Nông sản bị mạo danh, Đà Lạt khẩn cấp bàn cách ứng phó
Ngày 26/9, tại thành phố Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra tọa đàm 'Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt'. Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tham dự.
Tọa đàm khẳng định, tình trạng mạo danh nông sản thương hiệu Đà Lạt diễn ra trong suốt thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Điều này cũng gây ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông sản có xuất xứ Đà Lạt, hạn chế quá trình đưa sản phẩm nông sản chính hiệu của địa phương này phát triển theo hướng thương mại toàn cầu.
Theo ông Trần Huy Đường, chủ Langbiang Farm Đà Lạt, ngoài xây dựng thương hiệu cho chính mình, các nông hộ, nông trại phải có mã QR Code, có mã số vùng trồng chi tiết đến từng lô sản xuất và được cơ quan quản lý chứng nhận: “Nông dân phải tự bảo vệ, vậy thì nông dân bảo vệ kiểu gì? Đầu tiên là phải có thương hiệu, nông dân phải có QR Code truy xuất nguồn gốc. Tiếp đó, đi theo QR Code là phải có mã số vùng trồng. Hiện mã số vùng trồng của chúng ta đang “lờ mờ”, và chỉ mới làm trên một số cây trồng, trong đó có cây sầu riêng”.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật sở hữu trí tuệ, vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu nông sản Đà Lạt, đẩy mạnh cung cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc nông sản Đà Lạt. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác hậu kiểm sản phẩm sử dụng thương hiệu Đà Lạt; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh nông sản nhập nội, các hành vi giả mạo thương hiệu, bảo đảm quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng và uy tín của thương hiệu nông sản Đà Lạt...
Phát biểu kết luận tọa đàm, TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gian lận thương mại đối với nông sản Đà Lạt là do chất lượng nông sản Đà Lạt rất cao, giá thành sản xuất cao và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Để giải quyết tình trạng này, trước hết, cần cải thiện năng suất, giảm giá thành sản xuất thông qua ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất; đầu tư nghiên cứu bộ giống tốt, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ; quản lý chặt chẽ hơn về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bao gồm việc xác định rõ nguồn gốc, sử dụng công nghệ để phân biệt sản phẩm thật và giả xuất xứ.
“Cần quản lý chặt chẽ hơn thương hiệu ‘Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành’, trong đó mỗi doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu chính mình. Để làm sao những sản phẩm bán ra thị trường sẽ được chứng minh là thương hiệu Đà Lạt. Còn nếu không đủ đảm bảo thương hiệu Đà Lạt thì đây là những sản phẩm không đạt chất lượng, người tiêu dùng cũng sẽ thấy được đây là sản phẩm không phải thương hiệu Đà Lạt. Cần tiếp tục tuyên truyền các quy định, nghị định có liên quan để hành vi của mọi người có ý gian lận thương mại không dám thực hiện”, TS. Phạm S đề nghị.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 69.000 ha nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 21% diện tích canh tác, trong đó có 670 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số; 37 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền, 2 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP. Riêng tại Đà Lạt, diện tích canh tác nông nghiệp hơn 10.600 ha; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt khoảng 5.600 tỷ đồng, chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế của thành phố.