Nơi chữa lành vết thương lòng
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều phụ nữ mang thai lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đã may mắn tìm được nơi nương tựa tại mái ấm Thiện Nhi
Không chỉ cưu mang các mẹ bầu đơn thân vào những tháng cuối thai kỳ đến khi sinh nở, mái ấm Thiện Nhi (TP Thủ Đức, TP HCM) còn chăm sóc cả mẹ và bé sau sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các mẹ học nghề, có công việc ổn định để nuôi con.
Điểm tựa của những mảnh đời bất hạnh
Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn của các mẹ đơn thân trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, tháng 10-2021, chị Trương Quý Linh (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) thành lập một mái ấm nhỏ với tên gọi Thiện Nhi. Nơi đây đón nhận các mẹ bầu và chăm sóc em bé từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi cất tiếng khóc chào đời.
Ngôi nhà nhỏ nằm tại địa chỉ 528/6 Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TP HCM) là nơi trú ngụ của những người phụ nữ chẳng hề quen biết nhau, đến từ khắp mọi miền nhưng cùng chung số phận. Hầu hết các bà mẹ đến mái ấm Thiện Nhi đều có hoàn cảnh trái ngang. Họ là các cô gái lỡ mang thai, có người bị chồng bạo hành, mang thai ngoài ý muốn hoặc thậm chí bị cưỡng bức.
Mở cửa đón chúng tôi là một cô gái trẻ bụng "lùm lùm" với nụ cười trên môi. Đó là em N.N.T.T (19 tuổi, quê Bình Định). N.N.T.T yêu và trao thân cho bạn trai khi chỉ vừa bước chân vào cánh cửa đại học. Khi hay tin N.N.T.T mang thai, gia đình nhà trai không chấp nhận, còn người yêu thì phủi bỏ trách nhiệm. Sau khi suy nghĩ, T. quyết định sinh con một mình và tìm đến mái ấm để nương nhờ.
Chị N.T.H (26 tuổi, quê Long An) rơm rớm nước mắt khi kể về cuộc hôn nhân chóng vánh. Phát hiện chồng ngoại tình cũng là lúc chị mang thai. Không người thân thích, buồn bã và tuyệt vọng, chị H. lên mạng xã hội tâm sự. Biết được mái ấm Thiện Nhi nên chị nhắn tin mong được giúp đỡ. "Lúc đó, tôi từng muốn tìm đến cái chết nhưng nghĩ về đứa con trong bụng nên không đành. Duyên số cho tôi gặp chị Linh, chị đón về cho tá túc, rồi đưa tôi đi sinh con. Ơn này không lấy gì đền đáp được!" - chị H. vừa ru con 3 tháng tuổi vừa nghẹn ngào kể.
Hoặc như hoàn cảnh của chị L.Q.N, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, bị gia đình chồng chối bỏ ngay khi biết chị mang thai. Ôm bụng bầu 7 tháng vào TP HCM, chị sống vật vờ ngoài bến xe, công viên, ai cho gì ăn nấy. Chị N. tâm sự: "Thời điểm đó, tôi nghĩ mình không thể sinh con vì không có điều kiện. Rất may, tôi đã tìm được mái ấm Thiện Nhi và được chị Linh hỗ trợ tận tình.
Hạnh phúc khi được sẻ chia
Có nhiều lý do mà các bà mẹ phải đối diện với việc chọn giữ lại đứa trẻ trót mang trong bụng. Trong hành trình mang thai đơn độc, họ đã tìm đến mái ấm Thiện Nhi để nương tựa. Ở đây, các mẹ tự quản và chăm sóc nhau. Tất cả vật dụng dành cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh, đặc biệt là sữa, đồ ăn thức uống đều được chị Linh chuẩn bị sẵn, hầu như không thiếu thứ gì.
Chị Linh thừa nhận việc động viên, chăm sóc cho nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh cùng lúc là điều không dễ dàng, đặc biệt là đối với người chưa lập gia đình, chưa sinh con như chị. "Lúc đầu tôi không nghĩ việc này phức tạp như vậy. Thế nhưng, với quyết tâm chia sẻ khó khăn với các mẹ và bé, tôi đã dành nhiều thời gian để học hỏi kiến thức, kỹ năng cần thiết. Tôi cũng tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ và những người có kinh nghiệm để làm sao chăm sóc tốt nhất cho các mẹ và bé" - chị Linh bộc bạch.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng sống cho các mẹ và bé, chị Linh cũng phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để hoàn thiện thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú, gìn giữ sự ấm êm, an toàn cho các mẹ và bé ở mái ấm.
Mái ấm là nơi chứng kiến nhiều câu chuyện buồn, vui của các mẹ đơn thân phải vượt cạn mà không có người thân, gia đình bên cạnh. Nhưng cũng từ mái ấm này, đã có không ít cái kết có hậu, khi các mẹ sinh con xong được gia đình chấp nhận, người yêu và gia đình chồng đến đón con, đón cháu và tổ chức đám cưới. Nhắc lại những kỷ niệm, chị Linh rưng rưng nước mắt. Chị thương những chị em dại dột nhưng cũng rất hạnh phúc khi họ vượt qua những va vấp của cuộc đời. Chị cho biết thêm: "Ở đây, tôi sẽ chăm lo cho cả mẹ và bé trong suốt thời kỳ thai sản. Khi bé cứng cáp, tôi sẽ kết nối và hỗ trợ các mẹ học nghề hoặc xin việc làm phù hợp để có nền tảng kinh tế tốt hơn".
Cũng theo chị Linh, sau khi sinh nở, việc mẹ và bé gắn bó với mái ấm dài hay ngắn tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu sớm giải quyết ổn thỏa chuyện gia đình, có khả năng tự chăm sóc con thì mẹ và bé vui vẻ rời mái ấm. Với những trường hợp còn khó khăn, mái ấm sẽ tiếp tục hỗ trợ.
Bắt tay xây dựng mái ấm, tôi mong muốn nơi đây không chỉ là nơi ở tạm thời mà còn là nơi mỗi người mẹ được tiếp sức để mạnh mẽ hơn, tìm lại niềm tin trong cuộc sống" - chị Trương Quý Linh bộc bạch.