Nơi lưu giữ một phần lịch sử
Tọa lạc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến (UBHCKC) Nam Bộ là một trong những địa chỉ đỏ quan trọng để giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam Bộ đã được lưu lại tại khu di tích.
Nơi lưu giữ truyền thống
Từ năm 1946-1949, Đồng Tháp Mười trở thành căn cứ kháng chiến của Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ với trung tâm là trục kinh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Tân An (nay thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Khu vực này đã trở thành “Việt Bắc của miền Nam” với sự hiện diện của các cơ quan lãnh đạo cách mạng cấp xứ, cấp khu, cấp tỉnh.
Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra nơi đây như Đại hội đại biểu Xứ ủy Nam Bộ, nơi thành lập đài phát thanh Nam Bộ đầu tiên, nơi ra đời phim tư liệu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam,...
Khu vực này còn mang đậm dấu ấn của nhiều chiến công vang dội: Chiến thắng Mộc Hóa, chiến thắng kinh Bùi, cùng sự nổi tiếng của Tiểu đoàn chủ lực 307 với bài hát Tiểu đoàn 307 làm rung động lòng người, Tiểu đoàn 404, Trung đoàn 120,... vang danh cả nước.
Trong khu di tích, ngoài các hình ảnh, hiện vật được trưng bày, những căn chòi phục dựng nơi ở, làm việc của các lãnh đạo cách mạng miền Nam thực sự tạo ấn tượng với du khách. Trong đó, ngôi nhà đồng chí Lê Duẩn từng ở và làm việc được phục dựng ngay trên nền nhà cũ. Ngôi nhà nhỏ, gọn gàng, đậm nét Nam Bộ. Phần lớn diện tích ngôi nhà được vợ chồng ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én nhường lại cho đồng chí Lê Duẩn sống và làm việc.
Gia đình che thêm căn chái nhỏ để nghỉ ngơi và nấu ăn, chăm lo việc ăn uống cho đồng chí. Không chỉ có ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én, nhiều người dân Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ đều hết lòng chở che cho cách mạng.
Gần như mỗi nhà dân đều là một căn cứ bí mật của cách mạng ta: UBKCHKC Nam Bộ đóng tại nhà ông Hồ Văn Mười, Phòng bào chế y dược của Sở Y tế Nam Bộ được đặt tại nhà ông Trần Văn Châu, Nhà in Nam Bộ đóng tại nhà bà Bùi Thị Luận,...
Tiềm năng du lịch
Dưới bóng cây rợp mát, bên dòng kênh Dương Văn Dương, khu di tích được xây dựng khoảng 3ha với nhiều hạng mục công trình: Nhà trưng bày, các khu nhà tái hiện nơi ở và làm việc của các các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng,... Các hiện vật, tư liệu trưng bày tại khu di tích phần nào giúp du khách hình dung rõ hơn về cuộc sống và hoạt động của các chiến sĩ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từng cùng đồng nghiệp về nguồn tại Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ, anh Nguyễn Thanh Bình (phường 1, TP.Tân An) chia sẻ: “Chúng tôi dành khá nhiều thời gian tham quan phòng trưng bày để đọc và xem các thông tin, hình ảnh tại đây. Qua đó, tôi cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử”.
Bên cạnh giá trị lịch sử, Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong không gian rợp mát bên cạnh “con kênh xanh xanh”, khu di tích mang đến cho khách tham quan cảm giác được hòa mình vào cảnh yên bình của vùng quê.
Bên cạnh tìm hiểu và tự hào về lịch sử, du khách có thể kết hợp thăm các điểm du lịch sinh thái trong cùng khu vực để có thể hiểu hơn về đất và người vùng Đồng Tháp Mười.
Thông tin từ Ban Quản lý di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ, mỗi năm, khu di tích đón khoảng 700 lượt khách tham quan, chủ yếu là các đoàn cán bộ, đoàn viên và học sinh.
Trong năm 2023, Huyện đoàn Tân Thạnh phối hợp Ban Quản lý thực hiện công trình số hóa tại khu di tích. Bảng mã QR được đặt tại không gian phòng trưng bày, du khách có thể quét mã để tìm hiểu các thông tin về khu di tích./.
Mộc Châu
(*) Tài liệu tham khảo:
- Căn cứ Xứ ủy Hành chính Kháng chiến Nam Bộ (Trang thông tin điện tử huyện Tân Thạnh)
- Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ (trang web https://www.mylongan.vn)