Nỗi niềm của khách thuê Airbnb
Ngày cuối ở London. Trả chìa khóa cho con gái bà chủ nhà, bước ra khỏi căn hộ Airbnb mà mình đã ở cả tuần, cảm giác buồn vui khó tả. Và tôi chợt nhận ra hàng loạt vấn đề của ngành công nghiệp chia sẻ Airbnb. Đặc biệt là khi khách thuê dường như đã bị bỏ quên ở hầu hết các thị trường…

Islington là khu nội đô “nhà giàu” của thủ đô London. Chính quyền London có nhiều quy định quản lý chặt chẽ các căn nhà, căn hộ cho thuê ngắn hạn Airbnb từ năm 2017 và tiếp tục siết chặt trong năm 2025. Ảnh: Ricky Hồ
1. Mùa thu năm 2023 là lần đầu tiên tôi sử dụng Airbnb cho suốt hành trình của mình. Và lần đầu tiên, tôi cảm thấy không gian của mình bị xâm phạm, các tiện ích bị cắt xén…
Đó là khi cái vòi sen trong phòng tắm bất thần rớt xuống đầu khi tôi đang tắm. Bà Ru - chủ nhà - phóng xe như bay từ chỗ làm về nhà. Bà có vẻ lo tôi bị thương, nhưng trong giọng nói lại toát vẻ không hài lòng, như kiểu tôi cố ý phá hư cái vòi sen. Bà trưng ra bằng chứng là clip của công ty an ninh cho thấy tôi là người vào tắm sau cùng, rồi có tiếng rầm khá lớn, tiếng nước tuôn xối xả và tôi chạy ra ngoài.
Tôi e dè nhìn bà chủ nhà: “Vậy là thấy hết rồi hả?”. Lúc đó tôi mới biết Ru giám sát khách 24/24 qua camera. Ru cười ha ha: “Yên tâm, phòng tắm và phòng ngủ không có máy quay”.
Lúc đó, tôi nhất quyết không nhận lỗi là mình cố tình làm hư vòi sen, nói sẵn sàng dọn ra và chính thức phàn nàn với Airbnb, với city council (chính quyền địa phương). Ru lúc này mới có vẻ xuống nước…
Cũng như Paris hay New York, London quản chủ nhà cho thuê trên Airbnb rất chặt, như chuyện đòi hỏi chủ phải ở tại nơi cho thuê. Bà Ru ở với gia đình ở một căn khác, chạy qua lại giữa hai bên. Ở căn cho thuê, Ru ở căn phòng được thiết kế tách biệt với hai căn phòng còn lại, có nhà bếp riêng và phòng vệ sinh, phòng tắm riêng. Ngoài Ru ra, không ai sử dụng khu nhà bếp này, mà về mặt lý thuyết, khách được quyền dùng chung. Khách ở hai phòng kia phải dùng chung nhà tắm và nhà vệ sinh. Ru cũng dùng tủ quần áo trong phòng của khách để chứa đồ của riêng mình.
Ru dặn tôi rất kỹ là không nên chào hỏi, nói chuyện thân thiết với hàng xóm xung quanh hay gặp trên đường gần nhà. Lý do: Dân ở đây không ưa gì Airbnb, họ phàn nàn với chính quyền thì xem như công việc cho thuê phòng của Ru gặp khó…
2. Airbnb thành lập ở Mỹ năm 2008, đến năm 2012 mới mở văn phòng ở London.
Nhưng chính quyền ở đây chỉ thực sự quản lý các hoạt động của Airbnb từ năm 2017, xoay quanh nguyên tắc chính là không được cho thuê quá 90 ngày mỗi năm và không cần giấy phép quy hoạch nếu dưới thời gian này. Nếu cho thuê quá 90 ngày mà không xin phép, chủ nhà sẽ phải đối diện với án phạt lên đến 20.000 bảng. Chính quyền cũng siết chặt việc thu thuế, chủ nhà chỉ được miễn thuế nếu thu nhập từ tiền cho thuê dưới 7.500 bảng trong năm…
Tháng 9-2024, hãng kiểm toán Ernst & Young công bố khảo sát cho thấy Airbnb tác động ít hoặc không đáng kể đến giá nhà hoặc giá thuê nhà ở Anh. Một nghiên cứu trước đó của trường Kinh doanh London (LSE) nói số lượng căn hộ, nhà cho thuê ngắn hạn gia tăng có thể khiến giá nhà tăng nhẹ ở London, nhất là khu vực trung tâm.
