Nói ít làm nhiều, triển khai thực chất và hiệu quả
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng, Luật Bảo vệ môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Bước đột phá thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
“Việc luật hóa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn có vai trò rất quan trọng. Đây là cơ sở để chúng ta thực hiện mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn xã hội, đặc biệt là ở các cộng đồng và địa phương” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định tại Tọa đàm Luật Bảo vệ môi trường - Hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 23.12.
Theo ông Tạ Đình Thi, kinh tế tuần hoàn là xu thế chung và thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm vấn đề này. Nhiều nghị quyết của Đảng đã đề ra quan điểm, chủ trương, mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3.6.2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Vấn đề kinh tế tuần hoàn cũng đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, với các quy định cụ thể. Ví dụ, Khoản 1, Điều 142 nêu rõ kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế. Khoản 11, Điều 5 chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường đề ra yêu cầu lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khoản 2, 3, Điều 142 quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan và giao trách nhiệm cho Chính phủ trong việc quy định tiêu chí, lộ trình để thực hiện mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn...
Tiếp đến, Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phê duyệt ngày 7.6.2022. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện và sắp trình Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Điều này sẽ tác động to lớn đến việc thực hiện mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tác động lớn đến phát triển kinh tế bền vững, phát triển xanh và sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Nhận định như vậy, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ phân tích: xuyên suốt Luật, các quy định đều hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào bốn tiêu chí: hiệu quả sử dụng năng lượng; kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu; giảm rác thải và phát thải ra môi trường; không gây tác động xấu đến môi trường.
“Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đề cập ba vấn đề quan trọng của kinh tế tuần hoàn. Thứ nhất, chỉ ra định nghĩa; thứ hai, chỉ ra phương pháp; thứ ba, yêu cầu cụ thể các chỉ tiêu định đo lường mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi, đặc biệt thông qua việc phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh, mua sắm xanh… đồng thời sắp tới còn có những ưu đãi về đất đai cùng nhiều ưu đãi khác đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, sẽ được triển khai từ giờ đến năm 2050. Đây chính là tiền đề thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu xanh hóa nền kinh tế cũng như đạt được các yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ nói.
Làm bài bản, có lộ trình cụ thể
GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cho rằng, khung khổ pháp lý hiện có tạo thuận lợi cho nước ta tiếp cận kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thực hiện thế nào phải từng bước, chưa thể đòi hỏi kết quả ngay trong một vài năm. “Luật đã quy định rồi, vấn đề là lồng ghép vào quy hoạch phát triển của quốc gia, của địa phương gắn với tiêu chí, lộ trình, bước đi cụ thể”.
TS. Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng, hiện nay chúng ta còn khá lúng túng trong công tác thực thi, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. “Đã có nhiều báo cáo cho thấy, nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính muốn cho doanh nghiệp xanh vay nhưng chưa có tiêu chí cụ thể để triển khai. Vì vậy, cần cố gắng để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc để các doanh nghiệp thuận lợi chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn kỹ thuật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục chuyển đổi… để các doanh nghiệp thực hiện”.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn có nhiều cơ hội nhưng đi kèm với đó là thách thức đối với tất cả các ngành, lĩnh vực. Với đặc thù của Việt Nam, việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được chú ý, từ đó có những chính sách ưu đãi phù hợp. “Cơ hội để phát triển xanh, phát triển tuần hoàn là của tất cả các ngành nhưng tôi muốn nhấn mạnh một số ngành thế mạnh và Việt Nam có nhiều cơ hội, cũng là đòi hỏi của thị trường của Việt Nam mà chúng ta cần phải giải quyết để các ngành đó phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả bền vững”, TS. Hoàng Dương Tùng nói.
Hợp tác thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phải xuất phát từ bản chất kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở nhận diện các chủ thể chính gồm Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng nói chung và hợp tác quốc tế. Trong cơ chế hợp tác này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, cần nhấn mạnh ba nội dung quan trọng: vai trò chủ đạo trung tâm là Nhà nước; tăng cường hợp tác công tư, phát huy trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau.
“Chúng ta đặt ra mục tiêu rất lớn, tất nhiên phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, các bước đi phù hợp với điều kiện phát triển. Đến thời điểm này, chúng ta cần phải hành động nhiều hơn, nói ít làm nhiều, triển khai thực chất và hiệu quả, đặc biệt ở các cấp độ, đặc biệt là cấp độ doanh nghiệp và địa phương, cơ sở”, ông Tạ Đình Thi nói.