Nỗi lòng của những người không mong Tết...

Tết đã gần kề nhưng với những người lao động nghèo tại xóm trọ dưới chân cầu Long Biên thì nhịp sống vẫn không có gì thay đổi, vẫn phải cực nhọc lao động để kiếm sống. Về quê đón Tết đối với họ là một ước mơ xa vời.

Ngày Tết là khoảng thời gian mà những người thân được sum họp, đoàn tụ, đầm ấm bên nhau nhưng đâu đó ngoài kia vẫn còn những người lao động nghèo, những mảnh đời bất hạnh không thể về quê đón Tết.

Quanh xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) những ngày này, không khí có phần ảm đạm, thay vì háo hức vì sắp được về quê đón Tết thì tâm trạng của nhiều người lại buồn thiu và lo lắng.

Xóm trọ này là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân. Đa phần những gia đình ở đây làm các công việc như cửu vạn, xe ôm, bán hoa quả dạo, nhặt phế liệu… để kiếm sống qua ngày.

Khung cảnh xóm trọ nghèo vào dịp cận Tết.

Khung cảnh xóm trọ nghèo vào dịp cận Tết.

Một góc của xóm trọ nghèo dưới gầm cầu Long Biên.

Một góc của xóm trọ nghèo dưới gầm cầu Long Biên.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, bà Trần Thị Đa (77 tuổi) cho biết, trước kia bà cũng có sức khỏe và gia cảnh tốt, thế nhưng cuộc đời bà lại gặp biến cố, bà một mình nuôi cậu con trai mắc bệnh tâm thần. Không sống được tại quê nhà, bà Đa đành phải lên Hà Nội nhặt phế liệu kiếm sống.

Bà Đa chỉ mong muốn năm mới có sức khỏe hơn để đi nhặt phế liệu kiếm sống.

Bà Đa chỉ mong muốn năm mới có sức khỏe hơn để đi nhặt phế liệu kiếm sống.

Bà Đa kể, mấy chục năm qua bà và con trai chưa từng có một cái Tết đúng nghĩa. Ngày qua ngày, bà vẫn sống trong túp lều dựng tạm. Mỗi dịp Tết đến, năm nào may mắn thì bà có thêm vài lon gạo, cặp bánh chưng, vài trăm nghìn của các nhà hảo tâm gửi tặng.

Tương tự hoàn cảnh của bà Đa, bà Nguyễn Thị Liên (65 tuổi, quê ở Hải Dương) chia sẻ: "Hơn 10 năm nay, tôi phải sống chung với căn bệnh tim, do hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi phải nay đây mai đó, kiếm tiền chữa bệnh. Nhà ở quê cũng không còn, tôi đành phải thuê trọ ở đây với giá 500.000 đồng/tháng để có chỗ sinh hoạt. Cuộc sống chỉ vỏn vẹn ở trong phòng trọ chưa đến 10m2".

Bữa cơm của bà Liên chỉ có bát cá khô.

Bữa cơm của bà Liên chỉ có bát cá khô.

Hỏi chuyện sắm sửa và dự định về quê đón Tết, bà Liên lắc đầu: "Tôi có cơm ăn no mỗi ngày là mừng rồi, làm gì có tiền bạc sắm Tết. Mỗi lần đi chợ chỉ dám mua 20.000 đồng tiền cá khô, chia cho 5 ngày ăn, rồi rau thì nhặt ven đường để về nấu".

Vào thời điểm cận Tết, tưởng chừng những người lao động tại gầm cầu Long Biên sẽ tất bật hơn, nhiều công việc hơn để có thêm thu nhập, thế nhưng những người sống tại đây đa phần là lớn tuổi, không có sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc như bốc vác, gánh hàng thuê... chỉ nhặt nhạnh, kiếm sống qua ngày.

Ngày Tết cũng như ngày thường, chiếc xe kéo là công cụ kiếm sống duy nhất của ông Khuê.

Ngày Tết cũng như ngày thường, chiếc xe kéo là công cụ kiếm sống duy nhất của ông Khuê.

Ông Khuê (55 tuổi, quê Hải Dương) chia sẻ về hoàn cảnh: "Tết cũng giống như những ngày bình thường, tôi vẫn phải tiếp tục đi kéo hàng thuê để kiếm sống. Tuy vậy tôi chỉ làm được những việc nhẹ bởi nhiều bệnh tật trong người, mỗi chuyến hàng kéo thuê tôi được 10.000 - 30.000 đồng, đủ trang trải thuốc men và ăn uống. Vì vậy với tôi, về quê đón Tết là một ước mơ xa vời".

Căn nhà của ông Khuê khoảng 10m2, mùa nắng thì nóng như đổ lửa, mùa lạnh thì gió tạt vào phòng.

Căn nhà của ông Khuê khoảng 10m2, mùa nắng thì nóng như đổ lửa, mùa lạnh thì gió tạt vào phòng.

Ông Vũ Văn Học (62 tuổi) khó nhọc lê bước chân ra khỏi căn phòng trọ, ông cho biết: "Tôi trước vốn ở Hưng Yên. Bản thân bị bệnh teo cơ chân từ bé, không đi lại được, sau khi xảy ra nhiều việc khiến hai vợ chồng tôi phải lang bạt lên Thủ đô sinh sống. Gia đình tôi khổ quá, ruộng đất vườn tược nhà cửa đều không có, muốn về quê ăn Tết nhưng cũng không có chỗ để về".

Ông Học (bên phải) không thể đi lại bởi căn bệnh teo cơ chân.

Ông Học (bên phải) không thể đi lại bởi căn bệnh teo cơ chân.

"Cứ thấy ngoài đường mọi người hồ hởi thu dọn đồ, mua sắm quà, tíu tít gọi nhau về quê đón Tết là mình lại thấy buồn...", ông Học tâm sự.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-long-cua-nhung-nguoi-khong-mong-tet-169250103153811867.htm
Zalo