Nỗi niềm thưởng Tết
Hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025! Vào lúc này, vấn đề người lao động quan tâm nhất có lẽ là thưởng Tết. Từ vài tuần nay, chủ đề thưởng Tết đã xôn xao trên mặt báo, trong những cuộc chuyện trò. Và năm nào cũng vậy, thưởng Tết là chuyện vui với rất nhiều người song cũng là nỗi niềm của không ít người...
Theo yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 15-12-2024 là hạn cuối các địa phương phải gửi báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động. Như vậy, ít ngày nữa, chúng ta sẽ được thấy bức tranh tổng thể về thưởng Tết năm nay.
Tuy nhiên, rải rác những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết cho người lao động. Một số đơn vị liên quan cũng đưa ra dự báo về mức thưởng Tết năm nay. Thưởng Tết phác họa từ những thông tin đó cũng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc...
Trước hết hãy nói về niềm vui khi phần lớn người lao động đều có thưởng Tết, cho thấy nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong một năm nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Trong số 1.771 doanh nghiệp đã gửi báo cáo về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, có 1.676 doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng Tết, 95 doanh nghiệp còn lại vẫn chưa xác định mức thưởng cụ thể. Trung bình, mỗi người lao động tại Bình Dương sẽ nhận mức thưởng Tết khoảng 8,77 triệu đồng/người. Trong đó, mức thấp nhất là 4,96 triệu đồng/người, áp dụng cho lao động có thâm niên đủ 12 tháng.
Nhưng, ngày xuân rồi sẽ qua nhanh! Những công nhân lao động rồi sẽ lại chen lấn trên những chuyến xe lèn chặt người, trở lại guồng quay cũ với khoản tiền thưởng đã cuốn theo chiều... Tết! Thế nên, chăm lo cho họ không nên chỉ là những hoạt động ồn ã mỗi dịp lễ, Tết, không đơn giản là tiền thưởng mà phải là chuyện dài hơi!
Một thủ phủ công nghiệp khác của cả nước là Đồng Nai, hàng trăm doanh nghiệp cũng đã công bố mức thưởng Tết năm nay. Công ty Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) dự kiến chi hơn 600 tỉ đồng thưởng Tết cho gần 40.000 lao động; mức thưởng dao động từ một tháng lương cho lao động làm đủ một năm, đến hai tháng lương cho lao động lâu năm. Công ty Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) sẽ chi hơn 340 tỉ đồng thưởng Tết cho gần 18.000 lao động từ 1-2,2 tháng lương, tăng khoảng 10% so với năm trước. Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), có khoảng 36.000 lao động, tổng số tiền thưởng Tết là hơn 500 tỉ đồng, mức thưởng thấp nhất là một tháng lương, cao nhất là 1,5 tháng lương; ngoài ra, công ty cũng tăng lương cho tất cả lao động 100.000 đồng/người.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thưởng Tết năm 2025 nhìn chung sẽ cải thiện hơn năm trước và tiếp tục tăng ở các doanh nghiệp FDI hoặc các tập đoàn lớn. Trong đó, một số nhóm doanh nghiệp dệt may, da giày, dịch vụ, logistics... sẽ “thưởng khá” nhờ có thêm nhiều đơn hàng ổn định đến hết quí 1-2025. Chắc chắn rằng, với những người lao động ở các công ty này, thưởng Tết không chỉ là phần thưởng cho sự cố gắng mà còn là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn lao. Niềm vui khi nhận thưởng chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những ngày tháng làm việc chăm chỉ suốt một năm qua.
Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ nhận được mức thưởng đáng khích lệ. Dù không thể so sánh với các doanh nghiệp lớn về mức độ “hoành tráng”, nhưng phần thưởng này cũng góp phần giúp cho người lao động cảm thấy vui vẻ, an tâm đón Tết.
Một niềm vui nữa là như thông lệ, đây đó vẫn có mức thưởng Tết “chót vót”! Theo công bố đến giờ này, TPHCM đang dẫn đầu với số tiền thưởng hơn 1,9 tỉ đồng cho một cá nhân làm việc ở doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, có đơn vị ở Bình Dương thưởng cao nhất là 375 triệu đồng; ở Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu là 300 triệu đồng; ở Đồng Nai là 100 triệu đồng... Đây dù chỉ là những trường hợp cá biệt song cũng cho thấy trong khó khăn chung của nền kinh tế, có những doanh nghiệp hồi phục ngoạn mục, làm ăn rất tốt.
Số người được thưởng cao đến trăm triệu đồng như vậy không nhiều, phần lớn nhận thưởng tương đương 1-2 tháng lương. Mức thưởng giữa các ngành nghề, khu vực, thậm chí trong cùng một doanh nghiệp, cùng một lĩnh vực cũng có sự chênh lệch lớn. Bên cạnh đó, nhiều người không được thưởng vì đã mất việc hoặc bởi doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, doanh nghiệp giải thể, phá sản... nên không thưởng. Đó là người lao động của hơn 173.000 doanh nghiệp đã rời thị trường trong 11 tháng đầu năm 2024!
Một vấn đề đáng lưu tâm khác là lao động tự do, bao gồm các công nhân trong các ngành xây dựng, xe ôm, bán hàng rong, hoặc người làm dịch vụ... Đối với họ, Tết là khoảng thời gian không có thu nhập ổn định, không có phúc lợi hay thưởng Tết. Dù họ cũng vất vả, làm việc quanh năm, nhưng chẳng có cơ hội để được thưởng Tết, thậm chí chỉ mong có một khoản tiền nhỏ để trang trải cuộc sống dịp Tết. Bức tranh thưởng Tết vì thế còn chứa đựng cả những gam màu buồn!
Nỗi buồn sẽ lớn hơn khi giá cả hàng hóa, thực phẩm thường đắt đỏ hơn trong dịp cuối năm. 59% công nhân không có một đồng tích lũy, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2022, đến nay nếu có thay đổi thì có lẽ cũng chỉ lên xuống chút đỉnh. Họ sẽ buộc phải co kéo, tính toán xem đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối, có dư đồng nào mua tấm áo mới cho con... dịp Tết đến xuân về.
Nhưng, ngày xuân rồi sẽ qua nhanh! Những công nhân lao động rồi sẽ lại chen lấn trên những chuyến xe lèn chặt người, trở lại guồng quay cũ với khoản tiền thưởng đã cuốn theo chiều... Tết! Thế nên, chăm lo cho họ không nên chỉ là những hoạt động ồn ã mỗi dịp lễ, Tết, không đơn giản là tiền thưởng mà phải là chuyện dài hơi!
Phía doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc tích cực, cân nhắc các chính sách phúc lợi lâu dài để xây dựng niềm tin và sự gắn bó của người lao động. Từ phía các nhà hoạch định chính sách, sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn là các vấn đề chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phát triển công bằng, bền vững và bao trùm, đến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... Đây là những bài toán lớn mà Nhà nước phải giải quyết “để Việt Nam tươi sắc đào xuân” (tựa đề một báo cáo của Ngân hàng Thế giới), trở thành quốc gia thịnh vượng và mọi người dân, trong đó có người lao động, đều được thụ hưởng thành quả đó.