Nông sản hữu cơ của HTX: Sức hút từ thị trường khổng lồ Mỹ
Trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và các quốc gia khác kể từ ngày 1/8, ngành nông sản Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ từ hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp, vẫn đang nắm giữ những lợi thế đáng kể để thâm nhập và phát triển tại thị trường 4.000 tỷ USD này. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một chiến lược thông minh, tập trung vào giá trị cốt lõi, chú trọng truy xuất nguồn gốc và tối ưu chi phí.
Theo ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách chính sách, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, Mỹ là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới với kim ngạch lên đến 4.000 tỷ USD mỗi năm.
Tập trung vào giá trị cốt lõi
Con số khổng lồ này cho thấy tiềm năng to lớn cho bất kỳ quốc gia xuất khẩu nào. Tuy nhiên, ông Mealy cũng nhấn mạnh việc thâm nhập vào thị trường này ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém hơn do chính sách áp dụng thuế cao đối với các sản phẩm sản xuất bên ngoài nước Mỹ và sự gia tăng từ chi phí logistics.
Vậy, đâu là hướng đi cho nông sản Việt Nam khi cánh cửa tưởng chừng hẹp lại?
Để vượt qua rào cản thuế quan mới, ông Marc Mealy cho rằng các HTX, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc sản xuất và tiếp thị những sản phẩm thiết yếu – những sản phẩm mà người tiêu dùng vẫn sẵn sàng lựa chọn dù giá có cao hơn do thuế. Một trong những phân khúc ngách đặc biệt tiềm năng chính là sản phẩm được chứng nhận hữu cơ. Đây là nhóm sản phẩm được bán với giá cao nhưng vẫn được người tiêu dùng Mỹ đón nhận và sẵn lòng chi trả, bởi họ tin tưởng vào chất lượng, sự an toàn và những lợi ích sức khỏe mà những sản phẩm này mang lại.

Nông sản hữu cơ là lợi thế để HTX xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ, cũng đã chỉ ra đặc điểm xu hướng tiêu dùng của thị trường này là chú trọng đến những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu những mặt hàng như dệt may, đồ gỗ… sẽ gặp những khó khăn nhất định khi Mỹ áp thuế mới vì đây là những ngành nghề thâm dụng lao động, thì việc khai thác những mặt hàng thuộc phân khúc đặc thù như sản phẩm hữu cơ sẽ là "chìa khóa".
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều HTX, doanh nghiệp đang sở hữu lợi thế về mặt hàng này. Việc các HTX và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sản xuất hữu cơ và đạt được các chứng nhận quốc tế như USDA Organic (Mỹ), EU Organic (Châu Âu) trực tiếp đáp ứng được nhu cầu này. Như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang đang sản xuất tiêu và cà phê hoàn toàn hữu cơ được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Mỹ, EU. Hiện, HTX xuất khẩu hồ tiêu, cà phê hữu cơ sang các thị trường “khó tính” như Mỹ và châu Âu.
Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ cho biết, một trong những thị trường xuất khẩu thanh long hữu cơ của HTX chính là Mỹ và được thực hiện thông qua doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng những mặt hàng nông sản, rau màu, cây trồng thường có nguồn gốc xuất xứ thuần túy tại Việt Nam. Đây là một lợi thế lớn, bởi thị trường Mỹ rất quan tâm đến quy tắc xuất xứ. Việc các HTX, doanh nghiệp có hồ sơ rõ ràng để sẵn sàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi phía Mỹ yêu cầu là cực kỳ quan trọng.
Sản phẩm hữu cơ Việt Nam với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ sẽ đáp ứng tốt yêu cầu này, từ đó tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác Mỹ.
Cạnh tranh về xuất xứ và giá cả
Hiện nay, một số HTX đã xuất khẩu thành công nông sản hữu cơ có chứng nhận sang thị trường Mỹ. Ngược lại, có những HTX dù đã chú trọng sản xuất hữu cơ nhưng trong tình hình hiện nay vẫn còn lúng túng không biết làm thế nào để có thể xuất sang thị trường này.
Một HTX trồng nấm linh chi ở Tây Nguyên mong muốn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Hay một HTX trồng hoa hòe và dược liệu ở Thái Bình trước đây (nay là Hưng Yên) đang muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng không biết là nên dừng ở sản phẩm thô hay tiếp tục đầu tư chế biến sâu để thuyết phục người tiêu dùng ở nước này.
Trong khi theo giới chuyên gia, dù là thị trường có rào cản kỹ thuật cao, quy định nghiêm ngặt, rất quan tâm đến bảo hộ thương mại, chống bán phá giá, nhưng Mỹ đang thực hiện tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tìm nguồn thay thế từ Trung Quốc. Nhiều ngành hàng của Việt Nam cũng có lợi thế xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có nông sản, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, cho biết nhu cầu của doanh nghiệp Mỹ về các mặt hàng nông sản thực phẩm từ Việt Nam như cà phê, ca cao, các loại rau tươi và chế biến rất lớn. Họ cũng đã tìm kiếm và tham gia các hội chợ nhưng thực tế kết nối được với HTX, doanh nghiệp Việt còn chưa được như mong muốn.
Đặc biệt, một khảo sát tại Mỹ cho thấy, thuế mới đẩy lạm phát tăng khiến 57% người tiêu dùng Mỹ cũng thắt chặt chi tiêu, chuyển sang những thương hiệu rẻ hơn. Và 60% người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm có thương hiệu khi có các đợt giảm giá, khuyến mãi.
Điều này cho thấy, để thu hút được người tiêu dùng Mỹ, làm sao để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng phù hợp về giá cả mới là bài toán chiến lược trong xuất khẩu, nhất là thời điểm này.
Theo đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, việc cạnh tranh về chất lượng và giá cả cần song hành với nhau khi xuất khẩu sang Mỹ. Bởi thực tế tại siêu thị Key Food của Mỹ đã nhập khẩu xoài từ Mexico, Peru, Guatemala, Brazil… và giá bán là 4 USD/kg (4 quả). Nhưng xoài Việt có mặt ở siêu thị này lại có giá cao hơn ít nhất 3-4 lần, lại không tươi bằng xoài nhập ở một số nước khác do khoảng cách địa lý xa hơn.
Điều này đặt ra tầm quan trọng của bảo quản trong chuỗi cung ứng và tìm cách tối ưu quy trình sản xuất để cạnh tranh về giá cả khi xuất khẩu sang Mỹ.
Một ví dụ khác là bánh pía Việt Nam từng được bày bán tại siêu thị Costco tại Mỹ nhưng hiện không còn xuất hiện do vấn đề truy xuất nguồn gốc chưa hoàn thiện. Điều này khẳng định lại sự cần thiết của việc hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ.
Có thể thấy, dù đối mặt với những thách thức về thuế quan và các tiêu chuẩn khắt khe, nông sản hữu cơ của HTX và doanh nghiệp Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn để chinh phục thị trường Mỹ. "Chìa khóa" nằm ở việc tập trung vào giá trị sản phẩm độc đáo, chất lượng vượt trội, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng và việc tìm cách tối ưu quy trình sản xuất-xuất khẩu để cạnh tranh lành mạnh với những mặt hàng cùng loại của các nước khác trên đất Mỹ. Bằng cách kết hợp những yếu tố này, nông sản Việt hoàn toàn có thể tìm được chỗ đứng vững chắc và phát triển bền vững ở thị trường Mỹ.