Nông dân Thanh Hà dồn sức chăm vải thiều

Thời điểm này, người dân huyện Thanh Hà (Hải Dương) bước vào giai đoạn tất bật nhất trong năm khi dồn sức chăm sóc cho cây vải đang trong giai đoạn quả non.

Nông dân phun thuốc trị sâu cuốn tổ cho vải

Nông dân phun thuốc trị sâu cuốn tổ cho vải

Chăm vải như nuôi con mọn

Với sự kết hợp hài hòa giữa phương pháp truyền thống và ứng dụng kỹ thuật hiện đại, nông dân huyện Thanh Hà đang dồn toàn bộ tâm huyết cho một vụ vải được dự báo sẽ thắng lợi.

Từ sáng sớm, những con đường nhỏ uốn lượn qua các vườn vải ở huyện Thanh Hà rộn ràng bước chân người đi. Bà Nguyễn Thị Cương ở thôn Lại Xá 2 (xã Thanh Tân) có mặt ở vườn vải để rung cây cho bớt sương và phun thuốc trị sâu đo, sâu cuốn tổ. Gia đình bà Cương trồng gần 1 mẫu vải sớm, vải chính vụ. Nhà ít người nên một mình bà đảm nhiệm việc phun thuốc bảo vệ thực vật để quả vải phát triển tốt. “Trước kia, việc này cần ít nhất 2 người, người bơm bình, người phun thuốc. Bây giờ, bình phun thuốc chạy bằng máy nên chỉ cần một người”, bà Cương nói.

Vải sớm của Thanh Hà quả hiện gần bằng đầu ngón tay út. Với vải thiều, quả bằng đầu tăm. Cả hai loại vải đang trong giai đoạn quả non nên ngoài phun thuốc, người dân còn tích cực tưới dưỡng để cây dồn dinh dưỡng nuôi quả.

Trong những tán lá vải xòe rộng, nông dân cắt tỉa bớt cành con, cẩn trọng kiểm tra từng chùm quả để kịp thời phát hiện sâu bệnh và dọn dẹp, quét lá để tránh mầm bệnh gây hại.

Chị Nguyễn Thị Hậu ở thôn Vĩnh Xá (xã Vĩnh Cường), một trong những hộ trồng vải lâu năm, vừa đưa tay bẻ nhẹ một cành nhiễm bệnh nói: “Cây vải không dễ chiều đâu. Nhìn tươi tốt vậy thôi nhưng không kiểm tra kỹ sẽ có những cành bị rệp sáp, không trị ngay sẽ ảnh hưởng đến quả và lây sang các cây khác. Chăm cây vải phải tỉ mẩn như nuôi con mọn. Vải là hàng hóa, ngoài chất lượng ngon, quả vải phải có mã đẹp mới bán được giá".

Huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải. Đến thời điểm này, thời tiết cơ bản thuận lợi nên vải ra hoa, đậu quả đạt 98%. Vất vả nhất đối với người trồng vải lúc này là làm thế nào để cho quả vải to nhanh, chất lượng ngon, mã đẹp. Người trồng vải đang dồn toàn bộ công sức để chăm cây, dưỡng quả, cắt bỏ lộc non, tỉa cành vượt, tạo tán thông thoáng… nhằm mục đích duy nhất giúp cây dồn chất dinh dưỡng nuôi quả để có một mùa vải bội thu.

Vải sạch "ăn tiền"

Vải đậu quả là thời điểm giữ quả khó khăn nhất của nông dân Thanh Hà

Vải đậu quả là thời điểm giữ quả khó khăn nhất của nông dân Thanh Hà

Dự kiến sản lượng vải thiều Thanh Hà năm nay ước đạt 38.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với năm ngoái. Không dừng lại ở kinh nghiệm “cha truyền con nối”, nhiều nông dân Thanh Hà đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc vải. Người dân không xóa bỏ cách làm cũ mà lựa chọn hài hòa giữa phương pháp truyền thống kết hợp với ứng dụng khoa học hiện đại vào canh tác.

Ông Nguyễn Văn Phương ở thôn Thanh Lanh (xã Thanh Quang) cho biết gia đình ông và nông dân trong xã nhiều năm nay đã chuyển sang dùng phân hữu cơ ủ hoai mục với chế phẩm sinh học để bón cho cây vải. Hiệu quả thấy rõ khi cây khỏe, lá xanh, sâu bệnh giảm, chất lượng quả vải ngon hơn.

Các hộ chủ động lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng bẫy dính sinh học để diệt côn trùng gây hại. Nông dân các vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ghi chép cẩn thận nhật ký chăm sóc từ ngày phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đến chỉ số sinh trưởng của cây nhằm bảo đảm quy trình sạch và minh bạch khi xuất hàng.

Bà Nguyễn Thị Cương ở thôn Lại Xá 2 (xã Thanh Tân) chuẩn bị phun thuốc bảo vệ cho vườn vải

Bà Nguyễn Thị Cương ở thôn Lại Xá 2 (xã Thanh Tân) chuẩn bị phun thuốc bảo vệ cho vườn vải

Toàn bộ diện tích vải thiều của huyện Thanh Hà được trồng theo quy trình VietAP và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, không phun thuốc trong giai đoạn hoa rộ, không dùng thuốc kích thích đậu quả, tuyệt đối "nói không” với chất cấm... Chất lượng quả vải Thanh Hà ngày càng được chú trọng nâng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…

Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết từ lâu, vải thiều không chỉ gói gọn trong phạm vi kinh tế gia đình mà còn là hình ảnh nhận diện của vùng đất Thanh Hà. Vải không chỉ là quả ngọt, mà còn là văn hóa, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bởi vậy, đồng hành với người trồng vải, cơ quan chuyên môn của huyện Thanh Hà rất tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc vải, nắm bắt thời tiết, tình hình sâu bệnh để cùng người dân Thanh Hà hướng đến một mùa vải bội thu.

Đến nay, vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” và nhiều danh hiệu uy tín khác như: “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”; giải thưởng “Thương hiệu vàng”, chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”, top 10 Thương hiệu Nhãn hiệu nổi tiếng do Liên Hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.

Mới nhất là tháng 10/2024, vải thiều Thanh Hà được chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao.

MINH NGUYÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nong-dan-thanh-ha-don-suc-cham-vai-thieu-408932.html
Zalo