Nỗi đau mang tên YAGI và bài học trong việc bố trí dân cư ở miền núi
Cơn bão số 3 (có tên quốc tế là YAGI) và hoàn lưu sau bão đã gây ra lũ quét và ngập úng, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản đối với nhân dân các dân tộc ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.... Chỉ riêng trận lũ quét bất ngờ xảy ra vào sáng 10/9/2024 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gần như san phẳng khu dân cư với 35 hộ dân. Đây là bài học đắt giá trong việc ứng phó với thảm họa thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống con người.
Nỗi đau mang tên YAGI
Trong những ngày qua, tình hình mưa bão ở các tỉnh, thành miền Bắc và đồng bằng sông Hồng diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành miền núi, biên giới phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Lai Châu... đã xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá nghiêm trọng. Theo thống kê, đã có hơn 300 người gồm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn và bà con các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi bị nạn, hy sinh, mất tích. Mưa lũ cũng làm ngập hàng trăm nghìn héc-ta lúa, hoa màu và cây ăn trái bị hư hại; hơn 100.000 ngôi nhà ở các tỉnh, thành bị hư hỏng, nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường từ nông thôn đến thành thị... Ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Cho đến nay, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt. Hàng triệu trái tim của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước đang hướng về miền Bắc thân yêu.
Từ những thói quen chết người
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là nơi cư trú của 35 nóc nhà người dân tộc Dao và Tày được dựng ngay dưới chân 2 dãy núi đất, tạo thành như 1 hình chữ U. Toàn bộ các hộ dân của thôn Làng Nú lại được làm ngay trên vùng đất thấp nằm giữa thung lũng này. Rạng sáng 10/9/2024, đất đá theo dòng lũ tràn từ ngọn núi cách làng khoảng một km đã vùi lấp hơn 35 hộ dân khiến cho hơn 100 người chết và mất tích, chỉ có 46 người may mắn chạy thoát, còn lại đa phần không xoay xở kịp, bị vùi trong đất.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Ló, trú thôn Làng Nủ cho biết: “Đã bao đời nay, nhân dân thôn Làng Nủ chúng tôi sống yên bình dưới thung lũng này. Bà con vẫn chăm chỉ đốt rừng làm nương rẫy, trồng sắn, trồng ngô để nuôi sống gia đình. Có ai nghĩ được phá rừng rồi sẽ có ngày gây ra lũ quét, lũ ống? Nhiều hộ dân còn tìm những nơi gần bờ suối để làm nhà, trông nhờ vào sức nước làm quay cái máy phát điện, hay có nước để tưới tiêu, tắm giặt... Không ai nghĩ, rồi có một ngày thiên nhiên lại nổi giận thế này”.
Làm nhà bên bìa rừng và suối lớn vốn là thói quen của bà con người Dao, người Tày và một số dân tộc ít người ở các tỉnh miền núi. Thói quen này đã có từ rất lâu, khi mà những cánh rừng chưa bị tàn phá, rừng vẫn còn là lá chắn bảo vệ vững chắc cho người Dao và bà con một số dân tộc thiểu số. Đó là chuyện của ngày xưa. Còn bây giờ, khi diện tích rừng ngày càng thu hẹp bởi chính bàn tay của con người khiến cho núi đồi trơ trụi, tình trạng nứt núi, lở đất, lũ quét liên tục xảy ra thì lập làng dưới chân núi, ven sông suối là hết sức nguy hiểm. Tai họa ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là một ví dụ. Đành rằng do thiên tai, nhưng mất mát to lớn này là bài học đắt giá cho công tác qui hoạch, sắp xếp chỗ ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc vùng miền núi phía Bắc.
Mấy chục hộ mất nhà ở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai rồi đây sẽ được nhận đất làm lại nhà trên một khu đất mới do UBND xã Phúc Khánh đi khảo sát, đo đạc và quy hoạch. Nhưng toàn huyện Bảo Yên còn hàng trăm ngôi nhà hiện đang nằm trong diện nguy hiểm cần phải di dời khẩn cấp trong nay mai. Các chuyên gia cho rằng, điều cần thiết nhất hiện nay chính là, phải thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, làm nhà phân tán của đồng bào các dân tộc miền núi. Bây giờ, muốn có điện, có nước, có trạm y tế, trẻ con được đi học và nhất là tránh được lũ ống, lũ quét và sạt lở núi thì phải sống tập trung trên những khu đất đã được khảo sát và qui hoạch bài bản, chi tiết hơn.
Còn đó những trăn trở
Nhiều vấn đề đã được đặt ra về công tác phòng, chống lụt bão ở các địa phương, trong đó có công tác phòng chống lũ quét, lũ ống và sạt lở đất đá thường xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân, đó là công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, việc di dân ra khỏi những vùng nguy hiểm lại gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi có sự chỉ đạo kiên quyết và tổ chức chặt chẽ của các cấp lãnh đạo địa phương.
Sau thảm họa của một số địa phương trong cơn bão YAGI, các cấp ủy, chính quyền các địa phương miền núi phía Bắc cần khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng các đề án, tổ chức qui hoạch, sắp xếp chỗ ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc vùng miền núi, những nơi nguy hiểm cần phải di dời. Tuy nhiên, tập trung mấy chục, hay mấy trăm hộ là đủ cho một khu tái định cư? làm nhà theo kiến trúc truyền thống hay hiện đại? diện tích vườn, đất sản xuất thế nào, cách nơi ở bao nhiêu là vừa?... Đây là những câu hỏi mà những người làm công tác tái định cư, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phải quan tâm, nếu không thì tiền của, công sức bỏ ra sẽ là vụ ích, và tai họa vẫn sẽ có thể xảy ra.
Chúng ta từng trả giá khi xây dựng những khu tái định cư các công trình thủy điện, người dân không thể sống trong những ngôi nhà bê tông, san sát nhau như thành phố, muốn nuôi con gà, con lợn cũng không có chỗ, đất sản xuất thiếu, đồng bào lại bỏ khu tái định cư trở về làng cũ, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập quanh mình. Bài toán này sẽ không có lời giải, nếu các tỉnh miền núi phía Bắc không gắn công tác tái định cư với các chương trình khác của Chính phủ như cấp đất ở, đất sản xuất, phát triển hệ thống giao thông miền núi, Chương trình 134, 135, chương trình trồng và bảo vệ rừng...
Sự tàn phá ghê gớm của thiên tai khiến chúng ta không khỏi đau lòng trước cảnh tượng tang thương của người dân, trước những thách thức to lớn đang đè nặng lên vai cán bộ, nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Sống cùng người dân vùng lũ, đau thắt lòng với nỗi đau mất người thân của bà con, mới thấy câu nói: “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng” của ông cha ta ngày xưa, nghe rất giản đơn, mà lại thâm sâu, ý nghĩa đến chừng nào.