Nồng ấm mối quan hệ Tư pháp Việt Nam - Lào
Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đến Lào thật đặc biệt và cả nhiều cảm xúc. Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 6 diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào kỳ vọng sẽ tiếp tục là sợi dây kết nối bền chặt mối quan hệ hợp tác, gắn bó, phát triển về công tác tư pháp và pháp luật giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam- Lào.
Tới Lào, điều đầu tiên mà Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Đoàn công tác cảm nhận được là tình cảm trân quý, ấm áp mà những người bạn Lào luôn dành cho những người bạn đến từ Việt Nam.
Cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong Lun SỈ SU LÍT và Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Sỏn Xay SỈ PHĂN ĐON đều có những kỷ niệm đẹp về tỉnh Khánh Hòa, nơi mà Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh từng có 3 năm làm Bí thư tỉnh ủy. Khi biết tin đồng chí Nguyễn Hải Ninh đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam thì đây chính là chuyến công tác được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong Lun SỈ SU LÍT và Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Sỏn Xay SỈ PHĂN ĐON rất mong đợi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thoong Lun SỈ SU LÍT cho biết đã được nghe Bộ trưởng Tư pháp Lào báo cáo về kết quả Hội đàm giữa hai Bộ Tư pháp hai nước cũng như Chương trình Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào lần thứ 6. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào đánh giá cao hiệu quả trong cơ chế hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước, hai Bộ Tư pháp trong thời gian qua, đồng thời cũng tin tưởng rằng, với những tương đồng vốn có, với những nỗ lực của cả hai bên, trong thời gian tới, sự hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước sẽ không ngừng phát triển lên tầm cao mới.
Chia sẻ thêm với Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Đoàn công tác Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam chia sẻ thêm kinh nghiệm với Bộ Tư pháp Lào về công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là việc giải quyết án tồn đọng, cũng như các vấn đề pháp lý về đảm bảo trật tự an ninh khu vực biên giới.
Thủ tướng Lào Sỏn Xay SỈ PHĂN ĐON cũng tâm sự, có nhiều điểm tương đồng như Việt Nam, Lào cũng đang phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề pháp lý từ việc tập trung phát triển kinh tế xã hội như các vấn đề pháp lý về đất đai, chuyển đổi số, an ninh mạng.., rất cần sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm từ Bộ Tư pháp Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Hải Ninh (bên trái) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phây-vi Xi-bua-lị-pha tại buổi nói chuyện giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam với cán bộ chủ chốt Bộ Tư pháp Lào chiều 19/12
Tại buổi nói chuyện với cán bộ chủ chốt Bộ Tư pháp Lào chiều ngày 19/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã thông tin tới các cán bộ Bộ Tư pháp Lào kết quả các buổi hội đàm giữa hai Bộ trưởng Tư pháp hai nước, các buổi tiếp kiến của lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong Lun SỈ SU LÍT và Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Sỏn Xay SỈ PHĂN ĐON; kết quả Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 6 .
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, kể từ khi Việt Nam và Lào ký kết Hiệp định hợp tác về tư pháp và pháp luật vào năm 1982 đến nay, giữa hai nước đã có mối quan hệ vô cùng khăng khít, hiệu quả trong quá trình hợp tác. Hai bên đã trao đổi hơn 30 đoàn cán bộ cấp Bộ trưởng, 80 đoàn cán bộ cấp Vụ trong khoảng 40 năm qua. Các thế hệ lãnh đạo Bộ Tư Pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều luôn coi trọng, đề cao mối quan hệ hợp tác với Bộ Tư pháp Lào.
Hiệp định hợp tác về tư pháp và pháp luật ký năm 1982 với Chính phủ Lào cũng là Hiệp định hợp tác với nước ngoài đầu tiên mà Bộ Tư pháp Việt Nam tham mưu cho Chính phủ thực hiện. Dự kiến, trong thời gian tới, hiệu quả của quá trình hợp tác về công tác tư pháp, pháp luật giữa hai nước sẽ tiếp tục được phát triển lên tầm cao mới.
Ấn tượng với những thông tin rất sâu sắc và sát thực tế từ Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh, nhiều cán bộ tư pháp Lào muốn được Bộ trưởng chia sẻ về quá trình công tác cũng như những cảm nhận của Bộ trưởng khi tới thăm Bộ Tư pháp Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chân thành bộc bạch, mặc dù tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội, học tiếp thạc sĩ luật, tiến sĩ luật tại Việt Nam nhưng từ thực tế gần 8 năm công tác tại hai địa phương là Đắk Lắk và Khánh Hòa, ông nhận thấy rằng, “thực tế áp dụng pháp luật vào cuộc sống nhiều khi rất khác với những gì chúng ta nghĩ ở trung ương”
Bởi vậy, việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật như những chỉ đạo mới đây của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Việt Nam sẽ góp phần quan trọng đưa pháp luật vào cuộc sống.
Việt Nam đang hướng tới ưu tiên xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển kinh tế với tinh thần văn bản quy phạm pháp luật phải ngắn gọn, khả thi. Những vấn đề chi tiết sẽ giao cho Chính phủ hướng dẫn.
Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam cũng cho biết Bộ Tư pháp Việt Nam đang tập trung chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm, sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo. Nếu các dự án này đạt hiệu quả như mong đợi, Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Tư pháp Lào.