Nông dân Bình Dương: Góp sức xây dựng quê hương

Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã xét chọn và tổ chức tuyên dương 11 hội viên nông dân đạt giải thưởng 'Nông dân Bình Dương xuất sắc'. Đây là những nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh và góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Dám nghĩ, dám làm

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân (ND) trong tỉnh đã sáng tạo và tâm huyết trong sản xuất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn. Ấp ủ mô hình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, trồng cây ăn trái gắn liền với du lịch sinh thái miệt vườn, anh Trịnh Văn Thông ở ấp An Thuận, xã Phú An (TP. Bến Cát) đã mạnh dạn thực hiện. Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn của anh Thông mang lại không gian xanh, thư giãn và yên bình vùng quê cho du khách.

Hội Nông dân tỉnh tổ chức Lễ tuyên dương “Nông dân Bình Dương xuất sắc” năm 2024

Với sự kết hợp trồng các loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, dừa và chuối với diện tích 3 ha, anh Thông vừa tạo sản phẩm cung cấp cho thị trường, vừa chế biến phục vụ những món ăn, tạo sự yêu thích cho du khách đến tham quan. Không những vậy, anh còn trồng lúa “sạch” trên diện tích 4 ha. Các sản phẩm nông nghiệp từ mô hình đều bảo đảm “sạch”, không sử sụng các loại thuốc gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Đây là mô hình bảo đảm đúng theo quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái của xã Phú An.

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội ND tỉnh: “Trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết đại hội đại biểu Hội ND tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 bằng kế hoạch thực hiện 15 chỉ tiêu và 2 chương trình đột phá. Cụ thể là xây dựng chương trình hợp tác 6 nhà, tạo chuỗi liên kết hỗ trợ ND nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và xây dựng mô hình ND khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp…”.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, anh Thông sử dụng công nghệ tiên tiến và hệ thống tưới tự động; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, anh thường xuyên tham gia hỗ trợ các hoạt động trao đổi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp trong và ngoài địa bàn; đồng thời hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ ND và dành thời gian tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tặng quà cho gia đình neo đơn, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã… Ngoài việc sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái miệt vườn, anh còn mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ với chuỗi hệ thống làm vườn như tư vấn, thiết kế, cải tạo vườn và hoạt động kênh YouTube “Anh sáu miệt vườn” để giới thiệu, tạo sự sáng tạo, đổi mới cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Không chỉ riêng anh Thông, nhiều hộ ND sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu các cấp, ND tỷ phú trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên các nền tảng đa kênh như: TikTok, Facebook, sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận...

Đổi mới vươn lên

Trước đây, chị Phạm Thị Thảo ở ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật để cải thiện kinh tế gia đình. Giai đoạn đầu chỉ có hai vợ chồng chị làm và thuê thêm 3 lao động. Chị Thảo chia sẻ: “Sau khi nuôi ong và phát triển lĩnh vực ngành mật ong, tôi thấy hiệu quả kinh tế hơn. Vì vậy vợ chồng tôi tập trung mở rộng sản xuất”. Theo đó, gia đình chị cùng với một số hộ ND nuôi ong thành lập Hợp tác xã Ong mật Thảo Trinh. Đến nay, mô hình này đã giúp cho 20 người dân địa phương có việc làm ổn định. Trong quá trình nuôi ong và sản xuất bột nuôi ong, chị đã đầu tư máy móc thiết bị để đạt tiêu chuẩn đóng chai bán ra thị trường, cố gắng học hỏi trao đổi kỹ thuật và hướng dẫn tận tình cho các thành viên hợp tác xã để cùng nhau phát triển.

Hiện nay, chị Thảo sản xuất thức ăn cho ong và nuôi ong lấy mật trên diện tích 1.000m2 với hệ thống tự động và bán tự động. Bản thân chị rất tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của địa phương và Hội ND xã như triển lãm quảng bá sản phẩm, tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình, tương trợ giúp đỡ trong sản xuất, đóng góp xây dựng nhà đại đoàn kết và Quỹ Vì người nghèo… Hàng năm, chị còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, giúp đỡ các hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết hàng năm, Hội ND tỉnh đều tổ chức xét chọn giải thưởng “ND Bình Dương xuất sắc” nhằm tiếp tục phát huy thành quả, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh những gương ND giỏi, có nhiều thành tích tiêu biểu trong sản xuất - kinh doanh, có đóng góp tích cực cho phong trào hội nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội địa phương nói chung… Song song đó, hội tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào ND thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với bảo vệ môi trường…

K.TUYẾN - THANH TUYÊN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nong-dan-binh-duong-gop-suc-xay-dung-que-huong-a334934.html
Zalo