Nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô: Thúc đẩy giải pháp chiến lược, chú trọng chính sách cụ thể

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập, cùng với nhiều giải pháp được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đưa ra, trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp để tăng tỷ lệ nội hóa cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước kỳ vọng sẽ sớm giải quyết được bài toán nội địa để kéo giảm giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

1. Trong Đề cương Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đề cương Chiến lược) đang được Bộ Công Thương dự thảo, mục tiêu được đặt ra là: Đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề cương Chiến lược đã đưa ra các định hướng cụ thể như xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về cơ bản, phát triển thị trường ô tô trong nước để thúc đẩy ngành sản xuất, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, là mục tiêu chiến lược được Chính phủ đề ra và triển khai thực hiện trong hàng chục năm qua. Những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để kéo các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đến với Việt Nam từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 và sau này là Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước ở từng giai đoạn đã được ban hành, bổ sung cho phù hợp với thực tế và diễn biến của thị trường. Theo đó, có thể nhận thấy, trong những năm gần đây, thị trường ô tô trong nước và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Dung lượng thị trường lớn dần qua từng năm, tỷ lệ nội địa hóa tăng đã giúp cho giá xe rẻ đi và giấc mơ sở hữu ô tô đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Không chỉ từng bước bao phủ thị trường trong nước, ô tô "made in Việt Nam" đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có những quôc gia được xem là “cái nôi” của ngành công nghiệp ô tô.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu trong đó có Thaco.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn còn những hạn chế, bất cập, thể hiện rõ nhất là việc thực hiện nội địa hóa sản phẩm theo cam kết của các nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, hiện nay, đối với những linh kiện nội địa hóa được, các doanh nghiệp Việt chủ yếu làm các chi tiết cồng kềnh, giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ như: ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn... Phần lớn linh kiện yêu cầu hàm lượng chất xám, hàm lượng kỹ thuật cao đều phải nhập khẩu; các cụm linh kiện phức tạp hiện nay doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng chưa sản xuất được. Một số công ty khác do công suất lắp ráp nhỏ nên không đầu tư dây chuyền sơn mà đi thuê sơn của các công ty đã đầu tư. Trước mắt đây cũng là giải pháp tình thế hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô để tiết kiệm đầu tư....

Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam. Những đơn vị này cũng được hưởng các ưu đãi như các thương hiệu ô tô, đặc biệt là với mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10%, trong khi các doanh nghiệp ngành phụ trợ Việt Nam khi đó vẫn phải gánh mức thuế lên tới hơn 20%.Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không có cơ hội phát triển.Đây cũng là một trong những lý do khiến cho số lượng doanh nghiệp ngành phụ trợ tại Việt Nam rất ít, chỉ khoảng 3.400 doanh nghiệp trong tất cả các ngành. Số lượng đơn vị trong ngành ô tô thậm chí chỉ bằng một phần rất nhỏ trong số trên...

Theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Theo báo cáo của một số doanh nghiệp, với sản phẩm nắp bình xăng, nhà sản xuất trong nước báo giá 3,8 USD/chiếc, trong khi nhà sản xuất tại Thái Lan báo giá chỉ 1,6 USD/chiếc. Chênh lệch chi phí từ 200-300% cũng áp dụng với nhiều linh kiện khác, thậm chí còn lớn hơn với các linh kiện cao cấp. Do sản lượng thấp nên chi phí khấu hao thiết bị trên một đơn vị sản xuất sẽ lớn. Vì vậy, giá linh kiện nhà sản xuất trong nước đưa ra thường cao hơn các sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài...

Thị trường ô tô Việt đến năm 2030 được đặt mục tiêu tiêu thụ đạt 1 triệu xe.

3. Mới đây, khi thương hiệu ô tô trong nước Vinfast đẩy mạnh sản xuất xe điện tại thị trường trong nước và mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thì kỳ vọng ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô nói riêng có thêm động lực tăng trưởng.

Đến nay, về xưởng sản xuất và lắp ráp xe, hầu hết các doanh nghiệp lắp ráp xe lớn đều đảm bảo về diện tích mặt bằng cho các nhà xưởng lắp ráp xe, kiểm tra, hệ thống đường thử xe mô phỏng địa hình. Về kiểu dáng xe các doanh nghiệp này đều đảm bảo đủ hồ sơ thiết kế cho từng chủng loại xe, không vi phạm bản quyền về sở hữu công nghiệp và có hợp đồng chuyển giao công nghệ từ các nhà sản xuất uy tín của nước ngoài. Sau khi lắp ráp các xe xuất xưởng đều có bộ hồ sơ kiểm tra được lưu giữ trên hệ thống máy tính của nhà máy.

Các công ty hiện nay cũng rất quan tâm đến đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng. Toyota Việt Nam, Công ty Trường Hải, VinFast đã đầu tư công đoạn dập tấm để dập các chi tiết vỏ xe, thân xe, thay vì nhập khẩu. Tại Thaco Trường Hải, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đã lên tới 70% với một số dòng xe. Bên cạnh đó Trường Hải còn cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam...

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập, cùng với nhiều giải pháp được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp bàn thảo, đưa ra, trước mắt Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp để tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô trong nước thời gian tới. Trong đó chú trọng một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất thúc đẩy tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Bảo vệ thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa: Điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa.

Thứ ba, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Chính phủ đối với công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm.

Tại Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, nêu rõ: Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế.

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta, năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD. Như vậy, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự chuyển mình mạnh mẽ và có những thay đổi phù hợp, một số giải pháp phát triển trong thời gian tới cần tập trung vào hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững. Ngoài ra, cần triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu ô tô sản xuất tại Việt Nam sang thị trường nước ngoài; hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tham gia trong chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ. Phát triển thị trường tiêu thụ; song song với thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho ngành công nghiệp ô tô; phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng, phát triển bền vững và xanh hóa ngành công nghiệp ô tô. Chú trọng những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai./.

VĂN QUÁN

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/noi-dia-hoa-nganh-cong-nghiep-o-to-thuc-day-giai-phap-chien-luoc-chu-trong-chinh-sach-cu-the-158350
Zalo