Nỗi đau góa phụ làng biển

'Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm', câu ca dao ấy đã lột tả phần nào những rủi ro, nỗi bất an mà người phụ nữ có chồng làm nghề đi biển phải đối mặt. Bám biển mưu sinh, có người đã 'ở lại' với biển, không về, để lại những hòn vọng phu trước biển cùng nỗi đau khôn nguôi.

 Bến sông Thái trước nhà chị Thủy

Bến sông Thái trước nhà chị Thủy

Bài 1: Bỗng chốc thànhvợ góa, con côiNgồi thất thần trước bậc cửa, chị Phạm Thị Thủy nhìn xa xăm ra bến sông Thái trước nhà, nơi chồng chị vẫn cùng con gái ra đón chị đi làm về. Nhưng giờ đây, trong dòng người ngược xuôi không còn hình bóng quen thuộc. Anh Nguyễn Văn Cương, chồng chị, đã ra đi mãi mãi sau vụ chìm tàu trên biển, bỏ lại người vợ và 3 đứa con nhỏ dại.Nước mắt người ở lại

Đã nhiều ngày trôi qua, không khí buồn thương vẫn bao trùm bến cảng Lạch Quèn (xã Thuận Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) khi nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân trong vùng không còn sự hiện diện của tàu cá mang số hiệu NA-80209-TS.

Chiều 17/3/2025, tàu NA-80209-TS do anh Nguyễn Văn Cương (SN 1984) làm thuyền trưởng và 3 thuyền viên khác, gồm: Lê Tuấn Anh (SN 2005), Trần Văn Hữu (SN 1995) cùng trú tại xã Văn Hải và Bùi Sỹ Nhất (SN 1977), trú tại xã Thuận Long, xuất cảng Lạch Quèn ra khơi để đánh bắt hải sản.

Theo lời kể của anh Hữu, người may mắn sống sót, thời điểm tàu đang đánh bắt ở vùng biển cách đất liền khoảng 30 hải lý thì máy tời bị hỏng, các thuyền viên vội thu gom lưới quay vào bờ để sửa chữa.

Thế nhưng, khi tàu bắt đầu quay vào, anh Hữu phát hiện nước tràn vào bên trong do hệ thống vòi nước dưới đáy tàu bị tụt. Tàu sau đó mất điện nên không thể gọi bộ đàm cầu cứu. Ít phút sau, tàu đã chìm, 4 người nhảy xuống biển bám vào tấm xốp đậy thùng đá.

Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, sóng biển mạnh khiến cả 4 thuyền viên đều bung tay ra, mỗi người tự bám vào một vật. Bốn người liên tục gọi tên nhau, nghe tiếng trả lời nghĩa là vẫn ổn.

Thế rồi, tiếng gọi của anh Hữu như bị sóng biển nuốt chửng, không nghe thấy tiếng đáp lại... Hơn 30 giờ đồng hồ ngâm mình dưới biển khiến anh Hữu kiệt sức. Khi cái chết tưởng như đã cận kề, trưa 19/3, anh may mắn được một tàu câu mực của Hà Tĩnh phát hiện và vớt lên. Thế nhưng 3 người còn lại không có được may mắn đó.

Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải đoàn Biên phòng 38 và hàng chục tàu giã cào dàn hàng ngang để tìm kiếm 3 người còn lại suốt nhiều ngày nhưng không có kết quả. Đến sáng 30/3, người dân phát hiện 2 thi thể trên bờ biển Hà Tĩnh.

Qua quá trình nhận dạng và xét nghiệm ADN, xác định đó là thi thể của anh Cương và Nhất. Trong khi đó, thi thể anh Lê Tuấn Anh đến ngày 15/4 vẫn chưa được tìm thấy.

Ngồi thất thần bên bàn thờ chồng đang nghi ngút khói hương, chị Thủy nói trong nước mắt: "Chiều 18/3, tôi đang đi làm ở nhà máy (chị Thủy làm công nhân - PV) thì bất ngờ nhận được điện thoại của em dâu hỏi rằng, anh Cương có gọi điện về không? Em nghe nói có tàu cá Quỳnh Lưu mất tín hiệu trên biển. Lập tức tôi gọi cho chồng nhưng không liên lạc được. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi xin về sớm và sau đó biết chính xác là tàu của chồng tôi gặp nạn".

Chị Thủy trở thành góa phụ sau khi chồng chị thiệt mạng trong vụ chìm tàu trên biển

Chị Thủy trở thành góa phụ sau khi chồng chị thiệt mạng trong vụ chìm tàu trên biển

Vẫn biết gặp nạn trên biển rủi ro rất lớn nhưng vì nghĩ tàu của chồng mình đánh bắt gần bờ, nếu gặp nạn có thể sẽ được cứu nên chị Thủy vẫn hy vọng. "Điện thoại cầm sẵn trên tay, từng giây từng phút chờ đợi tin chồng nhưng thời gian cứ thế trôi đi, lòng tôi như lửa đốt. Đến ngày hôm sau, Hữu được cứu sống, tôi lại nhen nhóm hi vọng nhưng…", chị Thủy bỏ lửng câu nói rồi khóc nức nở.

