Nông nghiệp vươn đỉnh, giao thông đột phá, Tây Nguyên bước vào kỷ nguyên mới
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 tại khu vực Tây Nguyên, nông nghiệp là điểm sáng nổi bật với mức tăng khoảng 5% so với năm ngoái, nhiều sản phẩm nông sản đã đem về kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD.
Năm 2024 - năm đạt những thành quả đáng tự hào và mở ra triển vọng lớn đối với khu vực Tây Nguyên. Thành quả của Tây Nguyên được thấy rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, với kết quả xuất khẩu đột phá và nhiều dấu ấn phát triển theo chiều sâu. Triển vọng của Tây Nguyên thêm những tuyến đường bộ cao tốc, kết nối liên vùng với cả duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, mở ra cơ hội phát triển nhanh và toàn diện.
Mùa thu hoạch cà phê năm nay là mùa viên mãn với ông Hoàng Mạnh Thoan ở xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Khu vườn rộng 3 ha trồng 250 cây sầu riêng, 800 trụ tiêu, 200 cây bơ mà vẫn đủ chỗ cho 3.000 cây cà phê, vụ nào cũng thu 15 tấn cà phê nhân trở lên. Đáng quý là khu vườn này rất bền vững, vụ thu hoạch này vẫn đạt 16 tấn cà phê nhân dù cây đã 30 năm tuổi. Nông nghiệp bền vững vừa đem tới cho gia đình ông Thoan nguồn thu nhập phong phú, tổng trị giá trên 3 tỷ đồng vừa khích lệ ông tự tin, chuẩn bị kế hoạch lớn hơn trong năm tới.
"Làm nông nghiệp bền vững người dân có niềm vui. Hiện các nhà rang cà phê chất lượng cao đã đến đặt hàng, nhiều lúc không có đủ hàng để bán. Sang năm tới gia đình sẽ xây dựng thêm 1 farm nữa, nếu thuận lợi sẽ tự rang xay và đưa cà phê ra thị trường", ông Thoan chia sẻ kế hoạch.
Theo báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, nông nghiệp là điểm sáng nổi bật với mức tăng khoảng 5% so với năm ngoái. Trong năm, vùng sản xuất sầu riêng, mắc-ca, cà phê, hồ tiêu… lớn nhất cả nước, đã đem về kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD. Những nông sản được trồng ở vùng đất cằn nghèo khó, như điều, ca cao cũng đột phá trên thị trường. Trong đó, mặt hàng ca cao có thời điểm đạt giá bán 12.000 USD/tần, tương đương 300 triệu đồng/tấn hạt khô, gấp 6 lần mức trung bình những năm gần đây.
Ông Lý Quốc Bảo, dân tộc Nùng, ở Thôn 16 xã Ea Đar huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, cùng với được mùa được giá, người trồng ca cao còn vui vì bán mua thuận lợi. "Lúc ca cao giá lên đến 35.000 – 40.000 đồng/kg bà con đã mừng rồi, nhưng đó giá còn lên đến 55.000 và 60.000 đồng/kg bà con rất phấn khởi. Cứ mỗi tuần mình hái 1 lần đập lấy hạt ướt, cân cho HTX và nhận thanh toán luôn”, ông Bảo cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, sang đến năm 2024, sức hút của Tây Nguyên đã không dừng ở sở trường cây công nghiệp, cây ăn trái mà mở rộng sang cả lĩnh vực chăn nuôi. Nhiều nhà đầu tư đã đăng ký những dự án trị giá hàng chục triệu USD, kết hợp cả chăn nuôi, trồng trọt và chế biến, đây là thời cơ rất rõ rệt để các tỉnh xây dựng một nền nông nghiệp đa giá trị.
"Tây Nguyên nên coi đây là phát súng mở ra cơ hội mới về nông nghiệp. Không gian thu hút đầu tư cho Tây Nguyên về nông nghiệp còn phong phú hơn, sinh động, năng động và nhiều ý tưởng hơn, tích hợp đa giá trị mà không phải đơn giá trị", Bộ trưởng nói.
Cùng với nội lực mạnh mẽ từ nông nghiệp, Tây Nguyên đang được tiếp thêm những nguồn lực rất lớn, đặc biệt về hạ tầng giao thông. Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột trị giá 22.000 tỷ đồng sau hơn 18 tháng khởi công đã cơ bản thành hình. Những mét đường cao tốc đầu tiên trên địa phận tỉnh Đắk Lắk đã được thảm nhựa, báo hiệu ngày Tây Nguyên rộng đường ra biển đã rất gần. Với những nỗ lực vượt bậc của cả chính quyền địa phương và các đơn vị thi công, Dự án thành phần 3 do Đắk Lắk chủ quản, đã đạt 31.6% khối lượng thi công, tiến độ tháng cuối năm được nâng cao gấp gần 3 lần tiến độ trung bình trước đó.
“Tỉnh Đắk Lắk xin cam kết, tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành dự án. Chắc chắn dự án thành phần 3 sẽ hoàn thành trong năm 2025 và toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ về đích đúng tiến độ kế hoạch đề ra”, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh tự tin dự án sẽ về đích sớm.
Tiếp sau cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vùng Tây Nguyên sẽ có thêm nhiều cao tốc khác, như cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, qua khu du lịch quốc gia Măng Đen. Cao tốc Plei Ku-Quy Nhơn, nối tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định; Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đắk Nông và cao tốc phía Tây Tây Nguyên, nối 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Nông. Sớm nhất trong các tuyến cao tốc tương lai của Tây Nguyên, sẽ là cao tốc Tân Phú-Liên khương, nối tỉnh Lâm Đồng với TP.HCM. Dự án này đang có một số vướng mắc đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát và chỉ đạo tháo gỡ.
“Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để ra nghị quyết của Chính phủ hay sửa Nghị định 78. Thời gian triển khai việc này càng sớm càng tốt. Kể cả các nhà đầu tư cũng như các ngân hàng đồng hành, cũng nên có văn bản tham mưu Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo để ta làm việc này nhất quán”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Vươn lên mạnh mẽ bằng thế mạnh nông nghiệp và rộng đường phát triển nhờ những đột phá về hạ tầng giao thông, Tây Nguyên đang thực sự bước vào một kỷ nguyên mới đầy triển vọng. Với sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, nhà đầu tư và người dân, vùng đất đầy tiềm năng này sẽ không chỉ trung tâm nông nghiệp đa giá trị mà còn phát huy tốt các giá trị lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.