Nông dân Hà Nội phòng, chống mưa rét cho cây trồng, vật nuôi

Hiện thời tiết rét kèm theo mưa phùn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, người dân tập trung các biện pháp phòng, chống, hạn chế dịch bệnh phát sinh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng thời gian tới.

Tập trung chăm sóc bảo vệ cây trồng, vật nuôi

Nông dân xã Tiền Yên tập trung thu hoạch rau đến lứa để hạn chế thiệt hại do rét, mưa. Ảnh: Hương Giang

Nông dân xã Tiền Yên tập trung thu hoạch rau đến lứa để hạn chế thiệt hại do rét, mưa. Ảnh: Hương Giang

Tại vựa rau màu ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), những ngày này, người dân tất bật xuống đồng sản xuất; chăm sóc cây trồng vừa mới xuống giống; hái rau đến kỳ thu hoạch. Đây là vùng chuyênh canh, bình quân mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn rau củ các loại cho thị trường Hà Nội. Theo bà Nguyễn Thị Tý ở thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên), gia đình có 3 sào trồng rau, trong đó có 1 sào vừa gieo rau ăn lá khoảng 2 tuần, nhưng mấy ngày hôm nay thời tiết chuyển rét, mưa phùn, nếu không che phủ thì rau dễ bị hỏng. Do đó, gia đình đã phải căng nilon để bảo vệ cây trồng khỏi bị tác động bởi thời tiết mưa rét, bón phân hữu cơ, chủ yếu là phân gà tự ủ, giúp cây phát triển khỏe mạnh. Còn đối với diện tích rau đã đến lứa thu hoạch, tranh thủ buổi chiều, gia đình thu hoạch và bán cho thương lái.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai), hiện gia đình trồng 2 sào rau, với các giống chủ yếu là mồng tơi, rau ngót… Khi thời tiết chuyển rét, ban đêm có sương muối, để không ảnh hưởng năng suất cây rau, nhất là những diện tích rau vừa mới gieo trồng sau Tết, nông dân dùng biện pháp che phủ nilon, rắc tro bếp để giữ ấm cho gốc rau.

Người dân che phủ nilon bảo vệ cây trồng khỏi mưa rét. Ảnh: Tùng Nguyễn.

Người dân che phủ nilon bảo vệ cây trồng khỏi mưa rét. Ảnh: Tùng Nguyễn.

Không chỉ các hộ trồng rau, các hộ chăn nuôi cũng tập trung các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi. Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, mặc dù chuồng trại đã được xây dựng với quy mô bài bản, khép kín, song những ngày nhiệt độ giảm xuống dưới 15 độ C, công ty đã thắp điện sưởi ấm cho đàn gia cầm. Bởi, chăn nuôi quy mô lớn khoảng 71.300 con, nếu không có biện pháp phòng, chống rét kịp thời, tiêm phòng vắc xin, tăng sức đề kháng cho vật nuôi vào thời điểm thời tiết nồm ẩm, chuyển rét bất ngờ như hiện nay, thì đàn gia cầm dễ phát sinh dịch bệnh và gây thiệt hại về kinh tế cho các chủ trang trại.

Trang trại Tiên Viên thắp điện bảo vệ đàn gia cầm khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Hương Giang

Trang trại Tiên Viên thắp điện bảo vệ đàn gia cầm khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Hương Giang

Nông dân không lơ là, chủ quan

Hiện sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, một bộ phận hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa quan tâm thực hiện biện pháp phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc, như: Chuồng trại không che chắn hoặc che chắn không bảo đảm, chưa chủ động dự trữ thức ăn. Hơn nữa, nhiều diện tích rau màu mới xuống giống, nông dân chưa kịp che phủ nilon ảnh hưởng bởi sương muối cũng có thể gây thiệt hại về kinh tế; lúa xuân vừa mới gieo trồng...

