'Nóng' chính sách thuế đối với hàng giao dịch thương mại điện tử

Thời gian gần đây, dư luận xã hội quan tâm về tình trạng hàng hóa nước ngoài lợi dụng chính sách của Việt Nam, 'xé lẻ' đơn hàng dưới 1.000.000 đồng để tránh nộp thuế. Ông Đặng Sơn Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Ông Đặng Sơn Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan).

Ông Đặng Sơn Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan).

Thưa ông, cơ quan Hải quan xác định thương mại điện tử (TMĐT) phát triển sẽ thúc đẩy nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn trong quản lý thuế. Việt Nam cần thay đổi quy định để ngăn tình trạng thất thu thuế do các giao dịch xuyên biên giới thông qua các sàn TMĐT giá rẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TMĐT xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, góp phần giúp Chính phủ thực hiện các mục tiêu kinh tế số. Sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng phạm vi tiếp cận thị trường quốc tế, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng trên khắp thế giới; giúp người tiêu dùng tiếp cận với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú với giá cả cạnh tranh từ thị trường nước ngoài.

Nhận thức được tầm quan trọng này, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu như hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ khai báo hải quan, hỗ trợ giải quyết thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường tương tác, cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí trong quy trình thông quan.

Để đơn giản hóa việc quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu qua các hệ thống TMĐT xuyên biên giới và có giá trị dưới 1.000.000 đồng được miễn thuế, Việt Nam đang thực hiện theo cam kết quốc tế trong Công ước Kyoto 1973 vì mức thuế nhỏ so với chi phí quản lý.

Tại Điều 1 của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg quy định: “Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT)”.

Hiệp định TFA (Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại) quy định, trong phạm vi có thể, về trị giá lô hàng tối thiểu hoặc số lượng thuế hải quan phải nộp sẽ không được thu, ngoại trừ một số loại hàng hóa nhất định đã được quy định.

Còn theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong các tình huống thông thường, quy định không tính thuế hải quan đối với hàng chuyển phát nhanh có trị giá bằng hoặc thấp hơn khoản cố định được quy định theo luật của mỗi bên.

Hiện, việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá thấp của Việt Nam là phù hợp với các cam kết quốc tế. Việt Nam miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá từ 1.000.000 đồng trở xuống hoặc có số tiền phải nộp từ 100.000 đồng trở xuống. Đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường được miễn thuế, nếu tổng trị giá hải quan từ 500.000 đồng trở xuống hoặc tổng số tiền thuế phải nộp từ 50.000 đồng trở xuống.

Lượng hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ khá lớn, nên nhiều quốc gia đã đánh thuế trở lại nhằm tăng thu ngân sách, đảm bảo sự công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước. Việt Nam đã tính đến việc đánh thuế với các mặt hàng nhập khẩu chưa, thưa ông?

Nhiều nước đã bãi bỏ thông lệ miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp như: Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ việc miễn thuế đối với các lô hàng nhập khẩu có trị giá từ 22 euro trở xuống từ ngày 1/7/2021; Singapore bãi bỏ quy định miễn thuế giá đối với hàng hóa trị giá thấp từ ngày 1/1/2023; Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa trị giá thấp năm 2022...

Quyết định 78/2010/QĐ-TTg quy định miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT và các loại thuế khác (nếu có) đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1.000.000 đồng trở xuống được ban hành trên cơ sở các điều ước quốc tế, đặc biệt Công ước Kyoto cũng như thông lệ quốc tế.

Gần đây, nhiều nước đã bỏ chính sách miễn thuế này, Việt Nam cần phải nghiên cứu. Đây là vấn đề nhạy cảm vì vừa phải bảo vệ quyền thu thuế của Quốc gia, đảm bảo sự công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, vừa phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

Để phù hợp với xu hướng, Bộ Tài chính đang rà soát và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Vậy, liệu có bãi bỏ Quyết định này và bỏ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ không, thưa ông?

Việc thu hay miễn thuế cần được thực hiện theo các cam kết quốc tế và pháp luật trong nước trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm, tác động đối với các bên liên quan. Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu thực tế của nhiều các nước trên thế giới, tình hình kinh tế xã hội trong nước để cân nhắc báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xuất bãi bỏ hay tiếp tục thực hiện Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện điều ước quốc tế như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao để xem xét trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình thực hiện Công ước Kyoto về không miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu.

Thưa ông, bên cạnh kiến nghị xem xét bãi bỏ hoặc tiếp tục thực thi Quyết định 78, Tổng cục Hải quan có đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 2 triệu đồng giao dịch qua TMĐT?

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được Chính phủ giao xây dựng Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Trong Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính có đề xuất miễn thuế xuất - nhập khẩu đối với hàng hóa có trị giá tối đa đến 2 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu hàng hóa tối đa là 96.000.000 đồng/năm.

Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu, rà soát lại, phân tích, đánh giá quy định về miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT tác động đến thu ngân sách Nhà nước, chi phí ngân sách Nhà nước bỏ ra để quản lý thuế nếu không miễn thuế; tác động của việc miễn thuế đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước cũng lợi ích của người tiêu dùng.

Chúng tôi cũng đã xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về đề nội dung này và đa phần ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính. Trong quý IV này, Bộ Tài chính sẽ trình bản Dự thảo cuối cùng lên Chính phủ.

Để bảo đảm các quy định tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam cũng như tương thích với các điều ước, hiệp định... quốc tế, cơ quan soạn thảo đang cân nhắc kỹ lưỡng các quy định đối với chính sách thuế.
Trong đó, khi một lĩnh vực phát triển mạnh thì trước khi ban hành quy định cần phải có quá trình nghiên cứu, thu thập kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới để bảo đảm mục tiêu vừa tạo thuận lợi nhưng không làm thất thu thuế cho Nhà nước và hướng người khai hải quan, doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nong-chinh-sach-thue-doi-voi-hang-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-20241115140649666.htm
Zalo