Nông nghiệp Thủ đô chờ đột phá với những 'vòng tròn khép kín'
Các mặt hàng nông sản trên địa bàn Hà Nội đang được chú trọng sản xuất theo 'vòng tròn khép kín' từ sản xuất tới tiêu thụ, tạo thành những chuỗi liên kết nông sản sản an toàn, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Chuỗi sản xuất rau an toàn của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở) đang là một trong những điểm sáng trong phát triển nông nghiệp cho hiệu quả cao ở huyện Thường Tín. Nhờ những “vòng tròn khép kín”, HTX đang có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chuyển biến tích cực
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX, cho hay với mục tiêu phát triển sản phẩm rau an toàn chất lượng cao, HTX đã và đang chủ động xây dựng chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vững bước trên thị trường tiêu thụ.
Với sự đầu tư mạnh mẽ, HTX hiện đã phát triển thành công khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1,15ha, trong đó có hệ thống nhà màng hiện đại xấp xỉ 8.000m2 tưới phun tự động, 2 kho nhà lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ...
Nhờ có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, 100% các loại rau, củ, quả của HTX được sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP, sau thu hoạch được bảo quản, sơ chế tại chỗ, chất lượng được đảm bảo, theo đó giảm phụ thuộc vào những biến động thị trường, tăng sức cạnh tranh, đảm bảo giá bán.
Thống kê cho thấy, toàn huyện Thường Tín đang có 7 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi và 5 chuỗi liên kết giết mổ, cùng 15 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Các chuỗi sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn, vừa cung cấp sản phẩm đi khắp thành phố và các tỉnh lân cận.
Đáng chú ý, không chỉ ở Thường Tín, quá trình hình thành và phát triển các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng nông sản an toàn đang được đẩy mạnh khắp các địa phương ở Thủ đô, mang lại hiệu quả tích cực.
Cụ thể, đến nay thành phố Hà Nội cũng đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì và phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.
Các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi, góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, hạn chế được tổn thất cho người nông dân.
Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai và vận hành 52 mô hình PGS - hệ thống bảo đảm có sự tham gia trực tiếp của các tổ chức và cá nhân trong toàn bộ chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu thụ rau an toàn, với diện tích áp dụng vượt 2.000 ha.
Trong đó, quy trình sản xuất và thu hoạch luôn được giám sát chặt chẽ và điều tra kỹ lưỡng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các đơn vị sản xuất và các sản phẩm vi phạm nghiêm trọng, góp phần duy trì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Thêm "đòn bẩy" để bứt phá
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay Hà Nội đã xây dựng thành công hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như: "nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa), "Bưởi tôm vàng Đan Phượng)…
Sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước như: Gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)… với giá bán tăng 15 - 20% so với khi chưa có thương hiệu.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp các HTX, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Điển hình như như mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP, quy mô 13 ha tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng với hơn 40 hộ tham gia; mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác bền vững, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Hay các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm ở các huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Mê Linh; mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, quy mô 25ha, triển khai tại các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thanh Oai...
Ông Lê Hữu Diện, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang (xã Trung Hòa), cho biết với tôn chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, kể từ khi thành lập HTX luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP, sử dụng phân sinh học trong chăm sóc cây trồng.
Kết quả, bưởi trồng theo hướng VietGAP của HTX sau khi thu hoạch có độ ngọt thanh, ít sâu bệnh, vỏ vàng bóng đẹp, ruột thơm, múi mọng nước, ngọt mà không đắng, càng để lâu càng ngọt và ngon hơn. Giá trị kinh tế theo đó cũng liên tục được nâng lên.
Những kết quả là rất tích cực, tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là quá trình mở rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, hình thành các chuỗi giá trị với “vòng tròn khép kín” từ sản xuất tới tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, chủ yếu do tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp, liên kết chưa bền vững và công tác quản lý an toàn thực phẩm phức tạp.
Để khơi thông những điểm nghẽn, tạo ra những thành quả tốt hơn, thời gian tới cùng với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khép kín cũng đang được ngành nông nghiệp thành phố chú trọng, trong đó thúc đẩy tổ chức lại ngành chăn nuôi, gắn việc sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó kiểm soát nguồn gốc nông sản trên thị trường.
Cùng với đó, để kiểm soát chất lượng nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết thành phố sẽ duy trì, phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ an toàn, khuyến khích mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP và ứng dụng công nghệ cao…