Nỗi sợ hãi của bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài
Mặc dù các nghiên cứu gần đây cho thấy biến chủng Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng, những người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài cho biết họ vẫn lo sợ bị tái nhiễm.
Theo NBC, các nghiên cứu về biến chủng Omicron cho đến nay vẫn đang trấn an người dân một cách thận trọng.
Theo đó, mặc dù có khả năng lây lan với tốc độ chóng mặt, Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến chủng trước đó, ít nhất là ở những người đã tiêm chủng và tiêm mũi nhắc lại.
Sợ hãi tái nhiễm
Các nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng biến chủng Omicron có khả năng khiến người bệnh phải nhập viện thấp hơn nhiều so với Delta.
Tuy nhiên, những dữ liệu đáng khích lệ đó không có nhiều ý nghĩa đối với bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài - những người đã phải chịu đựng các triệu chứng của bệnh trong nhiều tháng, thậm chí là hơn một năm sau lần nhiễm đầu tiên.
Laurie Bedell, 42 tuổi, ở Pittsburgh, nhiễm SARS-CoV-2 vào tháng 12/2020. Sau khi được chữa trị, bà vẫn phải tiếp tục chịu đựng sự đau đớn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và nhiều triệu chứng khác.
Những triệu chứng này biến cô từ một phụ nữ khỏe mạnh, năng động thành người bệnh mạn tính, không thể đi lại hay tập thể dục quá 5-10 phút, Bedell chia sẻ.
Bedell nói rằng bà và những người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài phải rời khỏi nhà trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng.
Biến chủng này chiếm phần lớn số ca nhiễm ở Mỹ chỉ sau vài tuần kể từ khi được phát hiện, vượt qua cả biến chủng “siêu lây nhiễm” Delta.
“Tôi rất sợ hãi”, Bedell nói. "Tôi không chắc rằng bản thân có thể sống sót nếu tái nhiễm".
Nguy cơ tái nhiễm dường như thực sự là một mối lo ngại. Theo nghiên cứu của cơ quan Y tế Cộng đồng Scotland, phần lớn các ca nhiễm Omicron ở nước này là những người từng mắc Covid-19 trước đó, cao gấp 10 lần số ca tái nhiễm do biến chủng Delta.
Tiến sĩ John Baratta, người sáng lập và giám đốc của UNC Covid Recovery Clinic ở Chapel Hill, Bắc Carolina, cho biết những người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài "có lý do chính đáng để lo lắng".
Ông nói: “Chúng tôi đã thấy các bệnh nhân tái nhiễm với biến chủng khác của virus corona. Họ có các triệu chứng kéo dài mới hoặc tồi tệ hơn sau khi tái nhiễm".
Omicron có dẫn đến hội chứng Covid-19 kéo dài?
Việc nhiễm biến chủng Omicron có dẫn đến hội chứng Covid-19 kéo dài hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Biến chủng này mới chỉ được các nhà khoa học phát hiện trong khoảng một tháng. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Omicron sẽ hoạt động khác so với các biến chủng trước đó.
Ngay từ những ngày đầu đại dịch, virus corona đã cho thấy khả năng gây ra các triệu chứng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Điều này vẫn tiếp diễn ở biến chủng Delta.
Tiến sĩ Greg Vanichkachorn, giám đốc y tế của Chương trình Phục hồi sau Covid-19, Phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota, cho biết xu hướng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn của Omicron có thể mang lại cảm giác an toàn sai lầm.
Ông nói: “Hơn 3/4 bệnh nhân của chúng tôi bị bệnh rất nhẹ và sau đó chuyển sang giai đoạn kéo dài của Covid-19”.
Tác động của một biến chủng lây lan nhanh như Omicron là rất lớn. Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Y khoa Penn State ước tính rằng hơn một nửa số người mắc Covid-19 phải chịu đựng các triệu chứng trong ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm virus.
Tính đến ngày 23/12, hơn 51 triệu người Mỹ đã được chẩn đoán mắc Covid-19.
Đối với nhiều người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, mối đe dọa từ Omicron “ập đến” vào thời điểm vốn đã khó khăn.
“Điều này đang xảy ra vào một thời điểm rất mong manh đối với nhiều bệnh nhân", tiến sĩ Vanichkachorn nói.
Ông đã nhận thấy sự lo lắng và tuyệt vọng ở các bệnh nhân của mình trong thời gian gần đây. Mối đe dọa từ Omicron đã “gây khó khăn gấp đôi” cho họ, ông nói thêm.