Nỗi niềm bác sĩ pháp y
Chữa bệnh cứu người luôn là niềm tự hào của mỗi người thầy thuốc. Thế nhưng, với bác sĩ pháp y, công việc họ làm lại đặc thù với những 'bệnh nhân' đặc biệt.

Bác sĩ pháp y Nguyễn Xuân Quảng (thứ hai bên phải) luôn cẩn thận, tỉ mỉ với từng kết quả giám định
Khi bệnh nhân là nạn nhân
Công việc của bác sĩ Nguyễn Xuân Quảng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Pháp y Hải Dương không có giờ bắt đầu, cũng chẳng có mốc kết thúc. Hễ chuông điện thoại reo là bác sĩ Quảng lập tức lên đường. Điểm đến có thể là bệnh viện nhưng có khi là hiện trường vụ án. “Lúc nào cũng phải trong tâm thế sẵn sàng, không được phép do dự, chần chừ và phải vượt lên giới hạn thông thường”, bác sĩ Quảng chia sẻ chuyện nghề bằng lời khẳng định chắc nịch như vậy.
Trước đây, anh Quảng học bác sĩ đa khoa định hướng pháp y. Từ năm 2006, anh công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương ở Khoa Xét nghiệm, giải phẫu bệnh. Năm 2021, khi Trung tâm Pháp y tỉnh được thành lập, bác sĩ Quảng được điều chuyển về đây.
Trung tâm Pháp y tỉnh nằm tại con phố Bắc Kinh (TP Hải Dương) nhộn nhịp, đông đúc thế nên không tránh khỏi ánh mắt nghi ngại, dò xét của người dân xung quanh. Bác sĩ Quảng cười nói: “Nhiều người cứ nghĩ chúng tôi mang tử thi về đây mổ nhưng không phải vậy và công việc của chúng tôi cũng đâu chỉ có thế”.
Gần 20 năm theo nghề y và gần 5 năm chuyên tâm với công việc tại Trung tâm Pháp y tỉnh, anh Quảng trải hết những vất vả, khó khăn song cũng đầy trách nhiệm và tự hào của bác sĩ pháp y.
Khác với bác sĩ chuyên khoa khác, chỉ cần đem hết năng lực để cứu chữa bệnh nhân còn với bác sĩ pháp y, "bệnh nhân" của họ phần nhiều là nạn nhân nên ngoài chuyên môn vững vàng, nghiệp vụ chắc chắn thì các bác sĩ pháp y còn phải rèn luyện “tinh thần thép”.
Bác sĩ Quảng cho hay pháp y không chỉ thực hiện giám định căn cứ trên cơ sở khoa học mà mỗi hồ sơ vụ án còn là cả một câu chuyện khác nhau. Kết quả pháp y là chứng cứ xác đáng phục vụ cơ quan tố tụng thực thi công lý nên đòi hỏi bác sĩ pháp y phải cẩn thận, tỉ mỉ đánh giá, giám định khách quan, chân thực. Nếu chủ quan, định tính sẽ dẫn tới sai lệch trong điều tra, có thể gây ra oan sai. “Có những vụ án, tài liệu, bệnh án nặng đến 5 - 6 kg nhưng chúng tôi vẫn phải nghiên cứu kỹ lưỡng, không được qua loa để xảy ra sai sót. Hơn nữa, khi thấu hiểu, đồng cảm với từng hoàn cảnh, chúng tôi càng phải tận tâm, trách nhiệm”, bác sĩ Quảng chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Hoàng (bìa phải) đã gắn bó với công việc giám định pháp y gần 30 năm
Gần 30 năm theo nghề pháp y nên hơn ai hết, bác sĩ Nguyễn Đăng Hoàng thấm thía những khác biệt, đặc thù của công việc này. Anh Hoàng học bác sĩ đa khoa, những tưởng sẽ chỉ kê đơn, bốc thuốc nhưng nghề lại chọn người. Những kiến thức y khoa anh Hoàng học không để chữa bệnh mà phục vụ giám định, tìm ra lý lẽ, sự thật.
Để bám nghề, anh không ngừng trau dồi chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh, không ngại va chạm, thậm chí là sống trong sự đe dọa. Cũng theo bác sĩ Hoàng, công việc này rất dễ bị mua chuộc nếu như không tỉnh táo, giữ được cái đầu lạnh. “Người bị hại muốn kết quả giám định nặng hơn, còn người gây án lại mong nhẹ đi. Vì vậy, nếu bác sĩ pháp y không đủ tâm và tầm thì dễ làm đảo lộn kỷ cương pháp luật”, anh Hoàng kể.
Nhiều năm trong nghề, bác sĩ Hoàng không đếm xuể số lần tham gia giám định, khám nghiệm để đi tìm lẽ phải, công bằng. Song vụ án khiến anh khó quên với nhiều suy tư, trăn trở nhất xảy ra gần 20 năm trước tại xã Thăng Long (Kinh Môn). Từ hiện trường vụ án, lực lượng chức năng bước đầu xác định nguyên nhân nạn nhân tử vong do tự sát. Tuy nhiên, qua quan sát dấu vết trên cơ thể nạn nhân, anh Hoàng cho rằng bản thân nạn nhân không thể tự gây ra những vết thương như vậy. Sau những phán đoán, phân tích, cơ quan chức năng quyết định trưng cầu giám định.
Thời điểm đó, người nhà nạn nhân đang tiến hành tổ chức tang lễ. Kết quả giám định là căn cứ để cơ quan điều tra đấu tranh, tìm ra hung thủ chính là con trai nạn nhân. Chỉ vì muốn bảo vệ con trai mà người nhà của chính nạn nhân đã che giấu hành vi phạm tội bằng cách tạo hiện trường giả. Dù sự thật được phơi bày, công lý được thực thi, người có tội phải trả giá thích đáng song bác sĩ Hoàng vẫn tâm tư, trăn trở vì kết quả cuối cùng là điều không ai mong muốn. Anh trải lòng: “Những bác sĩ khác cứu sống người bệnh đều hãnh diện, tự hào, muốn khoe thành quả với mọi người. Còn với chúng tôi thì luôn âm thầm, lặng lẽ, sợ những ồn ào bởi công việc gắn với mảng tối, mặt trái của xã hội”.
Tâm tư chuyện nghề
Trung tâm Pháp y Hải Dương hiện có 4 bác sĩ, còn thiếu một nửa so với quy định. Tình hình trật tự xã hội phức tạp thì khối lượng công việc của các bác sĩ pháp y càng lớn. Vì tính chất công việc đòi hỏi độ chính xác cao, bác sĩ pháp y đối mặt với áp lực cao nên theo quy định, họ chỉ phải làm 6 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần. Thế nhưng chưa khi nào quy định này được thực hiện đúng. Không phải họ cố tình làm sai mà bởi nếu tuân thủ quy định thì quy trình tố tụng sẽ bị ảnh hưởng. Những đặc thù về nghề nghiệp khiến cho việc tuyển dụng bác sĩ pháp y rất khó khăn dù tỉnh dành mức đãi ngộ cao nhất để thu hút. Hiện bác sĩ pháp y trẻ nhất tại trung tâm cũng đã ngoài 40 tuổi.