Nông dân tuyệt đối không nên bón phân đạm, các loại phân bón lá cho cây vào những ngày rét đậm. Ảnh: Hương Giang

Nông dân tuyệt đối không nên bón phân đạm, các loại phân bón lá cho cây vào những ngày rét đậm. Ảnh: Hương Giang

Để bảo vệ cây trồng khỏi tác động của thời tiết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dũng Tiến (huyện Thường Tín) Nguyễn Thông Thạo cho biết, vài ngày tới thời tiết sẽ ấm trở lại, nhưng người dân không lờ là, chủ quan trong công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho cây trồng. Đối với cây lúa xuân khi gặp thời tiết bất lợi, như: Giá rét thì nên cho nước vào ruộng, mực nước trong ruộng luôn ở mức 1/2 cây lúa để giữ ấm cho cây lúa và bộ rễ cây. Đối với những ruộng gieo sạ thẳng, không nên cho nước vào ruộng, khiến cây mầm bị chết, lúc này nên rải đều tro bếp hoặc phân lân lên khắp ruộng để giữ ấm. Tuyệt đối không bón phân đạm, các loại phân bón lá cho cây vào những ngày rét đậm, rét hại. Khi thời tiết ấm trở lại (hơn 18 độ C), tăng cường bón phân thúc cho cây, thêm nước vào ruộng, kết hợp với sục bùn cho bộ rễ phát triển và cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, giúp cây lúa nhanh đẻ nhánh.

Nông dân nên sử dụng màng che phủ nilon, bảo đảm nguồn nước cân đối, bổ sung thêm dinh dưỡng cho rau màu. Ảnh: Hương Giang

Nông dân nên sử dụng màng che phủ nilon, bảo đảm nguồn nước cân đối, bổ sung thêm dinh dưỡng cho rau màu. Ảnh: Hương Giang

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, sau Tết, các địa phương đang vào vụ gieo trồng với tổng diện tích khoảng 8.000ha rau màu các loại và lúa xuân cơ bản hoàn thành. Để hạn chế thiệt hại do mưa rét, các địa phương tập trung khuyến cáo người dân đối với những cây rau màu đang trong thời kỳ cho thu hoạch, cần thu hoạch ngay cho cây, tránh cây bị gặp thời tiết lạnh quá, làm ảnh hưởng đến cây trồng. Không gieo trồng gối vụ các loại rau màu khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 15 độ C. Đối với cây rau màu vừa mới gieo trồng, mưa phùn, nông dân nên sử dụng màng che phủ nilon, bảo đảm nguồn nước cân đối, bổ sung thêm dinh dưỡng, bón thêm phân chuồng, rắc tro hoặc trấu, giúp rau màu phát triển tốt trong điều kiện giá rét…

Đối với cây rau màu đến kỳ cần thu hoạch ngay cho cây, tránh cây bị gặp thời tiết lạnh quá làm ảnh hưởng đến cây trồng. Ảnh: Tùng Nguyễn

Đối với cây rau màu đến kỳ cần thu hoạch ngay cho cây, tránh cây bị gặp thời tiết lạnh quá làm ảnh hưởng đến cây trồng. Ảnh: Tùng Nguyễn

“Bên cạnh đó, nông dân cần kiểm tra, thăm đồng thường xuyên để nắm bắt được tình trạng của cây và tình hình sâu bệnh hại trên cây rau màu, kịp thời phòng và điều trị cho cây. Đối với những cây có thiệt hại do ảnh hưởng bởi thời tiết rét, mưa phùn..., cần thu gom, loại bỏ để trồng chám vào; sử dụng các loại rau ngắn ngày, có khả năng chịu lạnh tốt để trồng. Những cây có khả năng phục hồi thì sử dụng phân NPK, phân hữu cơ, phân vi sinh để tưới cho cây rau phục hồi và giữ ấm cho cây, che chắn cho cây. Không nên sử dụng phân đạm để tưới cho cây, làm ảnh hưởng ngược lại đến cây trồng”, bà Lưu Thị Hằng cho biết thêm.

Giữ ấm và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Ngọc Sơn

Giữ ấm và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Ngọc Sơn

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, ngành Nông nghiệp thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Cán bộ thú y cơ sở cần hướng dẫn nông dân áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống các bệnh, như: Lở mồm long móng trâu, bò gia súc, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm; tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm... Cùng với đó, nông dân thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện vật nuôi ốm để cách ly xử lý, không để dịch bệnh phát sinh trong thời điểm tái đàn...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nong-dan-ha-noi-phong-chong-mua-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi-694183.html
Zalo