Duyên nợ với biển

Chị Thủy cho biết, cả 2 bên gia đình đều làm nghề đi biển. Mỗi lần ra khơi là mỗi lần phải đối mặt với bao vất vả và cả hiểm nguy nên chị Thủy đã nhiều lần khuyên chồng bỏ nghề. Năm 5 trước, anh Cương tưởng như đã nói lời giã từ với biển cả khi quyết định lên bờ, tìm công việc mới.

Sau nhiều đêm tính toán, 2 vợ chồng gửi lại các con, nhờ người thân trông hộ rồi dắt nhau sang Trung Quốc làm thuê. Khi công việc đang khá thuận lợi, cả 2 vợ chồng phải về nước vì không có giấy tờ chứng minh lao động hợp pháp.

Cùng với số tiền dành dụm được, 3 năm trước, vợ chồng chị Thủy quyết định vay ngân hàng 600 triệu đồng để cất ngôi nhà mơi ngay đầu bến sông Thái, thuộc xóm 9, xã Văn Hải. "Tôi xin đi làm công nhân, còn chồng tôi dự tính sẽ xuất khẩu lao động. Thế nhưng, làm hồ sơ đến 5 lần, chồng tôi vẫn không thể đi được. Cuối cùng, anh ấy phải quay về đi biển. Điều đó cứ như là duyên nợ vậy", chị Thủy kể lại.

Một trong những rào cản khiến anh Cương khó đi lao động ở nước ngoài là vì anh mù chữ. Thực tế, anh Cương đã học đến lớp 2, sau đó bỏ học để theo bố ra biển. Mấy chục năm theo cha treo mình trên sóng dữ, những con chữ ít ỏi cũng mất dần, sau này anh chỉ biết viết tên mình.

Anh Cương là người sống hòa đồng, quảng giao nên ai cũng quý mến. Chưa bao giờ anh nặng lời với vợ con.

Bến sông Thái trước nhà chị Thủy

Bến sông Thái trước nhà chị Thủy

Vợ chồng chị Thủy có 3 người con gái, cháu lớn đang học lớp 11, con gái út mới 2 tuổi. Ngoài những giờ đi biển, anh Cương thường dành thời gian bên các con. Anh có thói quen, vào khoảng 5h chiều lại công kênh con gái út lên cổ ra trước bến sông Thái đợi chị Thủy đi làm về.

"Mới 2 tuổi nhưng con bé dường như đã cảm nhận được sự mất mát, nhiêu ngày nay cháu buồn xo, đến trường cũng không chơi với các bạn. Nhìn con, tôi rất xót xa. Từ khi chồng mất, bữa cơm nào dọn ra cũng chứa chan nước mắt, chẳng ai muốn đụng đũa", chị Thủy buồn bã nói.

Khi nỗi đau còn không biết khi nào mới có thể nguôi ngoai, chị Thủy lại lo đến món nợ chưa trả. Mấy năm nay việc đánh bắt hải sản không được thuận lợi, dù cố gắng nhưng anh Cương cũng chỉ lo cho gia đình được ngày ăn đủ 3 bữa cùng 4 triệu đồng tiền trả lãi, còn tiền nợ gốc vẫn chưa trả được đồng nào.

Cách đây 19 năm, người anh của chị và nhiều thuyền viên khác cũng gặp nạn rồi chết trên biển. Nhiều người mất tích nhưng chỉ tìm được một thi thể và không xác định được là anh trai chị hay của người bạn đi cùng.

Ngày đó, do kinh tế khó khăn nên 2 gia đình không làm xét nghiệm ADN. Sau cùng, 2 nhà thống nhất mai táng và đến giờ vẫn thờ chung một mộ.

Bà Đồng Thị Hiên, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Hải, cho biết: "Gia đình anh Cương rất khó khăn, anh là con út trong gia đình có 7 anh em. Sau khi được bố mẹ cho đất làm nhà, vợ chồng họ vẫn đang nợ số tiền rất lớn.

Họ vay tiền vừa để làm nhà vừa có vốn để ra khơi nhưng việc đánh bắt mấy năm nay không thuận lợi nên chưa trả được nợ. Sau khi anh Cương mất, chính quyền đã đến hỏi thăm, hỗ trợ gia đình để giúp họ sớm vượt qua nỗi đau. Hội LHPN cũng đứng ra kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp mẹ con chị Thủy vơi bớt khó khăn".

Cũng theo bà Hiên, ở xã Văn Hải nói riêng và các xã ven biển Quỳnh Lưu nói chung đã có nhiều người bỏ mạng khi ra khơi. Hiện xã có gần 10 góa phụ.

Ngư dân đi biển giờ được trang bị tàu to hơn, thông tin đầy đủ và hiện đại hơn, được trang bị thiết bị cứu sinh an toàn hơn nhưng thỉnh thoảng dọc các làng biển vẫn có những người ra đi mãi mãi, để lại những người mẹ, người vợ cùng nỗi đau ở lại.

Minh Châu (Còn nữa)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/noi-dau-goa-phu-lang-bien-202504181320189.htm
Zalo