Nỗi lo thực phẩm 'bẩn' dịp cận Tết
Gần Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, nhưng cùng với đó là nguy cơ thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường. Từ các chợ tự phát đến các sạp hàng online, nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chứa hóa chất độc hại, hoặc không bảo đảm vệ sinh vẫn được bày bán công khai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Từ những sạp hàng không kiểm định
Sự việc một doanh nghiệp sản xuất giá đỗ với tiêu chí “sạch, an toàn” nhưng thực chất lại mua hóa chất cấm, cực kì độc hại để thúc giá đỗ lớn nhanh, mẩy đẹp, bán số lượng lớn ra thị trường và vào cả chuỗi bách hóa đã khiến người dân khắp cả nước hết sức lo ngại.
Trước sự lo ngại này, cùng với tình hình thực phẩm cận Tết có nhiều diễn biến phức tạp, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cùng Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, giám sát ATTP một số khu vực trọng điểm như chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Tây và siêu thị Aeon Mall Bình Tân.
Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn tồn tại thực trạng một số khu vực buôn bán tự phát quanh các chợ đầu mối không đảm bảo ATTP, như các điểm bán thịt heo tự phát lấy thịt từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc, các sạp bán rau, củ tự phát cũng buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, không có sổ ghi chép xuất xứ... Đây cũng là bức xúc nhiều năm của tiểu thương trong các chợ đầu mối.
Có thể nói, chợ tự phát tại TP Hồ Chí Minh chính là một trong những nơi khiến tình hình ATTP càng phức tạp hơn. Vào thời điểm cận Tết, dạo quanh một số chợ tự phát tại TP Hồ Chí Minh như tại khu “chợ chạy” Bình Trưng, “chợ chạy” Hiệp Bình, chợ tự phát tại các khu chế xuất Linh Trung, Linh Xuân... không khó để bắt gặp cảnh tượng thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh kẹo bày bán la liệt trên nền đất hoặc trên những sạp hàng sơ sài, không che chắn. Tại đây, nhiều mặt hàng không hề có tem nhãn hay thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Nhiều loại bánh, mứt Tết được nhuộm màu sắc lòe loẹt, “phơi trần” bên lề đường bụi bặm, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn ghé đến mua bán rôm rả.
Đến thực phẩm ở… chợ online
Bên cạnh chợ tự phát, thì thị trường thực phẩm online cũng là một trong những môi trường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về thiếu ATTP và khó xử lý. Trong vài năm trở lại đây, xu hướng mua thực phẩm
online ngày càng phổ biến, đặc biệt vào dịp Tết. Các loại bánh kẹo, mứt nhà làm, giò chả thủ công được quảng cáo là “100% tự nhiên”, “sạch và an toàn”, nhưng trong đó có những sản phẩm không có giấy tờ kiểm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều người tiêu dùng mua hàng qua mạng chỉ dựa trên hình ảnh đẹp và lời quảng cáo hấp dẫn. Tuy nhiên, không ít trường hợp nhận hàng về thì “ngã ngửa” vì thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hoặc không giống với quảng cáo. Nghiêm trọng hơn, một số thực phẩm còn chứa chất bảo quản vượt mức cho phép hoặc bị nhiễm khuẩn, gây hại đến sức khỏe người sử dụng mà người mua hoàn toàn không biết.
Cùng với thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc cũng đang ồ ạt đổ vào thị trường cận Tết. Tại các chợ đầu mối và một số kênh bán online bánh kẹo, trái cây, thực phẩm khô được rao bán với giá cực rẻ, nhưng không có tem nhãn phụ, giấy kiểm định chất lượng. Một số sản phẩm qua kiểm tra còn bị phát hiện nhiễm hóa chất độc hại hoặc đã hết hạn sử dụng.
Thực phẩm “bẩn” để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Những chất bảo quản độc hại, hóa chất nhuộm màu tích tụ trong cơ thể có thể gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, tổn thương gan, thận. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm “bẩn” cũng gây thiệt hại kinh tế lớn, không chỉ vì chi phí điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chân chính.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh, việc dẹp bỏ các điểm kinh doanh tự phát với hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc khó có thể làm rốt ráo trong thời gian ngắn mà cần một quá trình trường kì, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Để chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt là khi bước vào cao điểm mua sắm Tết, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh đang tập trung vào các chiến dịch: Tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn; Phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là rượu; Tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm;...
Đặc biệt, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng rất quan trọng. Nhiệm vụ của Sở ATTP đặt ra là phải tuyên truyền cho người dân về thông tin các thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, không nên ham rẻ, mua bất chấp vì như thế là tiếp tay cho những sản phẩm bất hợp pháp, hàng hóa kém chất lượng. Bà Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ mong muốn cộng đồng ủng hộ những doanh nghiệp hợp pháp, lưu tâm đến vấn đề quản lý chất lượng những sản phẩm ăn uống mỗi ngày. Mỗi người phải tự có trách nhiệm với bếp ăn của gia đình mình, ưu tiên hàng đầu là lựa chọn thực phẩm sạch cho chính mình và gia đình.