Nông dân thời đại số và những HTX làm nông nghiệp thông minh ở Kiên Giang

Chuyển đổi nông nghiệp không chỉ là thay giống, đổi cây, mà còn là thay đổi cả tư duy và cách làm. Với những bước đi vững chắc, huyện Tân Hiệp đang dần khẳng định vị thế là địa phương đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp thông minh của tỉnh Kiên Giang.

Huyện Tân Hiệp nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được coi là “vựa lúa quốc gia”. Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, giá vật tư nông nghiệp leo thang, đầu ra sản phẩm bấp bênh... đã buộc người dân nơi đây phải thay đổi tư duy sản xuất.

Chuyển đổi để thích ứng

Từ một huyện thuần nông, Tân Hiệp đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt thông qua vai trò của các HTX nông nghiệp.

Trên cánh đồng thuộc xã Tân An, ông Lê Văn Khang – một nông dân hơn 30 năm gắn bó với cây lúa, chia sẻ: “Trước kia cứ đến mùa là xuống giống theo tập quán, phụ thuộc vào mưa nắng, năng suất lúc được lúc không. Nhưng 2 năm nay, tôi tham gia vào HTX Nông nghiệp Tân An, sản xuất theo mô hình lúa – cá kết hợp, có tưới tiêu tự động, lắp camera giám sát dịch bệnh từ xa. Hiệu quả thấy rõ”.

Nông nghiệp huyện Tân Hiệp đang chuyển đổi theo hướng hiện đại, tăng khoa học công nghệ.

Nông nghiệp huyện Tân Hiệp đang chuyển đổi theo hướng hiện đại, tăng khoa học công nghệ.

Theo ông Khang, khi vào HTX, bà con được hướng dẫn canh tác theo quy trình VietGAP, sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ vi sinh và ứng dụng phần mềm dự báo thời tiết.

“Nhờ HTX hỗ trợ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, nên bà con an tâm sản xuất, không còn nỗi lo 'được mùa mất giá' như trước nữa”, ông Khanh nói thêm.

Không riêng xã Tân An, nhiều địa phương khác trong huyện như Thạnh Đông A, Thạnh Đông, Tân Hội, Thạnh Trị... cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, từng bước giảm diện tích lúa kém hiệu quả, thay bằng mô hình canh tác đa dạng hơn như rau màu, cây ăn trái, thủy sản, nhất là theo hướng hữu cơ và công nghệ cao.

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Tân Hiệp cho thấy, toàn huyện hiện có gần 40 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 70% đã ứng dụng một phần công nghệ vào sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Trị 1 (xã Thạnh Trị). Từ năm 2022, HTX đầu tư hệ thống phun tưới tự động, máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác, tiết kiệm 30–40% chi phí so với cách truyền thống. Ngoài ra, HTX còn hợp tác với các công ty công nghệ để áp dụng phần mềm quản lý mùa vụ, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.

Chìa khóa của nông nghiệp hiện đại

Nhờ số hóa dữ liệu sản xuất, HTX Thạnh Trị 1 đã xây dựng được thương hiệu “Gạo sạch Thạnh Trị”, được nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM và Cần Thơ đặt hàng.

Bình quân mỗi vụ HTX canh tác trên 100 ha lúa chất lượng cao, doanh thu mỗi năm đạt trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương.

Trong khi đó, ở HTX Nông nghiệp Tân Hội đang là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi một phần diện tích sang trồng dưa lưới, dưa hấu và rau an toàn trong nhà màng.

Ông Nguyễn Văn Tới – đại diện HTX, chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng 2.000m² nhà màng trồng dưa lưới theo công nghệ Israel, có hệ thống tưới nhỏ giọt và điều khiển nhiệt độ tự động. Năng suất đạt hơn 2 tấn/vụ, bán ra thị trường cao gấp 4–5 lần trồng lúa”.

HTX Tân Hội không chỉ tự tổ chức sản xuất mà còn liên kết với siêu thị, sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này đang được nhân rộng trong huyện, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc.

Các HTX đang cho thấy dấu ấn đậm nét trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp huyện Tân Hiệp.

Các HTX đang cho thấy dấu ấn đậm nét trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp huyện Tân Hiệp.

Bên cạnh những HTX kể trên, nhiều HTX trên địa bàn Tân Hiệp còn ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Như HTX Thạnh Đông A đã thí điểm hệ thống QR truy xuất toàn bộ quá trình sản xuất rau an toàn. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã sẽ biết được nguồn gốc, ngày gieo trồng, thu hoạch và quy trình chăm sóc sản phẩm.

Có thể thấy các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Tân Hiệp. Để có được thành công hiện tại, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều chương trình đồng hành trong đào tạo nhân lực, hoàn thiện sản xuất, xúc tiến thương mại…

Kỳ vọng và thách thức

Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã xây dựng nhiều mô hình HTX đa dịch vụ tại huyện Tân Hiệp, giúp các HTX mở rộng ngành nghề, từ trồng trọt, chăn nuôi đến cung ứng vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp đã giúp HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên.

Để nâng cao giá trị nông sản, các HTX tại Tân Hiệp được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP. Điều này không chỉ giúp sản phẩm HTX dễ dàng tiếp cận thị trường mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý HTX tại Tân Hiệp. Các khóa đào tạo tập trung vào kỹ năng quản lý, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn, giúp HTX hoạt động hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang tổ chức, các HTX tại Tân Hiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là bước quan trọng giúp HTX nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sản xuất ở Tân Hiệp vẫn còn không ít khó khăn. Nguồn vốn đầu tư cho công nghệ còn hạn chế. Một số HTX nhỏ chưa đủ năng lực quản lý, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Hơn nữa, thói quen canh tác truyền thống của người dân không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.

Theo đó, chính quyền huyện Tân Hiệp xác định, việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững là con đường tất yếu. Huyện đang xúc tiến xây dựng trung tâm điều phối sản xuất thông minh, đồng thời đẩy mạnh số hóa quản lý HTX, hỗ trợ đăng ký thương hiệu, mã số vùng trồng... để nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Từ những thửa ruộng truyền thống, nông dân Tân Hiệp hôm nay đã và đang trở thành những “người nông dân số”, ứng dụng công nghệ để làm nông nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn. Vai trò của các HTX không chỉ giúp tập hợp nông dân sản xuất theo chuỗi mà còn là cầu nối đưa khoa học công nghệ vào từng cánh đồng.

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/nong-dan-thoi-dai-so-va-nhung-htx-lam-nong-nghiep-thong-minh-o-kien-giang-1106711.html
Zalo