Nỗi lo lãi suất đè nặng lên Phố Wall

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Ba sau khi một loạt dữ liệu kinh tế làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát gia tăng trở lại có thể làm chậm lại tiến độ nới lỏng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Dow Jones giảm 178,20 điểm (-0,42%) xuống 42.528,36 điểm; S&P 500 mất 66,35 điểm (-1,11%) thành 5.909,03 điểm và Nasdaq Composite trượt 375,30 điểm (-1,89%) còn 19.489,68 điểm.

Hầu hết 11 lĩnh vực của S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ lĩnh vực y tế và năng lượng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao lên mức 4,699% đã đẩy giá cổ phiếu công nghệ rớt mạnh. Cổ phiếu của Nvidia, được coi là đại diện tiêu biểu cho ngành trí tuệ nhân tạo, giảm tới 6,22%. Tesla mất 4% sau khi BofA Global Research hạ mức đánh giá từ "mua" xuống "trung lập”.

Trong khi đó, Micron Technology lại tăng 2,67% khi CEO Jensen Huang của Nvidia cho biết công ty đang cung cấp bộ nhớ cho dòng chip chơi game GeForce RTX 50 Blackwell.

Citigroup thêm 1,29% nhờ đánh giá tích cực từ Truist Securities. Tương tự, Bank of America cũng tăng 1,5% nhờ các đánh giá tích cực từ ít nhất ba công ty môi giới. Một số ngân hàng lớn dự kiến sẽ công bố lợi nhuận quý vào tuần tới.

Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch Mỹ đạt 20,45 tỷ cổ phiếu, cao so với mức trung bình 12,52 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần đây. Thị trường sẽ đóng cửa vào thứ Năm (9/1) để tưởng niệm cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter.

Về khía cạnh kinh tế, một báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm cần tuyển dụng bất ngờ tăng lên trong tháng 11. Đồng thời, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng tăng tốc vào tháng 12, với chỉ số đo giá đầu vào tăng vọt lên mức cao nhất trong gần hai năm. Tâm điểm của tuần này là dữ liệu quan trọng về bảng lương phi nông nghiệp cùng với biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed.

"Thị trường đang dần nhận ra rằng họ từng nghĩ cuộc chiến chống lạm phát đã gần đến hồi kết, nhưng giờ đây có nguy cơ lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn”, ông Joe Mazzola, Giám đốc giao dịch và chiến lược phái sinh tại Charles Schwab nhận xét.

Cũng có nhiều lo ngại về tác động từ thuế quan của chính quyền Trump 2.0 đối với giá tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ đã làm giảm kỳ vọng về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hiện cho rằng lần giảm tiếp theo có khả năng diễn ra vào tháng 6 và Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần còn lại của năm 2025.

GIÁ DẦU TĂNG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi vào thứ Ba khi tín hiệu cho thấy nhu cầu cao hơn dự kiến từ Trung Quốc và có lo ngại về nguồn cung hạn chế từ Nga và Iran.

Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt ở mức 77,05 USD/thùng, tăng 75 cent, tương đương 0,98%. Dầu thô WTI của Mỹ chốt ở mức 74,25 USD/thùng, tăng 69 cent, tương đương 0,94%.

Các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý tới các kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới, theo nhà phân tích thị trường Razan Hilal. "Dù thị trường hiện tại đang bị ràng buộc trong một phạm vi hẹp, nhưng nó vẫn ghi nhận đà tăng nhờ hy vọng nhu cầu được cải thiện ở Trung Quốc bởi lưu lượng giao thông dịp lễ và các cam kết kích thích kinh tế”, ông Hilal cho biết trong một ghi chú. Tuy nhiên, xu hướng chính vẫn mang tính giảm giá, ông Hilal lưu ý.

Một số chuyên gia thị trường cũng dường như bắt đầu tính đến rủi ro gián đoạn nhỏ trong nguồn cung dầu từ Iran tới Trung Quốc, theo nhà phân tích của UBS Giovanni Staunovo. Kèm theo đó là lo ngại về các lệnh trừng phạt từ phương Tây làm thắt chặt nguồn cung, dẫn đến nhu cầu lớn đối với dầu Trung Đông, thể hiện qua mức tăng của giá dầu tương lai giao tháng 2 của Ả Rập Saudi tại thị trường châu Á, lần tăng đầu tiên trong ba tháng qua.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/noi-lo-lai-suat-de-nang-len-pho-wall-post557063.html
Zalo