Báo cáo của Central London Forward - chương trình đối tác của chính quyền địa phương ở khu trung tâm London - công bố đầu tháng 5-2025 cho thấy hơn 50% trong tổng 117.000 căn hộ cho thuê ngắn hạn tại London trong năm 2024 đã vi phạm nguyên tắc “90 ngày”. Điều này có nghĩa chính quyền không quản lý hiệu quả và làm mất hơn 50% doanh thu thuế…
Dự kiến từ giữa năm 2025 này, chính quyền sẽ siết chặt hơn các quy định về an toàn (như báo cháy, bình chữa cháy, cửa thoát hiểm, kiểm tra điện và khí đốt định kỳ), bảo hiểm, thuê công ty quản lý… Airbnb cũng đang thảo luận với các chủ nhà về chương trình cho thuê dài hạn hơn, cho phép người khác thuê lại để kinh doanh. Người đi thuê lại phải chia sẻ 10-25% doanh thu với chủ nhà. Trước đó, cho thuê lại bị cấm.
3. Thật ra, tôi cũng có nhiều lần trải nghiệm “rất đáng nhớ” ở Melbourne và TPHCM, với Airbnb và các hình thức cho thuê ngắn hạn tương tự.
Ở Melbourne, đó là lần đến thăm gia đình một người bạn ở một khu chung cư cho thuê dài hạn lẫn ngắn hạn trong một đêm mùa đông. Tôi và họ đã chạy thang bộ từ tầng 10 xuống đất khi nghe tiếng chuông báo cháy giả. Tôi mặc sẵn quần áo ấm nên không sao, còn họ đang phong phanh đồ ngủ trong tiết trời gần 0 độ.
Ở TPHCM, là khi thuê căn hộ trong một chung cư ở Phổ Quang - gần sân bay Tân Sơn Nhất. Chuông báo cháy reng vài lần mỗi ngày, rất phiền do cư dân nấu nướng vô tư… Một số nền tảng cho thuê như Agoda hay Booking.com không nhận thanh toán trước, khách phải thanh toán trực tiếp với chủ nhà. Có trường hợp, chủ nhận booking xong nhưng đến sát giờ giao phòng thì lại báo khách “thông cảm” tìm nơi khác.
Airbnb và các nền tảng của nền kinh tế chia sẻ không còn thịnh như hồi mới ra đời. Các nền tảng này cần đổi mới, để đáp ứng hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Và tất cả phải cùng thay đổi trong mối quan hệ hỗ tương này.
Ngành bất động sản, các sở du lịch và xây dựng TPHCM đang kiến nghị một cơ chế quản lý thích hợp đối với hình thức cho thuê ngắn hạn kiểu Airbnb. Cũng có người đề xuất thành lập Hiệp hội Airbnb, với sự tham gia của đại diện một số chủ các căn hộ, với khung quy định rõ ràng…
Sự tách bạch nơi nào được phép hoặc không được phép cho thuê, cho thuê nguyên căn hoặc chủ nhà phải ở tại nơi cho thuê… cùng các điều kiện kèm theo có ý nghĩa rất quan trọng.
Sự đóng góp của khách thuê, dù ngắn hay dài hạn, cho sự phát triển của Airbnb, kinh tế du lịch địa phương thông qua doanh thu và tiền thuế cần được quan tâm đúng mức. Bởi không có họ thì không có Airbnb, nhu cầu mua nhà để cho thuê tăng trưởng chậm lại, và thị trường bất động sản đang trầm lắng sẽ còn tĩnh lặng hơn.
Từ trước đến nay, ở nhiều nước, người thuê Airbnb chỉ được xem là khách (guest), và không được bảo vệ như người thuê lâu dài (tenant). Họ bị đối xử như là những người đem lại sự phiền phức, ồn ào, chiếm dụng “vô lý” các phương tiện công cộng ở chung cư như hồ bơi, phòng gym…
Ở nhiều nước, đã có các hiệp hội của chủ nhà cho thuê hay công ty quản lý. Nhưng chưa có một cơ quan hay tổ chức bảo vệ lợi ích hay quyền riêng tư hợp pháp của khách. Chẳng hạn, chủ nhà được phép lắp camera ở đâu, ai duyệt kế hoạch này, và chủ phải thông báo rõ ràng với khách, với quản lý tòa nhà và chính quyền địa phương… Ai sẽ được xem camera và băng ghi hình sẽ được lưu trữ trong bao lâu…
Khách thuê đang trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trên nhiều mặt trong ngành công nghiệp Airbnb, như lợi ích, quyền riêng tư, quyền bảo mật hình ảnh… trước một “rừng” các quy định ngày một dày của chủ nhà, Airbnb, ban quản lý tòa nhà, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý…
Họ chỉ có một “vũ khí” duy nhất trong tay: quyền lên tiếng bằng cách đăng nhận xét (review) trên Airbnb. Cuối cùng là “quyền” không quay lại “nơi đáng nhớ” nữa!