Nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu lo lắng vì sắn, mía ế
Bà con nông dân trồng mía và sắn tại khu vực xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện như ngồi trên 'đống lửa' vì hàng trăm ha không tiêu thụ được, giá bán rớt xuống thấp. Đây là vùng trồng sắn và trồng mía lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Gia đình ông Cao Văn Thắng, xã Tân Lâm có 10ha mía đã quá thời gian thu hoạch 3 tháng.
Gia đình anh Cao Văn Thắng, ngụ ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc đang canh tác 11 ha mía đến nay đã quá thời gian thu hoạch 3 tháng nhưng mới chỉ bán được khoảng 1 ha, 10 ha còn lại vẫn không có thương lái đến hỏi mua. “Số diện tích đất này gia đình thuê để trồng mía, với giá 25 - 27 triệu đồng/ha, cộng cả tiền thuê đất đến nay gia đình đã phải bỏ ra chi phí 170 triệu đồng/ha nhưng do mía tiêu thụ quá chậm nên nguy cơ thua lỗ nặng ở vụ mía này. Không những tiêu thụ chậm, vụ mía này liên tiếp gặp những cơn mưa trái mùa, gió mạnh nên mía bị đổ rạp nhiều nên thương lái càng chê hơn”, ông Thắng buồn rầu chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Dũng cùng ngụ xã Tân Lâm cũng trong cảnh tương tự, gia đình ông đang trồng 10 ha mía, đến nay cũng mới chỉ tiêu thụ được khoảng 1ha, số còn lại cũng bị đổ ngã hàng loạt do thời tiết mưa trái mùa cộng với gió lớn. Hiện nay, giá mía chỉ còn 50 - 60 nghìn đồng/bó, giảm hơn 20 nghìn đồng/bó (12 cây) so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sức tiêu thụ lại rất chậm khiến bà con trồng mía đứng, ngồi không yên.
“Hiện vườn mía của gia đình đã quá lứa thu hoạch 3 tháng, việc tiêu thụ chậm cộng với thời tiết bất thường liên tục có mưa trái mùa sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cây mía, mía bị xốp và đỏ ruột lượng đường sẽ bị giảm mạnh, nguy cơ thua lỗ nặng vụ mía này”, ông Dũng cho hay.

Nhiều vườn sắn tại xã Tân Lâm lên đến cả gần 100 ha, không tiêu thụ được.
Không riêng gì mía, những hộ trồng sắn (khoai mì) trên địa bàn xã Tân Lâm cũng rơi vào cảnh giá xuống thấp, khó tiêu thụ. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Huỳnh, ngụ xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc đang trồng 5 ha sắn. Theo anh Huỳnh, đến nay sắn đã vào chính vụ thu hoạch nhưng giá lại rớt xuống quá thấp, thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua, giá hiện chỉ còn 1.800 đồng/kg thay vì 3.200 đồng/kg như vụ năm ngoái. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí anh chỉ còn được thu về 800 đồng/kg. Dự kiến vụ sắn này gia đình anh thu về khoảng 100 tấn/5 ha, may mắn lắm thì gia đình anh thu được gần 80 triệu chưa trừ chi phí, trong khi đó đến nay anh đã phải bỏ chi phí đầu tư là 150 triệu đồng/5ha vụ sắn năm nay.
“Vụ sắn năm nay gia đình tôi cầm chắc thua lỗ. Điều đáng lo ngại không những giá bán rẻ mà hiện nay thương lái tìm đến các vườn sắn để thu mua cũng không có. Cả khu vực trước đây có 3 cửa hàng thu mua sắn thì đến nay chỉ còn 1 cửa hàng, điều này càng khiến người trồng sắn chúng tôi lo ngại hơn về sức tiêu thụ”, anh Huỳnh nói.
Trước những khó khăn trên, nhiều nông dân tại xã Tân Lâm mong muốn được thành lập tổ hợp xã hoặc hợp tác xã sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất, đầu ra tiêu thụ ổn định.

Vườn mía của gia đình anh Nguyễn Ngọc Huỳnh, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc bị đổ rạp xuống, đã quá lứa thu hoạch 3 tháng vẫn không có thương lái tới thu mua.
Ông Lê Văn Lợi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc cho biết, Tân Lâm là vùng đất gặp nhiều khó khăn về nguồn nước, thời gian qua bà con nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi cây trồng để phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, hiện trên địa bàn xã có trên 50 ha trồng mía, khoảng 80 ha trồng sắn. Hiện nay, bà con đang gặp khó khăn về giá cả 2 loại cây trồng này rớt xuống thấp, nông sản tiêu thụ quá chậm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm.
“Trước tình hình trên, hiện chính quyền xã đang vận động bà con không nên ồ ạt chuyển đổi một loại cây trồng trên diện tích lớn mà có thể trồng xen canh hoặc luân phiên cây trồng trên cùng một diện tích đất để đầu ra dễ dàng hơn, tránh rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Lợi cho hay.