Nỗi lòng nơi đầu mặn, cuối ngọt

Đỉnh Bàn vốn được biết đến như 'xã trăm nghề', bởi theo như cách nói của các cụ cao niên nơi đây, ở vùng đầu mặn, cuối ngọt này nghề gì cũng có, từ nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến thợ nền, thợ mộc… Vậy mà cuộc sống bao đời nay của người dân ở đây vẫn lam lũ. 'Không khó sao được, mười mấy năm qua, chúng tôi có được làm gì đâu', ông Nguyễn Phúc Khiển một lão nông ở thôn Văn Sơn (Đỉnh Bàn) trải lòng.

Đa phần đất lúa ở Đỉnh Bàn (Thạch Hà) chỉ làm được một vụ do đất cát bạc màu và thiếu nước sản xuất.

Đa phần đất lúa ở Đỉnh Bàn (Thạch Hà) chỉ làm được một vụ do đất cát bạc màu và thiếu nước sản xuất.

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường trục chính của xã dài chừng 3km, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) Phạm Công Tùng giới thiệu một cách nhanh gọn về tình hình sản xuất của bà con: "Toàn xã có hơn 300ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hơn 150ha nuôi trồng thủy sản và 49,2ha đất làm muối. Do cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp yếu kém, địa phương lại không có hệ thống cấp nước thủy lợi nên hiệu quả sản xuất chẳng đáng là bao".

Khó tứ bề

Chúng tôi dừng chân tại đồng muối thôn Vinh Sơn (Đỉnh Bàn), nơi đang có lác đác vài bóng diêm dân khom người, cặm cụi sửa ô nại trên cánh đồng muối đang bị bao phủ bởi lau lách, cỏ dại mọc um tùm.

Ông Tùng cho biết: Xã Thạch Bàn cũ được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước, với mục tiêu ban đầu là kiến tạo nên những xóm làng trù phú, chuyên sản xuất muối phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Cũng như nghề làm muối, cuộc sống của những diêm dân ở đây trải qua nhiều thăng trầm, dẫu đã nếm trải đủ vị chát đắng của hạt muối nhưng trước nhu cầu “cơm, áo, gạo, tiền”, nghề sản xuất muối không nuôi nổi người làm muối nên diêm dân phải bỏ nghề, thành ra nghề muối cũng dần dần mai một.

Hơn 100ha đất làm muối ở Đỉnh Bàn đang bị hoang hóa.

Hơn 100ha đất làm muối ở Đỉnh Bàn đang bị hoang hóa.

"Vào thời cao điểm, bình quân chúng tôi sản xuất được một tạ muối/ngày. Với giá bán ít ỏi, tính ra mỗi ngày chúng tôi thu nhập được hai trăm ngàn đồng”, ông Nguyễn Văn Hồng ở thôn Vinh Sơn cho biết.

Cũng theo chia sẻ của ông Hồng do thu nhập thấp nên hiện nay chỉ có người già, những lao động không còn sức khỏe để lên thành phố làm nghề phụ hoặc họ còn lưu luyến với nghề truyền thống của địa phương nên phải cố theo nghề.

Từ năm 2005 trở về trước, diện tích sản xuất muối toàn xã đạt 120ha, càng dần về sau diện tích giảm hẳn, còn 30-40ha. Những năm gần đây, số gia đình tham gia làm nghề giảm hẳn, diện tích bỏ hoang vì thế cũng nhiều lên. Năm 2024, diện tích sản xuất muối toàn xã còn 2,4ha.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đỉnh Bàn cho biết thêm, từ trước đến nay cũng đã có những mô hình, phương pháp sản xuất muối tân tiến được du nhập vào địa phương nhưng do chi phí đầu tư ban đầu khá cao, trong khi đó, nghề muối phụ thuộc vào thời tiết, thị trường thiếu ổn định nên không thể nhân rộng được các mô hình sản xuất mới.

Theo ông Phạm Công Tùng, không riêng gì sản xuất muối, các phương thức sản xuất mới khi du nhập về đây rất khó duy trì, phát huy hiệu quả do điều kiện đặc thù của địa phương.

Không riêng gì sản xuất muối, các phương thức sản xuất mới khi du nhập về đây rất khó duy trì, phát huy hiệu quả do điều kiện đặc thù của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đỉnh Bàn Phạm Công Tùng

Điển hình như, năm 2000, một tổ chức phi chính phủ đã tài trợ các hộ dân ở xã Thạch Bàn cũ 8 tỷ đồng để triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản biển và nước lợ. Đây là một dự án mang tính nhân văn hướng đến mục tiêu giúp người dân thoát nghèo.

Thế nhưng, mọi kỳ vọng “đổi đời” của người dân tham gia nuôi tôm ở đây bị cuốn trôi bởi trình độ kỹ thuật hạn chế; “mạnh ai nấy làm” nên nuôi vụ nào “thất bát” vụ đấy. Cứ thế, nợ chồng nợ, người dân đành phải dứt bỏ con tôm tìm nghề khác.

