Nối gần khoảng cách y tế

Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ Y tế sắp triển khai Đề án 'Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 - 2030', nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, tiếp tục nối gần khoảng cách y tế giữa các tuyến...

Nâng chất lượng nhân lực

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống khám, chữa bệnh ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đáng chú ý là tình trạng nhân lực y tế phân bố không đồng đều; nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các bệnh viện tuyến Trung ương; tình trạng vượt tuyến khám, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Chính vì vậy, Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11.3.2013 của Bộ Y tế phê duyệt "Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020" có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới, giúp sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đã được đầu tư.

 Người bệnh được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La nhờ sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc

Người bệnh được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La nhờ sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc

Đề án đã được các địa phương tích cực triển khai và đạt được một số thành tựu quan trọng. Đề án có 14 bệnh viện hạt nhân, bao gồm: 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 5 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với tổng số bệnh viện vệ tinh là 45 tại các tỉnh.

Đề án đã xác định ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa thường xuyên quá tải: Ung bướu; ngoại - chấn thương; tim mạch; sản và nhi; trong đó có hoạt động nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật…

Tiếp theo, Đề án đã phát triển thành 10 chuyên khoa gồm 5 chuyên khoa trên và các chuyên khoa nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Sau khi triển khai thực hiện, Đề án đã vượt chỉ tiêu và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh đã được triển khai chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực trong nhiều năm qua, với những giá trị bền vững, giúp các tuyến y tế cơ sở của địa phương nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, rèn luyện chuyên môn, vững vàng trong công tác khám, chữa bệnh.

Theo PGS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã cử 2.138 lượt giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ của các chuyên khoa tham gia công tác chỉ đạo tuyến; cử 1.700 lượt cán bộ chuyên môn luân phiên và hỗ trợ gần 200 bệnh viện các tỉnh phía Bắc; cán bộ luân phiên đã trực tiếp khám, điều trị cho 195.780 lượt bệnh nhân; trong đó có gần 2.200 bệnh nhân nặng, nguy kịch, giúp cho tỷ lệ chuyển tuyến giảm 30%.

Tái khởi động Đề án bệnh viện vệ tinh

Nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực toàn diện các chuyên khoa và cả về mặt quản lý, xây dựng, mở rộng phạm vi và các hoạt động khác phù hợp với sự phát triển các bệnh viện, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối xây dựng dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2024 - 2030".

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, so với giai đoạn trước, Đề án bệnh viện vệ tinh mới sẽ chuyển giao kỹ thuật với nhiều chuyên khoa hơn, để nối gần khoảng cách y tế giữa các tuyến. Trong số đó, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa, lĩnh vực có nhu cầu khám, chữa bệnh cao, như: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các lĩnh vực có nhu cầu phát triển cấp thiết, như công nghệ thông tin, quản lý chất lượng.

Cũng theo Đề án này, bệnh viện vệ tinh là bệnh viện được thụ hưởng, tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện có chuyên khoa hạt nhân. Còn bệnh viện hạt nhân quốc gia là bệnh viện có các chuyên khoa, lĩnh vực phát triển nhất trên phạm vi cả nước; thực hiện được các kỹ thuật cao nhất trong danh mục hoặc đứng đầu lĩnh vực; được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên phạm vi cả nước theo chuyên khoa, lĩnh vực.

Ngoài ra, trong Đề án mới còn xuất hiện bệnh viện hạt nhân vùng, là bệnh viện có các chuyên khoa, lĩnh vực phát triển trong vùng, được giao nhiệm vụ phối hợp với bệnh viện hạt nhân quốc gia xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trong khu vực.

Trong 2 năm đầu triển khai Đề án, Bộ Y tế sẽ đầu tư phát triển bệnh viện hạt nhân vùng, nâng cấp một số bệnh viện vệ tinh thành bệnh viện hạt nhân vùng; mở rộng các chuyên khoa, lĩnh vực khác có nhu cầu. Các bệnh viện vệ tinh được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện hạt nhân được mở rộng thêm.

Dự thảo đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2024 - 2025, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa, lĩnh vực có nhu cầu khám, chữa bệnh cao: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các lĩnh vực có nhu cầu phát triển cấp thiết như công nghệ thông tin, quản lý chất lượng...

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/noi-gan-khoang-cach-y-te-post393029.html
Zalo