Nỗi niềm 'mất quê hương'

Cảm giác 'mất quê hương' khi sáp nhập tỉnh là phản ứng tâm lý tự nhiên, dễ hiểu. Quê hương là nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ, những mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; là không gian văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Sự thay đổi về tên gọi, về bộ máy hành chính, thậm chí là sự xáo trộn trong nhịp sống quen thuộc có thể tạo ra cảm giác hụt hẫng.

Ai cũng có cảm giác lo lắng về việc bản sắc văn hóa địa phương, vốn được vun đắp qua bao thế hệ, sẽ bị phai nhạt hoặc thậm chí bị hòa tan trong một đơn vị hành chính lớn hơn. Họ có thể cảm thấy mất đi sự gắn kết với những biểu tượng quen thuộc, những địa danh thân thương đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức và đời sống tinh thần của mình.

Nỗi lo về những thay đổi trong thủ tục hành chính, trong việc tiếp cận các dịch vụ công cũng là một yếu tố khiến người dân có thể e ngại rằng việc sáp nhập sẽ dẫn đến sự phức tạp, rườm rà hơn trong các giao dịch với chính quyền, hoặc cảm thấy bị "ra rìa" khi trung tâm hành chính chuyển đến một địa điểm xa xôi hơn.

Thậm chí ở một khía cạnh nào đó, cảm giác "mất quê hương" còn liên quan đến sự gắn bó với một cộng đồng nhỏ, nơi mọi người biết đến nhau, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Khi sáp nhập, cộng đồng này có thể trở nên lớn hơn, loãng hơn, và người dân có thể cảm thấy mất đi sự gần gũi, thân thuộc vốn có.

Nỗi niềm này, tuy xuất phát từ tình cảm sâu sắc với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, nhưng cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, đặc biệt dưới quan điểm mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh "đất nước là quê hương".

Tổng Bí thư đã mang đến một góc nhìn rộng lớn và thống nhất hơn về khái niệm quê hương. Khi khẳng định "là người Việt Nam thì quê hương đều là Việt Nam", Tổng Bí thư đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, đồng thời nhấn mạnh đến sự thống nhất, toàn vẹn của lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Quan điểm này không phủ nhận tình cảm gắn bó của mỗi người với nơi mình sinh ra và lớn lên, mà muốn hướng đến một nhận thức sâu sắc hơn về Tổ quốc. Mỗi tỉnh thành, mỗi vùng miền đều là một phần không thể tách rời của Việt Nam, đều đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc. Dù có sự thay đổi về mặt hành chính, thì những giá trị văn hóa, lịch sử, những nét đặc trưng của từng địa phương vẫn sẽ tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam.

Vậy làm thế nào để hài hòa giữa tình cảm gắn bó với quê hương cụ thể và nhận thức về một Việt Nam thống nhất? Điều quan trọng là cần có sự minh bạch, dân chủ trong quá trình sáp nhập. Chính quyền các cấp cần lắng nghe ý kiến của người dân, giải thích rõ ràng về những lợi ích và thách thức của việc sáp nhập, đồng thời có những giải pháp phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương cần được đặc biệt chú trọng. Dù có sự thay đổi về tên gọi hay bộ máy hành chính, những giá trị văn hóa truyền thống, những di sản lịch sử, những phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi địa phương cần được giữ gìn và phát triển. Điều này không chỉ giúp người dân cảm thấy an tâm hơn về "quê hương" của mình mà còn góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, vào các dịch vụ công ở các địa phương sau khi sáp nhập, đảm bảo rằng người dân ở mọi nơi đều được hưởng những lợi ích từ quá trình này. Việc tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa các vùng miền cũng sẽ giúp người dân cảm thấy gắn bó hơn với quê hương mới, nơi họ có thể tìm thấy những cơ hội để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhìn về tương lai, việc sáp nhập tỉnh là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước, là một giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở mọi miền Tổ quốc.

Quan điểm "quê hương là Việt Nam" của Tổng Bí thư Tô Lâm là một định hướng quan trọng, giúp chúng ta vượt qua những cảm xúc cục bộ, hướng đến một tầm nhìn rộng lớn hơn về sự thống nhất và phát triển của đất nước.

"Mất quê hương" chỉ là một cảm giác nhất thời, còn "Việt Nam" sẽ mãi là Tổ quốc thiêng liêng, là nơi mỗi người chúng ta thuộc về.

Việt Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/noi-niem-mat-que-huong-210244.html
Zalo