Khối lượng công việc của bác sĩ pháp y ngày càng lớn trong khi việc tuyển dụng lại khó khăn
Bác sĩ Quảng quá quen với các chuyến công tác đột xuất, xa nhà. Bất kể thời gian, ngày giờ hễ có vụ việc là tới hiện trường. Thậm chí, anh còn phải đi các tỉnh, thành phố khác để thực hiện nhiệm vụ. Bởi tai nạn, thương tích xảy ra trên địa bàn Hải Dương nhưng nạn nhân lại ở tỉnh ngoài thì vẫn phải tới tận nơi để giám định. Vì thế, đôi khi việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình cũng khiến bác sĩ pháp y phải suy nghĩ, trăn trở.
Còn với bác sĩ Hoàng cũng lắm chuyện buồn vui với nghề. Cũng chỉ vì định kiến nghề nghiệp mà trước đây anh bị bố mẹ bạn gái phản đối rồi họ đành phải chia tay. Hay đôi khi ra ngoài, giới thiệu làm nghề pháp y thì nhiều người còn dè dặt, ngại tiếp xúc. Có người còn ngại bắt tay, ngồi ăn cơm cùng. Và cũng có khi, bác sĩ pháp y cũng gặp rắc rối khi phải bảo vệ quyết định của chính mình trước tòa án vì nhiều trường hợp không đồng tình với kết quả giám định nên xảy ra kiện tụng.
Thế nhưng, vượt lên tất cả, anh Hoàng vẫn tâm huyết, bền bỉ bám nghề. Ngần ấy năm làm nghề, bác sĩ Hoàng luôn vững vàng, không để bất cứ điều gì chi phối. Những kết quả giám định công tâm, khách quan đã góp phần hỗ trợ đắc lực lực lượng chức năng điều tra, phá án.
Điều mà các bác sĩ tại Trung tâm Pháp y tỉnh luôn canh cánh, ngoài mong nhận được cái nhìn thiện cảm từ xã hội thì quan trọng hơn cả là điều kiện làm việc để họ an tâm bám trụ với nghề. Trung tâm Pháp y của Hải Dương là một trong những trung tâm thành lập muộn trên cả nước. Dù vậy, cơ sở vật chất của trung tâm còn thiếu thốn, khó khăn. Trụ sở trung tâm được trưng dụng từ đơn vị khác nên không bảo đảm công năng. Mặt khác trung tâm nằm ở khu phố chật hẹp nên việc đưa người tới giám định, nhất là trường hợp thương tích nặng không thuận tiện. Dù công việc giám định cần sự cơ động, khẩn trương song trung tâm vẫn chưa được bố trí xe công.

Hiện điều kiện làm việc của Trung tâm Pháp y tỉnh vẫn còn khó khăn, hạn chế
Mặc dù nhân lực thiếu song đội ngũ bác sĩ, chuyên viên tại Trung tâm Pháp y tỉnh có đủ năng lực, chuyên môn để thực hiện các kỹ thuật y tế phục vụ công tác giám định. Thế nhưng, do thiếu thốn thiết bị, máy móc, trung tâm phải phối hợp với các cơ sở y tế khác làm xét nghiệm, chụp chiếu. Việc không chủ động trong các khâu sẽ ảnh hưởng tới thời gian giám định, có thể làm gián đoạn quy trình tố tụng. Đây là hạn chế lớn cần sớm được tháo gỡ để ngành pháp y tỉnh nhà tạo dựng được niềm tin, chỗ đứng.
Mỗi năm, Trung tâm Pháp y Hải Dương thực hiện hơn 600 ca giám định thương tật, xâm hại, bệnh lý… Ngoài ra, các bác sĩ tại trung tâm còn phối hợp giám định cùng các cơ quan khác để phục vụ công tác điều tra, tố tụng.
Tuy vẫn còn khó khăn nhưng các bác sĩ pháp y vẫn tận tâm, tận lực để đấu tranh cho lẽ phải và công bằng.