Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Không chỉ nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đã về đích sớm, thời điểm này, có những doanh nghiệp nhận được khoảng 60% đơn hàng của năm sau.

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng cao

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau, quả tháng 10 năm 2024 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2024 đạt 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023 - vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023.

10 tháng năm 2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD. Ảnh: M.H

10 tháng năm 2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD. Ảnh: M.H

Đáng chú ý, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dù chính vụ kết thúc vào tháng 10, Việt Nam vẫn có hàng trái vụ, giúp dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD.

Với mặt hàng hồ tiêu, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, xuất khẩu cũng về đích sớm khi đặt kế hoạch năm 2024 đạt 1 tỷ USD, song trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng đến 48% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, với mặt hàng cà phê, trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này mang về hơn 4,6 tỷ USD, giá trị tăng gần 40% so với năm ngoái và vượt xa con số 4,25 tỷ USD của cả năm 2023. Với đà này, xuất khẩu cà phê năm nay được dự báo có thể lên 5,5 tỉ USD. Đây là mốc kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay về giá trị xuất khẩu cà phê Việt.

Về mặt hàng gạo, 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt trên 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần bằng con số của cả năm 2023. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của chúng ta như cà phê, hạt điều, gạo, rau quả đạt mức tăng trưởng chưa từng có.

Đáng chú ý, bên cạnh sự bứt tốc về đích sớm của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch bứt phá ấn tượng, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã nhận được đơn hàng cho năm mới.

Đại diện lãnh đạo của Công ty Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu cho biết, hiện, doanh nghiệp đã có khoảng 60% đơn hàng của năm sau. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đàm phán với khách hàng lớn để cung cấp những sản phẩm rau, quả đã qua chế biến theo nhu cầu của thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ.

Ở góc độ Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, thị trường trong thời điểm này khá là ổn định, nhiều loại mặt hàng có lợi thế về giá. Ví dụ như mặt hàng gạo, cà phê, trong thời gian vừa qua tăng cao và chúng ta đã có lợi ích từ việc đó.

Tín hiệu sáng cho thời gian tới

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau, quả tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các hiệp định thương mại và nghị định thư. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tăng 25% so với năm 2023, lên hơn 7 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex - nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam có lượng xuất khẩu gạo lớn với trên 8 triệu tấn, giá trị cũng sẽ đạt trên 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có thể đạt mức cao nhất, trên 600 USD/tấn. Điều này giúp giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ở mức cao và vẫn khá ổn định.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá, ngoài các thị trường truyền thống, ngay từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp đã nhấn mạnh đến việc khai thác các thị trường có lợi thế tiềm năng mới, trong đó có thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo.

Mới đây nhất, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được ký kết, mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản sang thị trường Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). “Hai tháng cuối năm 2024 sẽ là thời gian tăng tốc quyết liệt của các ngành hàng với mục tiêu mới nhất là đưa kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cán mốc kỷ lục khoảng 60 tỷ USD” - ông Phùng Đức Tiến nói.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-san-diem-sang-trong-xuat-khau-hang-hoa-359363.html
Zalo