cách thức triển khai để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, ông Lương Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định rõ nội dung công việc, giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, công chức trong phối hợp với các thôn tổ chức thực hiện. Năm 2022 xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, hiện đang củng cố, nâng cao các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 này:
"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thịnh Hưng xác định chương trình xây dựng nông thôn mới Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã. Với những tiêu chí mà chúng tôi đã đạt được thì hàng tháng, hàng quý, hàng năm chúng tôi đánh giá những tiêu chí chưa đến mức độ hoàn hảo thì phải cố gắng hơn, như tiêu chí giao thông, môi trường… để đảm bảo các tiêu chí đó thật bền vững để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu".
Trong vòng một năm qua, có hai địa phương cấp huyện ở Yên Bái hoàn thành xây dựng nông thôn mới là Yên Bình, Văn Yên và đều về đích trước kế hoạch 1 năm. Quá trình triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương này đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy vai trò tiên phong đi trước, làm trước, “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên, theo quan điểm “không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”; linh hoạt trong thực hiện các giải pháp phù hợp với định hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Cùng với đó là triển khai bài bản, nề nếp chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân” để cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cùng đồng hành, gắn bó, sẻ chia, cùng bàn, cùng làm với nhân dân, từ đó đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tạo thành phong trào, khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, trên dưới đồng lòng...
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, nhiều kênh tuyên truyền, nhiều việc làm cụ thể, từ đó đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng nhân dân với việc xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Thứ hai là huyện đã chủ động rà soát tiêu chí xã nông thôn mới và 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, phối hợp với các sở ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới để tổ chức thực hiện".
Đến hết năm 2024, Yên Bái có 119/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gần 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hơn 260 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chuẩn bị đón xuân mới giữa những miền quê trù phú, giàu đẹp, người dân nông thôn mới Yên Bái càng cảm thấy cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để xây dựng thôn mình, xã mình, huyện mình, tỉnh mình thực sự là những miền quê hạnh phúc.