Nông dân thiệt đơn, thiệt kép vì phân bón giả, kém chất lượng

Bỏ tiền mua phân bón nhưng được cung ứng hàng rởm, hàng kém chất lượng, người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang bị 'thiệt đơn, thiệt kép'. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý tình trạng trên, song không ít doanh nghiệp đã bất chấp tất cả để kiếm lời bất chính.

Kiểm tra ra hàng kém chất lượng

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 19 đơn vị vừa sản xuất vừa kinh doanh phân bón, đáp ứng khoảng 40-50% lượng tiêu thụ trên địa bàn (còn lại là do doanh nghiệp ngoài tỉnh cung ứng); 35 cơ sở là doanh nghiệp, đại lý lớn chuyên kinh doanh phân bón, còn lại là các đại lý, hộ gia đình với quy mô và mức độ kinh doanh khác nhau. Chỉ tính riêng trong quý I/2024, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã cung ứng cho thị trường khoảng 26.650 tấn phân bón các loại, gồm trên 30 loại phân bón khác nhau, như các loại phân khoáng, phân hóa học NPK và các loại phân bón chứa các hỗn hợp nitơ khác…

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, phát hiện trên 40 tấn hàng giả về chất lượng tại kho hàng tại hộ kinh doanh Lê Thị P. tại thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, phát hiện trên 40 tấn hàng giả về chất lượng tại kho hàng tại hộ kinh doanh Lê Thị P. tại thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn đang đẩy mạnh sản xuất; các doanh nghiệp, đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón cũng đã và đang nhập về nhiều loại phân bón phù hợp với giai đoạn sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng để cung ứng cho người dân. Chính vì nhu cầu tiêu thụ phân bón là rất lớn, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị sản xuất phân bón đã phớt lờ các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, tung ra thị trường lượng lớn phân bón không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Mới đây, qua kiểm tra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thanh tra 17/18 đơn vị sản xuất phân bón trên địa bàn, qua đó đã chỉ ra nhiều vi phạm, buộc phải xử phạt hành chính.

Cụ thể, Thanh tra đã lấy mẫu của 16/17 đơn vị với tổng số mẫu là 40 mẫu, trong đó có 33 mẫu phân bón vô cơ hỗn hợp và 7 mẫu phân bón hữu cơ. Sau khi có kết quả phân tích, đoàn kiểm tra đã xác định có 11 mẫu phân bón của 9 đơn vị sản xuất vi phạm về chất lượng và đã tiến hành xử phạt các đơn vị trên. Điển hình, Công ty CP Thành Nông Thanh Hóa sản xuất lô phân bón NPK 99999 12-3-5+TE, mã số phân bón 00347, ngày sản xuất 26/12/2023 có hàm lượng đồng (Cu) thấp hơn so với quy định; bị xử phạt 15 triệu đồng, buộc tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng 4.500kg phân bón đã sản xuất vi phạm chất lượng.

Công ty CP phân bón Long Điền Thanh Hóa sản xuất lô phân bón NPK+TE Long Điền 9-3-6+TE, mã số phân bón 02358, ngày sản xuất 26/2/2024 có hàm lượng lượng đồng (Cu) thấp hơn so với quy định và lô phân bón NPK+TE Long Điền 7-7-4+TE mã số phân bón 02360, ngày sản xuất 16/1/2024 có hàm lượng Kali hữu hiệu (K2Ohh) và hàm lượng đồng (Cu) thấp hơn so với quy định; bị xử phạt của 2 hành vi vi phạm là 22,5 triệu đồng, buộc tái chế hoặc chuyển mục đích sử dụng 11.600kg phân bón đã sản xuất vi phạm chất lượng.

Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Xanh sản xuất lô phân bón NPK SL1 Song Long 5-10-3-8SL1, mã số phân bón 15445, ngày sản xuất 26/1/2024 và lô phân bón Con rồng đỏ Kali-nito, mã số phân bón 15442, ngày sản xuất 26/1/2024 có hàm lượng lượng SiO2hh thấp hơn so với quy định; bị xử phạt 2 hành vi vi phạm là 45 triệu đồng, buộc tái chế hoặc chuyển mục đích sử dụng 23.000kg phân bón đã sản xuất vi phạm chất lượng. Tương tự, các đơn vị như: Công ty CP Phân bón Phúc Thịnh, Công ty CP Thần Nông Thanh Hóa, Công ty CP Hàm Rồng Thanh Hóa… cũng đã bị xử phạt với tổng số tiền xử phạt là hơn 111 triệu đồng, vì sản xuất phân bón kém chất lượng.

