Nông dân chú trọng sản xuất xoài theo hướng bền vững

ĐTO - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành hàng xoài được triển khai đồng bộ, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Nông dân trồng xoài ngày càng quan tâm hơn về quy trình sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và định hướng chuyển đổi sản xuất hữu cơ, góp phần nâng chất lượng sản phẩm, an toàn môi trường, sức khỏe cộng đồng...

Xoài là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh

Xoài là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh

Khuyến khích canh tác theo hướng hữu cơ

Đến cuối năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục phát triển diện tích trồng xoài đạt gần 15.000ha. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng xoài ước đạt 2.573 tỷ đồng, tăng trưởng 12,13% (tương ứng tăng 278 tỷ đồng), vượt kế hoạch 2,2%. Lợi nhuận bình quân trong sản xuất xoài dao động từ 142 triệu - 232 triệu đồng/ha. Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, canh tác theo hướng hữu cơ được khuyến khích. Trên địa bàn tỉnh có 542,1ha đạt chứng nhận VietGAP và 68ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Thời gian qua, việc chuyển giao kỹ thuật canh tác ngành hàng xoài được địa phương đẩy mạnh. Đáng chú ý là mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn hữu cơ được thực hiện tại ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới và ấp Hòa Long xã Hòa An, TP Cao Lãnh, với quy mô 32,1ha/44 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống xoài cát chu với năng suất đạt 9,15 tấn/ha, lợi nhuận là 37,9 triệu đồng/ha. Đặc biệt, các hộ tham gia ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tăng dần việc sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học, làm quen việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học, tuân thủ thời gian cách ly thuốc, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn hữu cơ thực hiện tại Ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình với quy mô 5ha/8 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống xoài cát Hòa Lộc cho năng suất khoảng 4,5 tấn/ha, lợi nhuận mô hình đạt 74,240 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế mô hình tăng 17,4% so với phương thức sản xuất cũ. Đồng thời thực hiện mô hình thâm canh xoài theo hướng VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại đồng bằng sông Cửu Long; mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tưới nước, bón phân, quản lý bệnh thán thư, tỉa cành, tạo tán, thu hoạch và sơ chế sau thu hoạch trên xoài cát Chu; mô hình sản xuất xoài thâm canh theo hướng VietGAP ở xã Bình Hàng Tây (15ha), triển khai mới ở xã Mỹ Xương, Bình Thạnh (diện tích 36ha)...

Nhằm nâng cao giá trị cây xoài và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, toàn tỉnh có 32 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất, kinh doanh xoài với tổng diện tích đất canh tác là 4.065ha.

Phát triển bền vững chuỗi ngành hàng xoài

Trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan chọn lựa các nội dung phù hợp để nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống như: nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống phân loại xoài tự động; nghiên cứu quy trình chế tạo vật liệu đạt chuẩn sản xuất túi bao trái phục vụ canh tác xoài xuất khẩu tỉnh Đồng Tháp; nghiên cứu ứng dụng chế phẩm AVG (aminoethoxyvinyl glycine) để kéo dài thời gian thu hoạch cho cây có múi (cam, quýt, chanh) và cây xoài của tỉnh Đồng Tháp...

Hướng đến phát triển bền vững, tỉnh quan tâm công tác thực hiện thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên xoài nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, chất lượng - an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Qua đó, từng bước xây dựng và phát triển bền vững chuỗi ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 293 vùng trồng xoài với diện tích 8.055,6ha được cấp mã số tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đạt 54,6% diện tích trồng xoài và 72,7% so với kế hoạch đến năm 2025); có 289 vùng được cấp mã số xuất khẩu với diện tích 7.915ha được cấp 1.559 mã số xuất khẩu (gồm các thị trường: Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Singapore, Nga) góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài. Diện tích cấp mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là 140,7ha. Về mã số cơ sở đóng gói xoài, có 10 doanh nghiệp được cấp mã số.

Công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ đang thực hiện thủ tục gia hạn và quản lý quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; quản lý quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài. Tiếp tục theo dõi phối hợp thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, cụ thể gồm: Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh tại Nhật Bản. Bên cạnh đó phối hợp với Tập đoàn Mỹ Lan triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh, với quy mô 500ha tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.

Số doanh nghiệp gia công, chế biến gắn với xuất khẩu xoài trên địa bàn tỉnh khá ít, phần lớn đóng vai trò gia công cắt gọt má xoài, sơ chế tẩm đường đóng thùng cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó có 21 vựa thu gom, đóng gói xoài được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Sản phẩm OCOP xoài gồm có 10 sản phẩm của 7 chủ thể, đạt từ 3 - 4 sao, 1 sản phẩm (xoài sấy dẻo của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Việt Đức) đang đề nghị 5 sao...

Y Du

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/nong-dan-chu-trong-san-xuat-xoai-theo-huong-ben-vung-127577.aspx
Zalo