Nông sản vụ đông: Được mùa, tiêu thụ thuận lợi

Với sự chỉ đạo sát sao của ngành Nông nghiệp và các địa phương, sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh năm nay diễn ra thuận lợi. Trên những cánh đồng tại các huyện, thị xã, TP, thời điểm này, hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau màu diễn ra sôi động.

Tăng 1,3 nghìn ha cây vụ đông

Về thôn Hai Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) những ngày này, trên các thửa ruộng trồng cây vụ đông, bà con đang tích cực chăm sóc các loại cây trồng vụ đông. Còn nhớ hơn 3 tháng trước, hàng chục ha cây trồng tại đây bị dập nát bởi bão số 3 nhưng nay cả khu đồng đã được phủ màu xanh mướt của ngô ngọt, khoai tây, cà chua...; nhiều loại đang cho thu hoạch.

 Nông dân xã Chu Điện (Lục Nam) thu hoạch su hào vụ đông.

Nông dân xã Chu Điện (Lục Nam) thu hoạch su hào vụ đông.

Vụ đông năm nay, gia đình bà Hà Thị Khanh, thôn Hai Khê trồng 7 sào cà chua bi, ngô ngọt và khoai tây. Thời điểm xuống giống, gia đình chú ý thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp; gieo trồng rải vụ nên thuận lợi cho việc chăm sóc và tiêu thụ, cây sinh trưởng phát triển tốt. Bà Khanh cho biết: “Tôi thu hoạch xong hơn 1 sào ngô ngọt thì khoảng 1 sào cà chua bi bắt đầu cho hái quả. Cứ từ 2-4 ngày thu một lần được 20-30 kg quả, với giá bán từ 7-12 nghìn đồng/kg, vài ngày, tôi lại thu từ 200-300 nghìn đồng”.

Theo bà Khanh, trừ chi phí mua giống, phân bón, từ đầu vụ đến nay, gia đình đã thu lãi gần 10 triệu đồng từ trồng cây vụ đông, trong khi thời gian thu hoạch (nhất là cây cà chua) còn kéo dài đến tháng 2 năm sau. Không riêng hộ bà Khanh, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trồng vụ đông, hầu hết nông dân xã Quế Nham không bỏ đất trống, tập trung gieo trồng các loại cây vụ đông trên diện tích rộng. Vì thế, vào vụ thu hoạch, thương nhân các nơi lại tìm về xã đặt điểm cân thu mua nông sản đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, TP trong cả nước.

Tại các địa phương khác như Chu Điện, Bảo Đài (Lục Nam); Mỹ Thái, Tân Thanh (Lạng Giang), người dân cũng tích cực gieo trồng các loại cây vụ đông cho năng suất cao và tiêu thụ thuận lợi. Tại vùng trồng hành tập trung ở xã Chu Điện, năng suất đạt trung bình từ 7-8 tạ/sào; giá bán bình quân 10 nghìn đồng/kg (cả dọc và củ), nông dân thu lãi 5-6 triệu đồng/sào.

Được biết, vụ đông năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3; giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao. Song nhờ được ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương kịp thời hướng dẫn chuyển đổi một phần diện tích cây ưa ấm (theo kế hoạch từ đầu vụ) sang trồng các loại cây ưa lạnh, mở rộng diện tích ở những vùng thuận lợi.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay, toàn tỉnh gieo trồng được 23,8 nghìn ha cây vụ đông, tăng 1,3 nghìn ha so với năm trước. Diện tích được mở rộng tập trung vào các giống cây có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như: Ngô ngọt HN88, MX10, Sugar 75; khoai tây Atlantic, Marabel, Diamant, Solara; ớt, cà chua… và các giống lai khác đã được khẳng định năng suất, chất lượng từ những vụ trước.

Liên kết tiêu thụ

Sản xuất vụ đông được tỉnh kỳ vọng gia tăng giá trị, bù đắp phần nào thiệt hại do thiên tai gây ra đối với ngành Nông nghiệp, đồng thời bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Để kết quả sản xuất đạt hiệu quả cao, trước đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường hướng dẫn người dân thâm canh phù hợp với khung thời vụ và đặc tính của từng loại cây trồng. Đồng thời thực hiện phân bổ, hỗ trợ các địa phương hàng nghìn kg hạt giống chất lượng, cùng hàng trăm tấn phân bón do Trung ương MTTQ Việt Nam và doanh nghiệp tài trợ. Từ nguồn hỗ trợ trên, nông dân các địa phương đã gieo trồng được khoảng 530 ha khoai tây, ngô, rau các loại và bón phân cho gần 300 ha cây trồng.

Thời điểm này, các địa phương đã thu hoạch hơn 5,1 nghìn ha cây vụ đông, đạt 38% so với kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất vụ đông ước đạt từ 1,9 đến 2 nghìn tỷ đồng. Những cây trồng được thu hoạch sớm chủ yếu là ngô ngọt, khoai tây, cà chua, ớt, su hào và các loại cây ăn lá...

Hiện toàn bộ diện tích cây trồng vụ đông trên địa bàn tỉnh cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích rau đã cho thu hoạch có chất lượng cao, được tiêu thụ mạnh tại các chợ truyền thống, hệ thống nhà hàng, siêu thị. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch hơn 5,1 nghìn ha cây vụ đông, đạt 38% kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất vụ đông ước đạt từ 1,9 đến 2 nghìn tỷ đồng (năm 2023 đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng). Những cây trồng được thu hoạch sớm chủ yếu là ngô ngọt, khoai tây, cà chua, ớt, su hào và các loại cây ăn lá. Trong đó, huyện Lục Nam thu hoạch được khoảng 1,6 nghìn ha; Tân Yên, Hiệp Hòa mỗi địa phương khoảng 1,5 nghìn ha, còn lại là những nơi khác.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, một trong những thuận lợi trong sản xuất vụ đông năm nay đó là hoạt động liên kết tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết các cánh đồng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu ra thuận lợi. Ví như Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Tài Linh, xã Lan Giới (Tân Yên) liên kết sản xuất 10 ha dưa chuột vụ đông sớm tại thôn Chính Lan cùng xã. Toàn bộ nông sản được bao tiêu với giá ổn định, cung cấp cho Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang).

Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu sử dụng thực phẩm, nhất là nhóm rau xanh trên thị trường tăng cao. Để bảo đảm năng suất cây trồng cũng như nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, bà con tích cực kiểm tra đồng ruộng, chăm sóc cây trồng phù hợp với giai đoạn sinh trưởng, quan tâm phòng trừ sâu bệnh gây hại. Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, từ đó hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hoạch tại thời điểm phù hợp, không để thương nhân ép giá. Đối với diện tích cây trồng đã thu hoạch xong cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, tiếp tục trồng gối cây ưa lạnh ngắn ngày để tăng thu nhập đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ chiêm xuân tới.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nong-san-vu-dong-duoc-mua-tieu-thu-thuan-loi-postid410170.bbg
Zalo