Nông dân Gia Phú dần thạo ứng dụng công nghệ số
Nhóm Zalo đã được thành lập để nông dân trao đổi thông tin về phương thức sản xuất, lịch gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh, giá cả thị trường, sản phẩm…
Nông dân hòa theo xu hướng chuyển đổi số
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại thôn Soi Cờ, đang có kế hoạch triển khai hệ thống tưới thông minh, bà Trần Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Chuyển đổi số nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó, người nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số. Quán triệt chủ trương đó, Hội Nông dân xã Gia Phú đã tích cực hỗ trợ nông dân về các phương thức chuyển đổi số, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và sản xuất dựa trên công nghệ số”.
Thời gian qua, nông dân Gia Phú đã dần tiếp cận tốt hơn kỹ thuật mới, cách thức tổ chức sản xuất tiên tiến. Điển hình như, Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng rau củ quả an toàn tại thôn Soi Cờ đã nhanh chóng hòa theo xu hướng chuyển đổi số, xã hội số, lập nhóm Zalo cho cộng đồng dân cư để trao đổi thông tin về phương thức sản xuất, lịch gieo trồng, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh và giá cả thị trường, sản phẩm…
“100% hộ nông dân kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn xã Gia Phú đều được tập huấn về thương mại điện tử (đăng bài, bán hàng trên các mạng xã hội). Toàn xã hiện có 6 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đã xây dựng được 11 sản phẩm OCOP, 5 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 4 sản phẩm cấp tỉnh.
Các sản phẩm này đều được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Vỏ sò (của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel), và các sàn thương mại điện tử, kênh đa phương tiện khác, giúp nông dân và hợp tác xã đỡ tốn chi phí đầu tư mặt bằng để bán hàng, đem lại hiệu quả quảng bá sản phẩm rất tốt. Giao dịch mua bán các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương đều được thanh toán trực tuyến”, bà Hương nhấn mạnh thành quả nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) tại địa phương.
Nông nghiệp thông minh giúp nông dân giảm nghèo
Một điểm sáng về chuyển đổi số tại Gia Phú là Hợp tác xã Mạnh Hương - hợp tác xã chuyển đổi số điểm của tỉnh.
“Chúng tôi đã ứng dụng nhật ký canh tác trên phần mềm FaceFarm, xuất hóa đơn điện tử và thanh toán qua tài khoản không dùng tiền mặt. Chúng tôi cũng đã đưa hồ sơ năng lực số lên không gian số, cụ thể là sàn Fairs của Bộ Công Thương; đưa các sản phẩm lên các gian hàng ảo, hội chợ ảo trên mạng. Chỉ cần nhấn vào đường link hồ sơ năng lực số của Hợp tác xã Mạnh Hương, các đối tác trong nước và nước ngoài có thể đánh giá được ngay sản phẩm cũng như quy trình sản xuất. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao đã đem lại cho chúng tôi 8 tỷ đồng doanh thu năm 2023, lợi nhuận 600 triệu đồng”, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Mạnh Hương kể khi chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất của Mạnh Hương.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Phú Trần Thị Hương, hành trình chuyển đổi số tam nông tại địa phương có điều kiện thuận lợi là ý chí, quyết tâm của hội viên nông dân trong việc ứng dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ số.
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn. Đơn cử, chuyển đổi số phải có máy móc thiết bị. Nhiều nông dân rất muốn triển khai hệ thống tưới thông minh điều khiển từ xa, nhưng khó khăn về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm về hạ tầng vẫn đang là rào cản lớn.
Vị nữ Chủ tịch Hội Nông dân xã bày tỏ mong muốn địa phương mình được hỗ trợ nhiều hơn nữa để cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số. Cùng với đó là sự vào cuộc hướng dẫn của các sở/ban/ngành liên quan để bà con nông dân áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, nông sản được thu hoạch tối đa giá trị trên mảnh đất của họ.
“Thời gian tới, Hội Nông dân xã Gia Phú sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tham gia mô hình nông nghiệp thông minh để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo. Toàn xã hiện có 114 hộ nghèo và cận nghèo trong tổng số 2.233 hộ nông dân hội viên. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn cao, tương ứng 8% và 13%. Để đạt xã nông thôn mới thông minh thì tỷ lệ này cần phải giảm bằng nhiều giải pháp. Chúng tôi kỳ vọng tới năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống tầm 5%. Và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số chính là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân phát triển kinh tế để thoát nghèo”, bà Hương nhấn mạnh.