Nỗi buồn xe đạp...
Chuyện người đi xe đạp không có được một làn đường dành riêng cho mình, chúng tôi đã đề cập khá nhiều trong những bài viết trước đây. Nhưng có lẽ vẫn cần phải tiếp tục, với những góc nhìn khác hơn về tầm nhìn của những người chịu trách nhiệm quy hoạch hạ tầng thành phố.
Anh bạn tôi là người mê xe moto phân khối lớn. Bỗng một ngày đẹp giời anh bán hết tất cả bộ sưu tập xe của mình và chuyển sang đạp xe đạp.
Hỏi sao, anh bảo giờ có tuổi không còn mê tốc độ nữa, cũng không đủ sức khỏe để “vần” những mấy chiếc moto cả ngàn phân khối. Hơn nữa, thấy đạp xe tốt cho sức khỏe, mà cuộc sống hằng ngày bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Nhưng, vâng, vẫn là từ “nhưng” đằng sau những “tín hiệu lạc quan” vốn không dành cho những kẻ ưa sự lãng mạn. Việc đạp xe hằng ngày đi làm, đi chơi, đặc biệt vào giờ cao điểm thật khó khăn, khi phải lạng lách, chen chúc giữa những loại phương tiện cơ giới khác. Chỉ va chạm nhẹ một cái là có thể ngã lăn quay ra đường, gặp tai nạn như chơi. Vì ở ta, làm gì có đường dành riêng cho xe đạp?
À, nói thế cũng không đúng. Ví dụ như ở Thủ đô, vài tháng trước người ta cũng đã làm lễ khánh thành một tuyến đường dài khoảng 4km dành riêng cho người đi bộ và xe đạp, dọc theo một đoạn… sông Tô Lịch.
Khỏi phải nói thì ai cũng biết dòng sông này là cái cống chứa nước thải lộ thiên khổng lồ của thành phố mấy chục năm nay. Trừ những ngày mưa lớn nước sông dược… pha loãng ra thì quanh năm một màu đen kịt đặc sánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chỉ đứng cạnh vài phút thôi cũng đã hoa mắt chóng mặt, nôn nao.
Tất nhiên là hằng ngày đi qua đây chả thấy có mấy bóng dáng người đạp xe đạp, hay đi bộ. Chỉ béo mấy anh taxi và xe ôm ra đây “xả thải”. Chưa kể cung đường chỉ có vài kilomet, không thể giải quyết vấn đề giao thông, và cũng chẳng ai hơi đâu đạp xe dạo mát cạnh cái “cống thối” ấy.
Có lẽ, những người tuyên truyền, vận động cho việc đi xe đạp hầu hết là… ngồi trong ô tô. Họ vận động người dân đi xe đạp, xe bus, đi tàu, nhưng chắc cũng chỉ thực hiện đúng một lần trong đời, vào ngày khai trương những loại hình phương tiện ấy.
Nếu chính những nhà quản lý, quy hoạch thành phố, hằng ngày đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng, bằng xe đạp… thay vì ngồi trên ô tô riêng điều hòa mát rượi, chẳng tốn một giọt mồ hôi, thì có lẽ, giao thông Thủ đô đã có một bộ mặt khác.
Những người đi xe đạp, và phong trào đạp xe để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường đã trở thành hiện thực, chứ không chỉ dừng ở việc “phát động phong trào”. Ở ta, có cái gì là “phong trào” mà tồn tại được qua cái ngày phát động đâu?
Lại một anh bạn khác. Anh này và nhóm bạn của anh đam mê môn thể thao đạp xe. Việc tìm kiếm một cung đường đủ dài và đẹp phục vụ cho việc tập luyện hằng ngày là khá khó khăn với nhóm của anh. Những nhóm đạp xe như anh bạn tôi thường chọn cung đường T2, từ nội thành dẫn lên sân bay quốc tế Nội Bài.
Cung đường dủ dài và đẹp cho việc đạp xe. Nhưng điều không may là tuyến đường này cấm xe đạp. Thế nhưng, biện minh cho việc thành phố không có đường riêng cho xe đạp, nên họ “đành” phải vi phạm luật giao thông khi đi chung vào đường chỉ dành cho xe cơ giới.
Khi đề cập đến vấn đề này, anh cho biết, rất mong muốn thành phố khi mở đường, cầu, cần có thêm đường dành riêng cho phương tiện thô sơ như xe đạp. Họ cũng có quyền lợi xã hội như những người khác, tại sao đường xá chỉ dành riêng cho những phương tiện cơ giới?
Biết là vi phạm giao thông và bị nhiều người lên án, nhưng nếu thành phố quan tâm tới loại phương tiện này thì chắc chắn anh và bạn bè sẽ không phải mạo hiểm sức khỏe và tính mạng khi đi vào phần đường dành cho xe cơ giới…
Dù sao thì vẫn là vi phạm luật giao thông, nhưng ý kiến ấy với những nhà quy hoạch và lãnh đạo thành phố, cũng cần phải nghiêm túc cân nhắc.
Bởi rõ ràng, chúng ta liên tục mở rộng đường, xây cầu mới, nhưng đúng là hầu như không có một phương án nào dành cho xe đạp. Trong khi gần đây, chúng ta bắt đầu tuyên truyền cho việc giảm phương tiện cơ giới cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng, xe đạp để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân...
Xung đột giao thông, câu chuyện muôn thuở ở các thành phố lớn, không riêng gì Việt Nam. Thế nhưng nếu chúng ta quản lý tốt và có tầm nhìn cho tương lai, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này.
Không cần phải nhìn đâu xa, những quốc gia quanh chúng ta, khi quy hoạch thành phố, họ luôn tính toán tới nhu cầu của người dân, các phương tiện giao thông, dù là xe đạp, xe máy, ô tô… đều có đường dành riêng cho mình.
Vừa an toàn, vừa đảm bảo không có sự xung đột giao thông nghiêm trọng. Người đạp xe đạp có thể thoải mái trên con đường dành riêng cho mình mà không phải nơm nớp lo sợ tránh né các phương tiện cơ giới với tốc độ cao hơn rất nhiều chạy xung quanh…
Với những chủ đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, nếu bớt “tham lam” hơn khi dành quá nhiều diện tích để xây nhà, nhằm thu hồi vốn đầu tư triệt để mà không bớt quỹ đất để cho hạ tầng, đường giao thông chung; thì tất cả chúng ta vẫn sẽ phải chịu cảnh tắc đường dài dài, và giao thông sẽ ngày một tệ hơn, dù có xây bao nhiêu cầu, đường trên cao đi nữa…