Từ đó đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cũng đã tìm về Đỉnh Bàn “kết duyên” cùng con tôm, nhưng do sản xuất tự phát nên đa phần người nuôi thất bại, người làm ăn khấm khá chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Thủy sản, diêm nghiệp đã khó, nghề nông lại còn khó hơn. Trong tổng số hơn 300ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất lúa một vụ chiếm gần ⅔ đất canh tác, diện tích trồng màu còn lại hiệu quả thấp”. Bí thư Đảng ủy xã Đỉnh Bàn Ngô Văn Ngọc trăn trở và cho biết thêm: Sản xuất nông nghiệp vốn đã phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, những năm gần đây, dưới tác động của dự án khai thác mỏ đã xuất hiện hiện tượng tụt mạch nước ngầm nên một số diện tích bị sa mạc hóa, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp không được đầu tư xây dựng nên đã xuống cấp, gây rất nhiều khó khăn trong công tác sản xuất.

Nợ chuẩn nông thôn mới

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo xã Đỉnh Bàn, do ảnh hưởng của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nên đến đầu năm 2015, khi có quyết định tạm dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, địa phương mới được phép triển khai xây dựng một số hạng mục thiết yếu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: trạm y tế, trường mầm non, tiểu học…

Cùng với việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới muộn, thiếu đồng bộ, địa phương lại nằm trong vùng trọng điểm của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nên suốt cả một quá trình dài xã Đỉnh Bàn không được đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất, thành ra theo như cách nói của các lão nông lam lũ nơi đây: “cây đã khô, lá lại càng khô”.

Bà Nguyễn Thị Châu ở thôn Thanh Long đang mỏi mòn vượt khó bên moong mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Bà Nguyễn Thị Châu ở thôn Thanh Long đang mỏi mòn vượt khó bên moong mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Tính đến thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để sáp nhập đơn vị hành chính xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn thành xã Đỉnh Bàn (2019) địa phương này còn nợ 8 tiêu chí và 14 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua các thời kỳ. Qua rà soát, đến thời điểm hiện nay, địa phương này vẫn chưa trả xong “nợ chuẩn nông thôn mới”.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân xã Đỉnh Bàn, toàn xã có 15,7km đường liên xã, trục xã và trục thôn, mặc dù tất cả mặt đường đều được nhựa và bê-tông hóa. Tuy nhiên, do các tuyến đường đã được xây dựng từ lâu, qua nhiều lần sửa chữa dắm vá, hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông và nhu cầu đi lại của người dân và các phương tiện. Cơ sở vật chất trường học thiếu và yếu, hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa ở các thôn chưa đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của người dân, trụ sở hành chính xã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu làm việc, hội họp của địa phương…

Theo giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo xã, chúng tôi có mặt tại gia đình ông Nguyễn Phúc Khiển ở thôn Văn Sơn (Đỉnh Bàn). Gia đình ông Khiến là một trong những hộ điển hình cho thực trạng ba, bốn cặp vợ chồng phải sống chung một nhà nhưng không được tách thửa, cấp đất vì nằm trong vùng khai thác mỏ sắt.

“Các chú có đi đâu thì cũng vẫn là những lời than thở thiếu nước sinh hoạt, đất đai bạc màu, không được cấp đất ở, không được tách thửa để “an cư lạc nghiệp”, ông Khiển mở đầu câu chuyện.

Theo ông Khiển, suốt nhiều năm qua, ngoài bí bách do phải ở tạm bợ trong không gian hẹp, đời sống của bà con chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhiều lúc muốn có sinh kế để vươn lên nhưng ngặt nỗi khi mang sổ đỏ đi vay vốn thì ngân hàng trả lời không đủ điều kiện để thế chấp vì thửa đất của gia đình đang nằm trong diện giải tỏa của dự án. “Không riêng gì gia đình chúng tôi, gần 1.000 hộ dân ở Đỉnh Bàn cũng đang chung cảnh này”, ông Khiển cho biết thêm.

45 hộ dân xóm Trại thôn Thanh Long (Đỉnh Bàn) đang sống khá biệt lập với bên ngoài do nằm trong vành đai khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

45 hộ dân xóm Trại thôn Thanh Long (Đỉnh Bàn) đang sống khá biệt lập với bên ngoài do nằm trong vành đai khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Qua tìm hiểu được biết, không riêng gì ông Khiến và các hộ dân ở xã Đỉnh Bàn, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân nằm trong khu vực khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở các xã: Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Lạc… cũng đang sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” trong cả một thời gian dài.

Trăn trở trước cuộc sống khó khăn của bà con, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cấp có thẩm quyền sớm xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đối với các xã thuộc ảnh hưởng vùng quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê; đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ đời sống sản xuất; hỗ trợ các chính sách về kích cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giới thiệu liên kết đầu ra tiêu thụ sản phẩm để nhân dân sản xuất có hiệu quả, mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân…

Tuy vậy, những kiến nghị đề xuất này vẫn đang nằm trên giấy bởi trên thực tế xã Đỉnh Bàn đang nằm trong vùng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Vì quyết định cuối cùng về số phận của mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này vẫn chưa được đưa ra nên cuộc sống lam lũ bên moong mỏ của người dân nơi đây chưa biết đến bao giờ mới được cải thiện?

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/noi-long-noi-dau-man-cuoi-ngot-post819145.html
Zalo