Noi gương Bác Hồ, từ việc nhỏ đến ý nghĩa lớn
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 114 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, sáng 19/5, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và biểu dương tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025.
Qua gần 10 năm triển khai học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, TP.HCM đã có 748 mô hình mới, cách làm hay và 409 nội dung đột phá, sáng tạo được triển khai thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Thành phố đã triển khai xây dựng 5.676 thiết chế, mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không chỉ trong các cơ quan, công sở, trường học mà cả trong cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư, trong không gian hoạt động văn hóa nghệ thuật và trên không gian mạng.

Các đại biểu dự hội nghị (ảnh: Hà Khánh)
Có 1.334 tập thể, 2.030 cá nhân tiêu biểu cấp thành phố và 12.850 tập thể, 24.300 cá nhân cấp quận huyện đã được bình chọn, tuyên dương từ phong trào này; nhiều tập thể, cá nhân được Trung ương khen thưởng.
Đó là những con số ấn tượng và đáng tự hào, cho thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của TP và cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 05 tạo ra chuyển biến rõ nét và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Việc học tập và làm theo Bác đã gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đề cao trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu (ảnh: Hà Khánh)
"Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều cách làm, mô hình thiết thực sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa, lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong những năm tới; trở thành nét đẹp và truyền thống văn hóa, ăn sâu vào lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và người dân; để mọi người học tập, tu dưỡng, rèn luyện, vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình và đóng góp ngày càng nhiều cho thành phố, cho xã hội và cho đất nước", ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Học tập và làm theo Bác, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, học sinh, sinh viên… nỗ lực rèn luyện phấn đấu trong lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, tạo ra nhiều sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tử tế, những tấm lòng, trái tim thiện nguyện, hy sinh thầm lặng mà cao cả, làm việc tốt cho xã hội; nhất là trong giai đoạn thành phố gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.

Gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương (ảnh: Hà Khánh)
Dịp này, Thành ủy TP.HCM biểu dương 341 gương điển hình gồm 146 tập thể, 195 cá nhân, đại diện cho 3.364 gương điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp thành phố và 37.150 gương điển hình cấp quận huyện.
Đây là những tấm gương tiêu biểu luôn cống hiến. hy sinh thầm lặng, tỏa sáng giữa đời thường, vô cùng đáng trân trọng. Mỗi tập thể, cá nhân đã khẳng định về tinh thần học tập, làm việc, lao động, chiến đấu; thể hiện ý chí, quyết tâm vượt khó, nghị lực phi thường, bản lĩnh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đội văn nghệ thiếu nhi trình diễn tiết mục "Là măng non Thành phố Hồ Chí Minh" (ảnh: Hà Khánh)
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội khuyến học Quận 4, một trong những cá nhân được tuyên dương cho biết, hàng năm quận tổ chức gây quỹ khuyến học, từ đó Hội chọn các em học sinh, sinh viên có tâm, có tầm, quyết tâm học tập, tạo điều kiện cho các em có tri thức, để sau này góp phần phát triển gia đình, xã hội.
"Tôi tâm đắc nhất ở Bác là mình học để làm người, để làm cán bộ và phải học nữa, học mãi, nếu không học sẽ bị thụt lùi. Việc học tập suốt đời của Bác khắc ghi trong tôi và đến bây giờ tôi vẫn học và tạo điều kiện cho mọi người cùng học tập", bà Cúc nói.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM trao Bằng khen cho 195 cá nhân tiêu biểu (ảnh: Hà Khánh)
Ghi nhớ lời Bác dạy “phải gần dân, sát dân”, ông Võ Hoàng Sơn, Chi hội Hội Nông dân ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn đã đến từng hộ để nắm tâm tư nguyện vọng, giúp đỡ mọi người về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức luật pháp. Với ông, việc học tập theo Bác phải được vận dụng sao cho thiết thực nhất.
"Người dân cố gắng tập trung làm ăn, cho con em đến trường, học giỏi để nối nghiệp cho đời sau. Hiện nay chỗ tôi có mô hình nuôi cá cảnh, tạo điều kiện cho nhân dân có thu nhập ổn định. Trước nhà tôi có nghĩa trang của huyện, trước anh linh anh hùng liệt sĩ đã dày công mang lại vinh quang, độc lập ngày nay, nên tôi nghĩ mình phải cố gắng giúp dân", ông Sơn bày tỏ.