Nỗi lo một thế hệ Brain rot
Có một thông tin rất đáng chú ý, mà cũng rất buồn là mới đây, Từ điển Oxford đã lựa chọn từ 'brain rot' – có nghĩa là thối não, mục não - làm từ của năm 2024, chỉ tình trạng suy giảm trí tuệ và sức khỏe tinh thần do tiêu thụ nhiều nội dung nhỏ nhặt, độc hại trực tuyến. Công bố điều này, các nhà biên soạn từ điển Oxford bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến rác trên mạng xã hội.
Khái niệm “thế hệ cúi đầu” bắt đầu xuất hiện khi điện thoại thông minh phổ biến. Nếu thế hệ 8X, 9X mới là “thế hệ ngón tay cái”, lướt ngón tay trên các bàn phím số để thỏa mãn đam mê với các trò chơi điện tử thông dụng trên điện thoại đời cũ, thì thế hệ cuối 9X, GenZ, rồi mới nhất là GenAlpha (sinh từ khoảng 2010) thực sự là “thế hệ cúi đầu”.
Cúi đầu khi đi đường, thậm chí ngay cả khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, trong nhà, ở hàng quán, cúi đầu ngay cả khi gia đình tụ họp… Lũ trẻ con giờ tiết kiệm lời nói và ít hoạt động thể chất hơn rất nhiều so với thế hệ cha mẹ chúng.
Nếu các bậc phụ huynh để ý, sẽ thấy những đứa con của mình có rất nhiều khái niệm mới.
Còn nhớ, khi cậu con trai út của tôi 4 tuổi, cuối tuần, để có thêm thời gian yên ổn làm việc tại nhà, tôi bật YouTube và để mặc con mình đắm chìm trong đó, có khi hàng tiếng đồng hồ. Và sau đó, tôi buộc phải làm quen với một số khái niệm mới như Skibidi Toilet– tả hình ảnh cái đầu lâu kinh dị mọc lên từ chiếc toilet gớm ghiếc với đủ mọi trò hù dọa, hay từ sigma… mà đến giờ tôi vẫn chưa hiểu được nó có nghĩa là gì.
Sau một thời gian, vợ chồng tôi thống nhất tháo bỏ ti vi. Những khái niệm mới mẻ xa dần cậu con út, nhưng vẫn ám lấy cậu con trai cả vì chưa cai được điện thoại. Anh này chủ yếu nghiện video ngắn.
Các video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội được thiết lập hướng đến người dùng bằng trí tuệ nhân tạo. Bạn dừng ở video này quá 5 giây, lập tức những video có nội dung tương tự được gửi đến bạn ngay lập tức. Và bạn sẽ đắm chìm trong đó không phải dừng ở mười lăm, hai mươi phút như dự kiến ban đầu là xem để giải trí, mà có khi kéo dài đến cả tiếng đồng hồ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra, với trẻ em, tác hại của video ngắn kéo dài và ảnh hưởng khá lâu, khi phải hơn một tiếng sau khi dừng xem, não bộ trẻ mới bắt nhịp lại bình thường. Thậm chí nếu sử dụng quá lâu có thể gây ra sự cô lập và làm mất đi sự kết nối xã hội trong thế giới thực của trẻ, làm giảm sức đề kháng với căn bệnh tự kỷ và sự phát triển tâm lý.
Bắt đầu từ năm 2025, Albania công bố lệnh cấm TikTok kéo dài một năm. Quyết định này được Thủ tướng Edi Rama công bố hôm 21-12, sau cuộc họp với đại diện phụ huynh và giáo viên trên toàn quốc. Lệnh cấm được đưa ra nhằm tăng cường an toàn trong trường học, sau vụ việc một thiếu niên 14 tuổi bị bạn học đâm chết vào tháng 11. Theo truyền thông địa phương, sự cố này xảy ra sau những tranh cãi trên mạng xã hội và các video ủng hộ bạo lực giữa trẻ vị thành niên cũng xuất hiện trên TikTok.
Trước đó, Pháp, Đức và Bỉ cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự, trong khi Australia đã thông qua lệnh cấm hoàn toàn mạng xã hội đối với trẻ dưới 16 tuổi. Thủ tướng Australia Anthony Albanese chia sẻ: "Đây là vấn đề toàn cầu và chúng tôi muốn trẻ em Australia có một tuổi thơ đúng nghĩa".
Trước Australia thì Na Uy cũng cam kết thông qua luật tương tự. Chính phủ Anh hiện đang xem xét lệnh cấm tương tự trước sự lo ngại các tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em trong quy mô toàn cầu.
Trông người lại ngẫm đến ta. Còn nhớ mới đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có văn bản yêu cầu quản lý việc sử dụng điện thoại trong trường học. Rất nhiều phụ huynh đồng tình. Những phản hồi, những nút thả tim trên thông báo của giáo viên chủ nhiệm đã khẳng định điều này. Thậm chí, một phụ huynh trong nhóm lớp cậu con trai tôi cho biết: "Đã áp dụng lệnh cấm này ngay cả ở nhà". Giải pháp của anh là tự add mình vào tất cả các nhóm học thêm của con và đề nghị, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nếu có thay đổi lịch học, giao bài tập… có thể dành thêm chút thời gian nhắn riêng cho anh.
Sau yêu cầu này, một người bạn tôi là giáo viên đã cảm thán: "Lâu lắm giờ ra chơi mới cảm giác sân trường thực sự có học sinh!"
Hy vọng, ngoài yêu cầu hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học, chúng ta sớm có những biện pháp quyết liệt để con em có thể thoát khỏi tình trạng “Brain rot”. Để con em mình có thể ngẩng đầu bình thường, tập trung học bài, thích ra đường bày trò và nghịch ngợm như cha mẹ chúng ngày xưa.