Trả lời báo chí, ông Vũ Quang Trung, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Thanh Hóa, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Hàng năm, đơn vị đều tổ chức nhiều đợt kiểm tra các đơn vị kinh doanh, buôn bán phân bón trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng các khuyến cáo, định mức, chủng loại phân bón đưa vào sử dụng trên địa bàn đối với từng loại cây trồng khác nhau. Bên cạnh đó, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón; đào tạo cấp chứng nhận đủ điều kiện cho người đủ điều kiện kinh doanh phân bón. Đối với các cơ sở kinh doanh phân bón sẽ tổ chức kiểm tra về chủng loại hàng hóa có phù hợp hay không; kiểm tra về đủ điều kiện sản xuất kinh doanh…

Nỗ lực ngăn chặn phân bón kém chất lượng

Mới đây, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu kinh doanh phân bón kém chất lượng do Công ty TNHH SX&TM Xuân Hà Ninh Bình (địa chỉ tại tổ 6, phường Nam Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) sản xuất. Phòng An ninh kinh tế đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hoạt động kinh doanh phân bón của một số cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa. Kết quả, phát hiện 3 hộ kinh doanh có hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa và chất lượng. Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt 3 hộ kinh doanh buôn bán phân bón với tổng số tiền 162.750.000 đồng.

Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 67.250.000 đồng, buộc tiêu hủy 6,9 tấn phân bón đang tồn kho là hàng giả về chất lượng đối với hộ kinh doanh Lê Đăng T. (có địa chỉ tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa); xử phạt vi phạm hành chính các hành vi với tổng mức phạt tiền của các hành vi vi phạm là 84.250.000 đồng, buộc tiêu hủy 3,625 tấn phân bón đang tồn kho là hàng giả về chất lượng đối với hộ kinh doanh Lê Minh H. (có địa chỉ tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa); xử phạt vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa với mức phạt tiền là 11.250.000 đồng đối với hộ kinh doanh Lê Thị P. (có địa chỉ tại thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính, Đoàn Thanh tra đã bàn giao hồ sơ, chuyển vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lô hàng phân bón khối lượng 40,475 tấn là hàng giả về chất lượng tại hộ kinh doanh Lê Thị P.

Cơ quan Công an phát hiện tại Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát có100 tấn phân bón không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 13 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.

Cơ quan Công an phát hiện tại Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát có100 tấn phân bón không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 13 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.

Sau thời gian xem xét kết quả kiểm tra, thử nghiệm, giám định chất lượng và xác nhận từ cơ quan chức năng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSMT) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (tỉnh Thanh Hóa) số tiền hơn 1,3 tỷ đồng về hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng… Cụ thể, thử nghiệm 14 mẫu phân bón của 7 loại sản phẩm phân bón NPK được Đoàn kiểm tra của Cục CSMT thu thập có các chỉ tiêu chính đạt yêu cầu, nhưng chỉ tiêu chất lượng bổ sung là Silic hữu hiệu đều không đạt. Lô hàng này có khối lượng hơn 525 tấn, Cục CSMT quyết định xử phạt ở mức hơn 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 17/5/2022, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện và tạm giữ hơn 100 tấn phân bón hỗn hợp NK do Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát sản xuất có nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón. Qua trưng cầu giám định phân tích các thành phần cấu thành sản phẩm đã phát hiện hơn 100 tấn phân bón nói trên không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 13 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.Tại cơ quan Công an, Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát khai nhận đã chỉ đạo công nhân bỏ thiếu 40% hàm lượng kali trong thành phần của phân bón hỗn hợp NK so với tiêu chuẩn đã công bố để hạ giá thành sản phẩm.

Để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, hàng kém chất lượng tuồn ra thị trường, các sở, ngành, lực lượng có liên quan của tỉnh Thanh Hóa cũng như chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm đơn vị vi phạm, tái phạm không để người dân phải “thiệt đơn, thiệt kép”.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nong-dan-thiet-don-thiet-kep-vi-phan-bon-gia-kem-chat-luong-i740651/
Zalo